Thứ Hai, 25/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Hai, 28/6/2010 23:4'(GMT+7)

Gia đình không gương mẫu, xã hội không thể tiến bộ

Gia đình là hạt nhân của xã hội (Ảnh minh họa)

Gia đình là hạt nhân của xã hội (Ảnh minh họa)

 

Đã có lúc, có người xem nhẹ vai trò của gia đình, ngộ nhận tiến lên CNXH là tiến lên một chế độ tập thể… Tập thể tất cả(!) Thủ tiêu vai trò cá nhân, vai trò gia đình… nên đã kìm hãm sự phát triển của xã hội. Rõ ràng, bất cứ thời đại nào, lợi ích của dân tộc, của đất nước cũng phải được đưa lên hàng đầu; vì đất nước có độc lập, dân ta mới tự do, nhà ta mới hạnh phúc là lẽ đương nhiên; tuy nhiên không vì thế  mà chúng ta phủ nhận vai trò của gia đình.

Nếu không có những gia đình gương mẫu chấp hành đường lối chủ trương pháp luật của Đảng và Nhà nước, sẽ không có những bậc cha mẹ biết giáo dục con cái nên người có ích cho xã hội; và không có những con người tốt thì xã hội sẽ không tiến bộ được. Cho nên việc quan tâm xây dựng ngày càng nhiều gia đình tốt là trách nhiệm của tất cả chúng ta.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể nhân dân thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Khi Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới, đã đổi mới tư duy kinh tế về phát huy vai trò kinh tế hộ với Nghị quyết 10 năm 1988, xem trọng vai trò gia đình, đã khai thác được tiềm năng, tạo nên sức bật mới, góp phần làm nên những thành công to lớn của kinh tế nước nhà. Hộ gia đình đã tự chủ trong sản xuất và kinh doanh, được xác định là một thành phần kinh tế… Gia đình đã thực sự trở thành “hạt nhân”, là tế bào của xã hội.

Thực tế hiện nay, nhiều quan niệm lạc hậu trong các mối quan hệ gia đình đã được xoá bỏ, tuy nhiên mặt trái của nền kinh tế thị trường đã có những tác động tiêu cực đến đạo đức xã hội, tệ nạn tấn công vào gia đình ảnh hưởng lớn đến lối sống, đến việc hình thành nhân cách của con người; các mối quan hệ truyền thống tốt đẹp như quan hệ bà con họ hàng, ông bà, cha mẹ, con cháu… bị phai mờ; giá trị tinh thần bị xem nhẹ, không ít người quá đề cao những lợi ích vật chất, bất chấp tất cả đã dẫn đến những hậu quả tai hại. Nhiều gia đình giàu sang, có chức, có quyền… mải lo làm ăn, công tác, không có thời gian quan tâm chuyện gia đình, thiếu giáo dục con cái để chúng hư hỏng, sa vào những tệ nạn xã hội…

Thế nào là một gia đình tốt? Trong tác phẩm “Đời sống mới” viết xong ngày 20/3/1947, với bút danh Tân Sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “…Về tinh thần, phải trên thuận, dưới hòa, không thiên tư, thiên ái. Bỏ thói mẹ chồng hành hạ nàng dâu, dì ghẻ ghét bỏ con chồng”.

Trong thực tế, ngày nay có nhiều chuyện đau lòng đã xảy ra: cha mẹ, con cái, anh em vì miếng đất, mảnh vườn mà kiện cáo nhau ra tòa; gia đình xung đột, ngược đãi đến mức có những cụ già không thể sống với con cháu mà phải ra đường vất vả mưu sinh bằng nghề bán vé số, bán hàng rong, thậm chí phải đi ăn xin trong khi con cháu sống sung sướng trong nhà cao của rộng…; Nhiều đứa trẻ đáng ra phải được ăn học đàng hoàng, vui chơi giải trí, thụ hưởng hạnh phúc tuổi thơ thì phải sớm lao động vất vả kiếm tiền cho cha mẹ…

Trong dịp gặp gỡ với cán bộ tỉnh Hà Tây vào ngày 10/2/1967, Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức mà còn vi phạm pháp luật: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”. Nhớ lời Bác dạy, phần lớn gia đình Việt Nam ngày nay thực hiện lối sống bình đẳng trong quan hệ vợ chồng, cả xã hội lên án những hành vi bạo lực và coi đó là chuyện phạm pháp cần phải được xử lý thích đáng.

Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Bác Hồ dạy: “Về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm, phải ăn đều, tiêu sòng. Có kế hoạch, có ngăn nắp. Cưới hỏi, giỗ tết nên giản đơn, tiết kiệm”. Thế nhưng, ngày nay vẫn có cán bộ, đảng viên chức trọng quyền cao không nhớ lời Bác dạy, tổ chức đám cưới, đám giỗ cho người thân linh đình, thu hút mấy ngàn thực khách, thậm chí xem đây là cơ hội thu lợi nhuận cho gia đình, tạo dư luận bất bình trong quần chúng nhân dân nhưng cấp ủy Đảng nơi quản lý những con người đó nào có dám góp ý hay xử lý kỷ luật công khai để làm gương.

Cũng trong bài viết này, Bác Hồ còn nêu: “Trong nhà, ngoài vườn luôn luôn sạch sẽ gọn gàng. Đối với xóm giềng, phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ. Đối với việc làng, việc nước, phải hăng hái làm gương. Người trong nhà ai cũng biết chữ…”. Và đây cũng là những tiêu chí mà Đảng và Nhà nước ta tổ chức thực hiện trong cuộc vận động toàn dân xây dựng Gia đình văn hóa, thôn ấp Văn hóa…

Thực hiện lời Bác dạy, báo cáo chính trị của BCH Trung ương khóa IX tại Đại hội X Đảng có nêu: “Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của Gia đình Việt Nam, thích ứng với những đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Những năm gần đây, cả nước đã tiến hành thực hiện Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở đã đạt những thành quả đáng kể.  Đó là việc xây dựng gia đình văn hóa với các tiêu chí: Gia đình ấm no, hoà thuận, tiến bộ, khoẻ mạnh và hạnh phúc, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân… Những gia đình biết làm giàu chính đáng, vợ chồng bình đẳng cùng tôn trọng lẫn nhau, cùng nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, đối xử công bằng với các con; ông bà cha mẹ sống mẫu mực; con cháu hiếu thảo, chăm ngoan, lễ phép biết kính trọng, yêu thương và chăm sóc ông bà, cha mẹ… Gia đình không vi phạm pháp luật, không có người mắc vào các tệ nạn xã hội, tất cả đều được đi học… Tất cả cũng là thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình…/.

Mai Bửu Minh (VOVNews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất