Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn
Chuyện đã thông tin về công tác đảm bảo an ninh trật tự của tỉnh tại
trạm thu giá BOT Sóc Trăng (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) trong thời
gian qua; thực hiện việc miễn, giảm giá vé cho các phương tiện qua trạm
thu giá từ ngày 12/1; những vướng mắc trong quá trình giải quyết phản
ứng của tài xế và đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại trạm.
Theo ông Trần Văn Chuyện, công tác phối hợp giữa Tổng cục Đường bộ Việt
Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng và nhà đầu tư là Công ty Trách nhiệm
hữu hạn BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng trong giải quyết vấn đề ùn tắc giao
thông tại trạm thu giá BOT Sóc Trăng chưa chặt chẽ; tình hình tại trạm
thu giá này hiện vẫn chưa hoàn toàn ổn định.
Nguyên nhân là do việc miễn, giảm giá vé cho các phương tiện qua trạm
chưa tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân bởi phạm vi giảm giá vé còn
hẹp (3 km).
Cụ thể, nhiều người dân không qua tuyến tránh, đặc biệt là người dân
thành phố Sóc Trăng phản ứng quyết liệt về việc thu phí chưa hợp lý hoặc
như người dân xã Phú Tân chỉ cách trạm 2km, nhưng lại không được giảm
giá vé.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải,
chủ đầu tư BOT Sóc Trăng cần có những điều chỉnh miễn, giảm phí cho các
phương tiện trong phạm vi bán kính 10km, thay vì 3km như hiện nay; đồng
thời các bên cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh
để kéo dài và bảo đảm an ninh trật tự qua địa bàn, nhất là trong dịp
Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Đại tá Lê Minh Quang, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, Công an
tỉnh đã mời các doanh nghiệp, đặc biệt là một số đối tượng liên quan đến
vấn đề gây rối lên làm việc.
Qua đó, một số đối tượng gây rối đã thừa nhận lỗi của mình. Trong thời
gian tới, lực lượng công an tỉnh tiếp tục xử lý nghiêm các đối tượng,
doanh nghiệp gây rối.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư nên nghiên cứu và có giải
pháp để tạo sự đồng tình của người dân và chủ phương tiện, tránh tình
trạng tài xế phản ứng kéo dài...
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng trao đổi xung quanh các vấn đề
nhưnguyên nhân phản ứng của tài xế tại trạm thu giá; việc giảm giá cho
các phương tiện qua trạm thu giá BOT Sóc Trăng; kiến nghị các phương án
điều chỉnh giá vé cho các phương tiện qua trạm.
Về phía nhà đầu tư, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị
Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng cho rằng, hiện nay
mỗi ngày đêm có khoảng 6.000 lượt phương tiện qua trạm.
Nếu giảm giá theo đề xuất của địa phương thì phương án tài chính của dự
án không đảm bảo (thời gian thu phí vượt quá 25 năm) và nếu bắt buộc
phải thực hiện miễn, giảm trong bán kính 10km thì nhà đầu tư sẽ phá sản,
lúc đó nhà đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải mua lại dự án.
Sau khi thảo luận, đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường Bộ
Việt Nam, nhà đầu tư chấp thuận giảm giá cho các phương tiện thuộc địa
phận xã An Hiệp, xã Phú Tân, xã Thuận Hòa và thị trấn Châu Thành thuộc
huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (bổ sung thêm xã Phú Tân).
Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành, Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng
hỗ trợ xác nhận danh sách các phương tiện trên địa bàn xã An Hiệp, xã
Phú Tân, xã Thuận Hòa, thị trấn Châu Thành và các phương tiện không sử
dụng để kinh doanh.
Giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quốc lộ 1 Sóc Trăng gửi danh sách về Tổng cục đường bộ Việt Nam và cập nhật đầy đủ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, từ khi xảy ra
tình trạng gây rối tại trạm thu giá BOT Sóc Trăng (ngày 7/1), Bộ Giao
thông Vận tải đã họp, xem xét lại tổng thể phương án và cân nhắc để theo
sát với tình hình thực tế.
Trạm BOT Sóc Trăng thực hiện thu phí trong 18 năm 2 tháng, khi đã giảm
giá vé từ ngày 12/1 thì thời gian thu phí tăng lên 23 năm 10 tháng.
Với kiến nghị của tỉnh Sóc Trăng về giảm trong phạm vi 10km, Bộ Giao
thông Vận tải xem xét lại giảm như thế nào, có ảnh hưởng đến phương án
ban đầu và thời gian thu phí của ngân hàng không.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị, trong thời gian tới Bộ Giao thông Vận
tải, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng,
chính quyền 2 địa phương là huyện Châu Thành và thành phố Sóc Trăng, nhà
đầu tư cần phối hợp tổ chức đối thoại với chủ các doanh nghiệp vận tải
nhằm tìm ra giải pháp tối ưu trong việc thực hiện miễn, giảm giá vé
phương tiện qua trạm thu giá. Việc giảm giá phải công bằng, bớt thiệt
hại, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân và chủ đầu tư.
Trước đó, sau nhiều ngày bị tài xế phản ứng vì cho rằng mức giá thu phí
và vị trí đặt trạm BOT Sóc Trăng không hợp lý (từ ngày 7/1), từ 0 giờ
ngày 12/1, trạm thu giá BOT Sóc Trăng đã miễn, giảm giá đối với phương
tiện lân cận trạm có hộ khẩu thường trú thuộc địa bàn xã An Hiệp, xã
Thuận Hòa và thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng theo
văn bản số 331 ngày 11/1 của Bộ Giao Thông vận tải chấp nhận chủ trương
giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu giá tại Km2123+250 trên
Quốc lộ 1.
Cụ thể, giảm 100% cho các loại xe buýt, giảm 50% cho các loại phương
tiện không sử dụng để kinh doanh, giảm 20% cho các loại phương tiện
khác.
Tuy nhiên, sau khi giảm giá, trạm thu giá BOT Sóc Trăng lại vấp phải sự
phản ứng của tài xế vì họ cho rằng việc giảm giá chưa hợp lý, đặc biệt
vào ngày 20/1.
Thông qua việc triển khai nhiều giải pháp như: trích xuất camera 24/24
giờ, tăng cường lực lượng trực tại trạm, lắp đặt các biển báo và xử lý
theo công văn hướng dẫn của Tổng cục đường bộ…, tình hình an ninh trật
tự tại trạm thu giá BOT Sóc Trăng cơ bản ổn định từ ngày 21/1 đến nay/.
Theo TTXVN