Thứ Hai, 23/9/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Hai, 14/6/2010 7:30'(GMT+7)

Huyện miền núi KonPlong với công tác chăm sóc và phát triển trẻ thơ

Lớp tập huấn công tác chăm sóc và giáo dục trẻ thơ do Dự án Plan phối hợp với Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện tổ chức.

Lớp tập huấn công tác chăm sóc và giáo dục trẻ thơ do Dự án Plan phối hợp với Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện tổ chức.

Trẻ em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện chăm sóc sức khoẻ, điểm vui chơi, điều kiện học tập và phát triển toàn diện. Huyện KonPlông (tỉnh Kon Tum) là một huyện miền núi với 91,23% dân số là người dân tộc thiểu số, 100% số xã đang hưởng các chế độ Chương trình 135 của Chính phủ. Một số tập tục lạc hậu là nguyên nhân khiến phần lớn trẻ em sinh ra ở đây còn chịu nhiều thiệt thòi, chưa được cha mẹ quan tâm đúng mức đến sự phát triển về dinh dưỡng, bảo vệ sức khoẻ, giáo dục...

Cùng với sự quan tâm đầu tư của cấp uỷ và chính quyền các cấp, từ năm 2008 đến nay, Dự án Plan đã phối hợp với Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện và UBND các xã hỗ trợ, giúp đỡ chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ thơ. Dự án đã tập trung vào một số lĩnh vực như: chương trình phục hồi và phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chăm sóc và giáo dục trẻ thơ toàn diện, vệ sinh học đường, cải thiện điều kiện vui chơi và bảo vệ trẻ em tại cộng đồng...

Mục tiêu cụ thể mà Dự án Plan hướng tới là tạo cơ hội cho trẻ em từ 0 đến 6 tuổi ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển tối đa tiềm năng của trẻ và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ…

Mới đây, một chương trình Hội thảo với chủ đề “Truyền thông về chương trình chăm sóc và phát triển trẻ thơ” đã tập trung vào các vấn đề: cải thiện số lượng và chất lượng dịch vụ chăm sóc - phát triển trẻ thơ (CS-PTTT); nâng cao tinh thần trách nhiệm và thu hút sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành trong việc CS-PTTT; hình thành cho cha mẹ và cộng đồng có thói quen và hành vi tốt nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc-giáo dục trẻ; nâng cao kỹ năng thực hành dinh dưỡng, giáo dục vệ sinh và bảo vệ trẻ em trong trường mẫu giáo, nhóm trẻ, gia đình và cộng đồng. Tại Hội thảo, Lãnh đạo của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, giáo viên mầm non của các trường và truyền thông viên thảo luận các hình thức truyền thông và cách tổ chức thực hiện một số hoạt động truyền thông tại cộng đồng, thảo luận những khó khăn cản trở sẽ gặp phải trong quá trình triển khai các hoạt động truyền thông tại địa phương. Từ đó, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, để trình bày trước hội thảo và đi đến thông nhất triển khai thực hiện.

Chương trình tập huấn chăm sóc và giáo dục trẻ thơ cho giáo viên mẫu giáo, truyền thông viên và các trợ giảng hỗ trợ giáo viên mẫu giáo tập trung vào các vấn đề như: Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ toàn diện về chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng, vệ sinh và giáo dục tâm lý xã hội cho trẻ từ lúc còn trong bụng mẹ đến 8 năm đầu tiên để đảm bảo sự sống, tăng trưởng và phát triển đời sống tinh thần của trẻ; Quyền trẻ em và bình đẳng giới; Giáo dục khả năng giao tiếp và ứng xử xã hội từ những người xung quanh, đó là giáo dục trẻ giao tiếp ứng xử với người lớn tuổi, với bạn bè, với em bé hơn; Chơi và làm đồ chơi cho trẻ. ; Phối hợp giữa gia đình với nhà trường và cộng đồng để giáo dục trẻ, qua đó thể hiện sự tích cực của mọi thành viên trong xã hội tham gia vào thực hiện quyền trẻ em; Chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giúp trẻ có quyền được sống còn, quyền được phát triển; góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ, giúp trẻ khoẻ mạnh, tăng trưởng và phát triển tốt....

Sân chơi của trường mầm non Măng Đen - Trường mầm non duy nhất của huyện được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia đầu năm 2010


Nhìn lại, trong thời gian qua công tác chăm sóc và giáo dục trẻ thơ ở huyện KonPlông đã đạt được những kết quả đáng kể: từ chỗ trẻ em sinh ra không nhớ được ngày tháng năm sinh, qua công tác tuyên truyền, vận động của các ngành, các cấp, đến nay trẻ em sinh ra đã được bố mẹ khai sinh; trẻ được tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động vui chơi giải trí khác phù hợp với lứa tuổi; cơ bản đã chấm dứt được tình trạng tảo hôn; trẻ em trong độ tuổi được huy động vào trường năm học 2009-2010 đạt 95%; 100% thôn làng trên địa bàn huyện đã có lớp mẫu giáo. Tình trạng trẻ em bị ngược đãi, thất học, không được chăm sóc về y tế, phải lao động nặng đã giảm hẳn; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm dần qua các năm, đến cuối năm 2009 còn 39%; 98% trẻ sơ sinh (từ 0-6 tháng tuổi) được tiêm chủng đầy đủ 7 loại vắc xin phòng các bệnh thường gặp, trẻ em từ 0 đến 6 tuổi được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, được khám chữa bệnh không tốn tiền… Hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động như tổ chức Ngày quốc tế thiếu nhi (1/6), trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đến thăm và tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… nhằm động viên kịp thời cho các cháu./.

Mỹ Thu
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ KonPlông

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất