Thứ Hai, 23/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Chủ Nhật, 4/7/2010 18:3'(GMT+7)

Tương lai nào cho trẻ em mắc HIV/AIDS?

Chị Vũ Thị Ngọ đang tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho phụ nữ dân tộc.

Chị Vũ Thị Ngọ đang tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS cho phụ nữ dân tộc.

Đứa cháu nội đã lên 6 tuổi, nhưng ông Phạm Duy Hiển, ở tiểu khu 2, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vẫn không đủ can đảm đưa cháu đi xét nghiệm. Với ông bà, đứa cháu này là niềm hy vọng cuối cùng để nối dõi dòng họ Phạm của gia đình.

Ông Hiển kể với chúng tôi trong nỗi niềm đau khổ tột cùng. Đều là cán bộ nhà nước, sống đức độ, ông bà được mọi người quý mến. Sinh được 3 người con trai, mặc dù đồng lương eo hẹp nhưng việc học hành của con cái đều được ông bà lo chu đáo. Thế nhưng khi trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định cả 3 lại không cưỡng nổi cám dỗ của khói thuốc phiện. Ông bà khuyên răn đủ đường, nhưng theo bạn bè rủ rê, các con của ông Hiển ngày càng lún sâu vào con đường nghiện ngập.

Do tiêm chích bừa bãi, chỉ trong 5 năm, cả 3 đều mắc HIV/AIDS và lần lượt ra đi. Nỗi đau khôn nguôi kèm với niềm hy vọng mong manh. Đứa cháu nội duy nhất, con của người con trai út giờ đây là lẽ sống để ông bà bấu víu. Ông bà nén đau khổ trong lòng để nuôi dậy cháu. Điều ông bà luôn phấp phỏng lo sợ là đứa cháu nội này có bị nhiễm HIV hay không khi cả bố và mẹ cháu đều đã chết vì căn bệnh thế kỷ?

Mặc dù sống trong sự nghi ngờ của hàng xóm, trường học và sự lo âu của chính mình, nhưng ông bà không đủ can đảm cho cháu đi xét nghiệm. Nếu điều xấu nhất xảy ra, cháu nội của ông bà sẽ bị kỳ thị, không được đi học và hàng xóm xa lánh. Bản thân ông bà cũng không sống nổi. Thực tế cách nhà ông không xa đã có vài đứa trẻ nhiễm HIV bị tất cả mọi người xa lánh.

Ông Phạm Duy Hiển tâm sự: “Nhà chỉ có một đứa cháu nội nên tôi vẫn hy vọng vào tương lai của cháu. Chúng tôi cũng mong muốn cháu học hành, tạo điều kiện để cháu vươn lên”.

Lấy chồng được 3 năm, niềm vui khi sinh được đứa con trai đầu lòng cũng là lúc chị Nguyễn Thị Hoa, ở tiểu khu 14, thị trấn Hát Lót biết mình bị nhiễm HIV từ chồng. Tủi cho phận mình một thì chị xót xa thương con mười phần, vì vừa chào đời cháu đã phải chống chọi với căn bệnh này.

Từ khi sinh con, ngoài bà ngoại, chị hầu như không nhận được sự giúp đỡ, quan tâm chăm sóc của những người thân khác hai bên gia đình, lúc ốm lúc đau chị phải gượng dậy cho con bú. Chị Hoa ao ước, giá biết chồng nghiện và mắc HIV sớm hơn thì đã có thể phòng tránh lây nhiễm cho mình và cho con.

Chị Hoa tâm sự: “Chồng tôi đã mất, chắc tôi cũng không sống được bao lâu nữa. Tôi lo nhất bây giờ là mình chết trước rồi thì con mình ai nuôi, ai giúp đỡ cháu, ai cho cháu uống thuốc hàng ngày, cuộc sống của cháu rồi sẽ ra sao . Cuộc đời cháu rồi sẽ thế nào?...”

Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La) có hơn 16.000 dân, thì có gần 2.000 người nghiện ma tuý, trong đó có gần 400 người nhiễm HIV/AIDS. Hơn 70% trường hợp nhiễm HIV ở lứa tuổi từ 18 - 35. Từ những năm 2005 trở về trước, do nhận thức chưa đầy đủ về căn bệnh này, nên tình trạng lây nhiễm HIV còn cao, nhất là lây nhiễm từ chồng sang vợ, từ mẹ sang con.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở thị trấn Hát Lót đã có ít nhất 20 trẻ em chết vì AIDS; gần chục cháu đang mang trong mình virus HIV. Đấy là chưa kể đến những trường hợp cả vợ chồng đều nhiễm HIV/AIDS nhưng không dám cho con đi xét nghiệm vì sợ chúng bị kì thị.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là đời sống của những gia đình có người nhiễm HIV đều rất khó khăn, nên các biện pháp phòng chống lây nhiễm từ mẹ sang con không được áp dụng triệt để. Các bà mẹ đều phải cho con bú vì không có tiền cho con ăn sữa ngoài.

Chị Vũ Thị Ngọ, chủ nhiệm Câu lạc bộ Giáo dục đồng đẳng thị trấn Hát Lót cho biết: Có những cháu không may bị nhiễm HIV nhưng bây giờ vẫn chưa được đi học, mặc dù chúng tôi đã can thiệp rất nhiều lần. Như vậy ở đây vẫn còn kì thị, vẫn còn xa lánh các cháu. Mà bản thân các cháu nhiễm HIV vẫn chưa thực sự được quan tâm một cách chu đáo. Các cấp các ngành nói là vào cuộc nhưng để lăn sả vào thì cũng chưa vì nếu lăn sả vào các cháu phải được như các cháu khác là phải được đến trường”

Không được chăm sóc sức khoẻ, học tập, vui chơi giải trí và hoạt động tập thể với các bạn bè cùng lứa tuổi là thực trạng chung của những đứa trẻ nhiễm HIV/AIDS ở Mai Sơn tỉnh Sơn La hiện nay. Các cháu đã phải hứng chịu hậu quả từ những bậc sinh thành thiếu trách nhiệm, và giờ đây đang phải chịu sự kỳ thị của cộng đồng. Tương lai nào cho những đứa trẻ bất hạnh ấy?./.

(Theo: Thanh Thuỷ-Tuyết Lan/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất