Cơ hội hiếm gặp
Dân số "vàng" đưa đến cho chúng ta rất nhiều cơ hội, nhất là cơ hội để phát triển kinh tế. Cơ hội dân số, hay còn gọi là cửa sổ cơ hội, xuất hiện khi tổng tỷ suất phụ thuộc giảm dưới 50%, lúc đó sẽ đạt tới "kỷ nguyên vàng". Theo GS Nguyễn Ðình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Trường ÐH Kinh tế Quốc dân), cơ hội dân số giai đoạn đầu đã đến từ khoảng thập niên 1980 và từ năm 2009, nước ta bước vào giai đoạn dân số "vàng" - khi mà hai người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 59) chỉ "cõng" một người phụ thuộc. Cơ hội này, là cơ hội hiếm gặp. Nó chỉ xuất hiện một lần và kéo dài trong khoảng 30 - 40 năm trong quá trình phát triển của một dân tộc. Cơ cấu dân số "vàng" đồng nghĩa với sự tập trung của một lực lượng lao động trẻ hùng hậu. Một khi lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai, bảo đảm an sinh xã hội khi nước ta bước vào giai đoạn dân số già. Với cơ cấu dân số như hiện nay, mỗi năm nước ta có thêm khoảng một triệu người bước vào độ tuổi lao động. Nguồn lao động dồi dào này là niềm mơ ước của rất nhiều quốc gia. Theo kết quả của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở T.Ư năm 2009, thì cơ cấu dân số "vàng" của nước ta sẽ kéo dài trong khoảng 39 năm. Trong đó, ba năm (2015 - 2017), dân số nước ta có số người phụ thuộc thấp nhất. PGS, TS Ðào Văn Dũng, Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, thời kỳ dân số "vàng" đóng góp khoảng một phần ba vào tăng trưởng của các nước châu Á với mức tăng trưởng thần kỳ về kinh tế. Lợi tức có được từ cơ cấu dân số "vàng" sẽ không tự đến nếu chính phủ các nước không có chính sách phù hợp. Thí dụ: Nhật Bản, đất nước có sự phát triển vượt bậc nhờ cơ cấu dân số "vàng", đã có chính sách đầu tư rất lớn cho giáo dục và y tế. Ngay từ những năm 1970, họ gọi những người học nghề và đại học là những "công dân đẻ trứng vàng". Và sau khi được đào tạo, lực lượng này quay trở lại cống hiến cho ngành sản xuất của Nhật Bản. Bài học từ Hàn Quốc và Ga-na cũng cho thấy giá trị của chính sách hợp lý. Hai nước có xuất phát điểm như nhau nhưng với sự đầu tư và bước đi thích hợp, tích lũy tri thức, Hàn Quốc đã có sự khác biệt trong sự phát triển kinh tế và nhân lực...
Tận dụng cơ hội "vàng"
Câu hỏi đặt ra với các nhà quản lý, hoạch định chính sách là làm thế nào để mở cửa sổ dân số "vàng" khi giai đoạn này chỉ kéo dài trong vòng 15 đến 30 năm hoặc 40 năm (tùy thuộc vào việc kiềm chế mức sinh). Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Ðức Hòa, để tận dụng cơ hội "vàng" này, cần triển khai nhiều chính sách và giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trước hết, cần phải thực hiện các chính sách, giải pháp sử dụng tối đa, hiệu quả nguồn lao động, giảm nhanh tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm; gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chuyển dịch cơ cấu lao động. Ðẩy mạnh đầu tư, phát triển thêm nhiều ngành, nghề mới, tạo thêm chỗ làm việc mới, nhất là ở nông thôn. Ðồng thời tìm kiếm và không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu lao động; tăng cường hợp tác liên doanh, liên kết xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở nước ngoài để đưa lao động tới làm việc. Ðào tạo chuyên môn kỹ thuật và tay nghề cho người lao động vì trong thời đại tiến bộ khoa học và công nghệ hiện nay, người ta chú trọng hàm lượng chất xám hơn là số lượng lao động.
Cũng theo PGS, TS Nguyễn Ðình Cử, chỉ số phát triển con người của nước ta mới đạt 0,74 trong khi nhiều nước trên thế giới là 0,9. Trong tương lai có thể là "vàng", tuy nhiên, thời điểm này thì chưa. Trên thực tế, nếu nhìn vào tỷ số giới tính khi sinh của nước ta hiện nay, có lẽ là "sắt" chứ không phải "vàng". Cùng đó là những thách thức lớn cho chất lượng dân số khi chúng ta chưa kịp giàu lên nhờ "vàng" thì đã "già" do tốc độ già hóa của dân số tăng nhanh trong thời gian gần đây. Cho nên, đầu tư và tái đầu tư nguồn nhân lực là vấn đề quan trọng hàng đầu, là việc làm thiết thực để đào tạo các công dân "vàng". Việc nghiên cứu khoa học, tiếp cận ứng dụng công nghệ hiện đại cần phải đẩy mạnh. Nước ta không thể sử dụng nguồn nhân lực giá rẻ vì sẽ làm mất cơ hội cạnh tranh. Cần chuyển dịch ngành nghề có giá trị gia tăng thấp sang cao, đào tạo cần đi trước và nhanh chóng đưa ra các chính sách ngăn chặn "chảy máu chất xám", khuyến khích những người có trình độ và kỹ năng cao trở về phục vụ đất nước.
(Theo Nhân Dân)