Thứ Ba, 1/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Hai, 20/10/2014 22:53'(GMT+7)

Hai điều căn bản “đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”

Bác Hồ với Phụ nữ Việt Nam. Ảnh tư liệu

Bác Hồ với Phụ nữ Việt Nam. Ảnh tư liệu

 

1. Giải phóng phụ nữ là một cuộc cách mạng xã hội to lớn. Khi xã hội càng tiến bộ thì yêu cầu giải phóng phụ nữ càng đòi hỏi cao hơn. Trong cuộc cách mạng to lớn này, chỉ mình bản thân phụ nữ sẽ không thể làm được mà phải có sự tham gia tích cực của toàn xã hội, trong đó, vai trò của đảng cầm quyền và nhà nước hiện tại là hết sức quan trọng. Chỉ khi nào các chủ trương của đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước thể hiện rõ bản chất của một Đảng tiên tiến và của một nhà nước tiến bộ, luôn nêu cao tinh thần giải phóng phụ nữ, thì lúc đó mới có thể nói đến cuộc cách mạng mang lại quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.

Bằng trải nghiệm thực tiễn và tiếp thu văn minh nhân loại, ngay từ trong quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng con người, Hồ Chí Minh đã nhận thấy tất cả sự bất công phi lý trong chính sách của chủ nghĩa thực dân, phong kiến luôn đối xử thiếu công bằng với phụ nữ, coi phụ nữ chỉ là “kẻ ăn, người ở” trong nhà; hơn một chút, chỉ là để duy trì nòi giống cho gia đình, dòng họ. Vì vậy, Người chủ trương lôi kéo phụ nữ vào con đường cách mạng và mưu cầu giải phóng cho họ.

Trong thực tế ở nước ta, từ khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng thống trị của chế độ phong kiến Việt Nam (từ thời Lê–Nguyễn) thì người phụ nữ dần trở thành nạn nhân của tệ phân biệt đối xử. Nguyễn Du đã phải than rằng: “Thương thay số phận đàn bà/ Một lời bạc mệnh cũng là lời chung”. “Số phận đàn bà” bị khinh miệt, bị coi rẻ: “Nhất nam viết hữu/ thập nữ viết vô”; “Đàn ông trên nhà/ đàn bà xó bếp”, làm cho người phụ nữ luôn luôn chịu thân phận thấp kém, không bao giờ được đặt ngang hàng với nam giới. Câu ca dao dăn dạy con cái “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” là một sự ghi nhận rất “hiếm hoi” trong chế độ phong kiến đương thời. Có người còn hài hước cho rằng, thực chất sự tôn vinh “ít ỏi” ấy lại chỉ được đặt ra khi người mẹ đã chết: “Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Người ta ít thấy những lời dạy bảo, phải đối xử bình đẳng với phụ nữ ngay trong khi họ đang còn sống. Các quy định được gọi là “lễ giáo phong kiến” lại mang nặng sự trói buộc đối với phụ nữ, như giáo lý “Tam tòng” (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) khiến cho người phụ nữ từ khi lấy chồng thì “như gông đeo cổ”. Họ bị hạ thấp tột bậc và không có cơ hội để thể hiện năng lực của mình. Trong khi đòi hỏi người phụ nữ phải: “công, dung, ngôn, hạnh”, thì người đàn ông lại được quyền “năm thê bảy thiếp”, tạo nên một chế độ đa thê bất bình đẳng rõ rệt giữa phụ nữ và nam giới.

Đến chế độ nửa thực dân phong kiến, trước sự tàn bạo của chủ nghĩa xâm lược, “phụ nữ nước nhà phải chịu thân phận người thấp kém và đau khổ nhất trong những người nô lệ”[2]. Trong “Bản án chế độ thực dân Pháp” viết năm 1925 từ khi còn đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã vạch trần tội ác của chủ nghĩa đế quốc thực dân đối với phụ nữ Việt Nam: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược. Ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga. Một người Âu mắng một phụ nữ An Nam là con đĩ, con bú dù là một việc bình thường. Ngay giữa chợ Bến Thành ở Sài Gòn… bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh phụ nữ bản xứ để bắt họ tránh khỏi làm nghẽn lối!”[3]. Nguyễn Ái Quốc đã phác họa một bức tranh chứa đựng bao nỗi đau thương của phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ, Người vạch rõ: “Chế độ thực dân là ăn cướp”, “hiếp dâm và giết người”[4], nhà nước thực dân, phong kiến không mảy may đề ra một chủ trương gì để cải thiện tình hình cho phụ nữ. Tư tưởng phong kiến và thói dâm bạo, vô liêm sỉ của của bọn thực dân đã đẩy nhân dân ta, đặc biệt là phụ nữ nước ta đến con đường cùng quẫn.

Hiểu thấu nỗi đau khổ của phụ nữ, nên Hồ Chí Minh đã tích cực đấu tranh đòi quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ. Trong một bài báo viết cho tờ Thanh niên do Người sáng lập (năm 1926) xuất bản tại Pháp, Người đã chỉ trích chế độ “nam trị” ở châu Á “thường so sánh phụ nữ là con gà mái: Gà mái gáy báo sáng là điềm gở cho cả gia đình”, phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và họ không được hưởng chút quyền gì. Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi chị em! Vì sao chị em lại phải chịu sự áp bức bất công này?”[5]. Người nói: “Đàn ông, đàn bà đều phải bình đẳng” và sự bình đẳng ấy phải được bắt đầu ngay từ trong các cuộc đấu tranh cách mạng hướng đến giải phóng dân tộc. Người cho rằng: “Việt Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”. Tinh thần đó được Người tuyên truyền trong các bài giảng cho lớp Việt Nam Thanh niên cách mạng đầu tiên (ở Quảng Châu, Trung Quốc) và sau này được khẳng định trong Chính cương vắt tắt (1930) “b. Nam nữ bình quyền” và Tuyên ngôn Độc Lập (1945) “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”, trở thành thông điệp của một cuộc cách mạng thứ hai - Giải phóng cho phụ nữ Việt Nam. Thông điệp ấy được chuyền đến tất cả các văn kiện của Đảng và được cụ thể hóa bằng các chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các mục tiêu Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ.   

Cùng với giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng ta. Cũng từ rất sớm, Đảng và Nhà nước ta đã tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và xây dựng hoàn thiện một hệ thống các ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở tất cả các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước luôn hướng tới loại bỏ những “thói hư tật xấu”, lạc hậu của tàn dư phong kiến, đưa đến địa vị làm chủ thực sự của phụ nữ, đặc biệt tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, xã hội. Nhờ đó, phụ nữ nước ta không ngừng trưởng thành, luôn là lực lượng hùng hậu không thể thiếu trong mọi cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Được Đảng, Nhà nước và dân tộc suy tôn bằng 8 chữ vàng: “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng”.

2. Trong công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ nước ta “trẻ cũng như già, đã ra sức dệt thêu nên non sông gấm vóc Việt Nam tốt đẹp, rực rỡ”. Nhiều chị em đã tự phấn đấu vươn lên trong học tập, lập thân, lập nghiệp và thành công trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện rõ việc thực hiện tích cực lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “... Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”[6]. Thấu hiểu những đặc tính của phụ nữ nước nhà, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội...” [7]. Những lời căn dặn này được đúc kết và tái khẳng định trong luận điểm thứ hai đối với phụ nữ trong “Di chúc” mà Người để lại: “Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”.

Trên tinh thần “phải cố gắng vươn lên”, trải qua các cuộc cách mạng, phụ nữ nước ta luôn luôn đi theo Đảng đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; đồng thời “không ỷ lại vào Đảng, Chính phủ” mà quyết tâm học tập, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tin tưởng vào khả năng của mình; xóa bỏ tâm lý tự ti, e dè và ỷ lại, vươn lên, tự giải quyết mọi khó khăn trong cuộc sống và công tác xã hội. Nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu thành đạt trong sản xuất kinh doanh, học tập, nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng trong thắng lợi của cách mạng nước nhà.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhờ làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ cán bộ nữ; đồng thời, bản thân cán bộ nữ cũng có nhiều cố gắng vươn lên, nên công cuộc giải phóng phụ nữ ngày càng đi đến hiện thực. Tỷ lệ nữ tham gia công tác xã hội ngày càng cao, hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức có số lượng nữ cán bộ, công chức, viên chức vượt tỷ lệ 30%. Trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, văn hóa, giáo dục và y tế có 60% lực lượng là nữ; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy và chính quyền các cấp ngày càng nhiều hơn. Trong số Ủy viên Trung ương Đảng, có 15% là nữ, năm 2013 bổ sung một Ủy viên Bộ Chính trị, lần đầu tiên nâng số Ủy viên Bộ Chính trị là nữ lên hai người (chiếm 12,5%); Đại biểu Quốc hội các khóa gần đây đều đảm bảo và vượt tỷ lệ nữ (chiếm 24,4- 25,76%), là một trong những nước đứng đầu khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và là một trong ít nước có tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội cao nhất thế giới; đặc biệt trong năm nhiệm kỳ qua, Phó Chủ tịch nước đều là nữ; năm 2013, lần đầu tiên có hai cán bộ nữ được phong quân hàm thiếu tướng công an và bổ nhiệm thêm một nữ thiếu tướng trong quân đội. Số nữ có trình độ chuyên môn cao đã được nâng lên đáng kể: cao đẳng 61%, đại học 38%; thạc sĩ 33,95%, tiến sĩ 25,69%, tiến sĩ khoa học 5,1%; giáo sư 3,5%, phó giáo sư 5,9%; cán bộ của các cơ sở nghiên cứu 6,3%, trong đó chủ nhiệm đề tài khoa học cấp nhà nước chiếm 10%; 12 nhà khoa học đoạt Giải thưởng Kovalepscaia; 19 nữ Anh hùng Lao động, trên 250 nữ Chiến sĩ thi đua toàn quốc; các danh hiệu Nghệ sĩ, Nhà giáo, Thầy thuốc Nhân dân, Ưu tú... được trao tặng cho phụ nữ ngày càng nhiều hơn. Trong các cơ quan Trung ương của Đảng, tỷ lệ nữ được cất nhắc phụ trách các công việc lãnh đạo ngày càng được quan tâm. Chị em đều tỏ rõ là những người có bản lĩnh chính trị, năng lực công tác và giữ gìn được phẩm hạnh, đức tính của người phụ nữ, đều là những người “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Ở những đơn vị do phụ nữ lãnh đạo thường ít xảy ra các hiện tượng tiêu cực, mất đoàn kết, bè phái, nhất là ít thấy các biểu hiện tham nhũng, làm ăn phi pháp. Chị em đã góp phần tô thắm, làm đẹp đẽ thêm bức tranh về giải phóng phụ nữ.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, bên cạnh niềm tự hào đã đạt được, chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở về những mảng tối trong bức tranh giải phóng phụ nữ. Sau các nỗ lực của Đảng và chính phủ, của chị em và toàn xã hội, ở đây đó, các chủ trương, chính sách, vẫn chưa đủ thấm sâu vào công tác phụ nữ; chưa phản ảnh đúng với thực tiễn cuộc sống cũng như mong đợi của chị em. Ở các khu dân cư, từ thành thị cho đến nông thôn, nhiều chị em vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí bất công và cả bị ngược đãi, bạo hành, có thể ngay từ những người thân trong gia đình. Theo thông báo gần đây của Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của của phụ nữ cho thấy, thời gian lao động của nữ giới trung bình thường cao hơn nam giới 3-4 giờ mỗi ngày, nhất là phụ nữ ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn phải lao động nhiều hơn từ sáng sớm đến nửa đêm, trong khi nam giới luôn biện minh rằng, đàn ông phải làm những công việc lớn, những việc trong gia đình là việc vặt, phụ nữ phải lo toan gánh vác. 

Trong thực tiễn, bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trên hầu hết các lĩnh vực và phần lớn những thiệt thòi vẫn nghiêng về phía phụ nữ. Báo cáo của Chính phủ về bình đẳng giới năm 2013 cho biết, chỉ có 15/30 (50%) bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ; 24/63 (38%) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nữ chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân, cho thấy còn nhiều hạn chế trong công tác phụ nữ (!?)

Theo đánh giá của Liên hợp quốc tại báo cáo phát triển con người năm 2013, chỉ số bất bình đẳng giới của Việt Nam đứng thứ 48/150 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam được xếp hạng thứ 73 trong tổng số các quốc gia được xếp hạng về thu hẹp khoảng cách giới, đứng sau một số quốc gia trong khu vực ASEAN là Philippines (thứ năm), Singapore (thứ 58), Lào (60) và Thái-lan (65).

Trở lại với những điều căn dặn của Bác “Đối với phụ nữ”, chúng ta thấy những hạn chế, yếu kém trong công cuộc giải phóng phụ nữ hiện nay, ít nhiều đều có nguyên nhân từ việc chưa thực hiện đầy đủ hai điều căn bản trong “Di chúc” của Người. Cùng với nhận thức chưa thấu đáo của một bộ phận các cấp ủy và chính quyền, đoàn thể xã hội, để có kế hoạch thiết thực, bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ; bản thân những người phụ nữ cũng chưa nhận thức được đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình để có “tinh thần cố gắng vươn lên”, làm cho tình trạng bất bình đẳng giới vẫn diễn ra dai dẳng trong mỗi người dân, cộng đồng và xã hội, có lúc, có nơi rất gay gắt, là rào cản lớn cho công cuộc giải phóng phụ nữ. Chủ trương, chính sách, sự chăm lo của Đảng và Chính phủ là yếu tố quan trọng, nhưng sẽ là chưa đủ, nếu phụ nữ không nhận thức được vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của mình để cố gắng vươn lên. Và ngược lại, nếu không có chủ trương, chính sách tốt của Đảng và Nhà nước, không được sự quan tâm thực sự của các cấp ủy và chính quyền, tạo điều kiện giúp đỡ chị em thì cho dù chị em có cố gắng bao nhiêu cũng không đủ cho một cuộc cách mạng “giải phóng phụ nữ”. Chỉ khi nào làm tốt cả hai điều đó, thì lúc đó công cuộc giải phóng phụ nữ mới thực sự đem lại kết quả đích thực.

 Ngẫm thấy, lời Bác dặn trước lúc đi xa vẫn vẹn nguyên giá trị và mang tính thời sự cấp thiết, nóng hổi.

TS. Nguyễn Thành Vinh

Ban Tuyên giáo Trung ương

 

 



[1] - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2000, t.12, tr. 504.

[2]  Trần Khuê: Nghiên cứu và tranh luận, Nxb Văn hoá – Thông tin, H, 2010, tr. 342.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t.2, tr.105.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 106.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tr. 448.

[6] - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, H, 1996, t.9, tr.524.

[7] - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.296.

.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất