Thứ Hai, 25/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Năm, 17/6/2010 7:29'(GMT+7)

Để trẻ em nông thôn có một kỳ nghỉ hè bổ ích

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trước kia, phong trào Đoàn ở nhiều vùng nông thôn miền Bắc rất sôi nổi với nhiều hoạt động cụ thể, bổ ích dành cho các em học sinh cấp 1, cấp 2 trong thời gian nghỉ hè. Ở những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, khi cầm trên tay tấm “Giấy giới thiệu sinh hoạt hè” về gửi lại cho ban chấp hành Đoàn của thôn, xóm là học sinh thời đó lại được tham gia vào những hoạt động công ích rất có ý nghĩa tại địa phương mình. Các anh chị đoàn viên sẽ phân công và bố trí các bạn nhỏ thành nhiều tổ theo địa bàn dân cư. Lịch hoạt động hè được xây dựng cụ thể theo từng ngày, từng tuần. Buổi sáng, đúng 5 giờ, theo tiếng còi của các anh chị phụ trách, tất cả chạy ra sân đình tập thể dục theo nhạc hiệu của Đài TNVN. Ban ngày có thể giúp đỡ gia đình, tối đến lại tụ họp ở sân kho hợp tác xã để học hát, tập múa. Mỗi chủ nhật cuối tuần đều tổ chức vệ sinh đường làng ngõ xóm. Những hoạt động rất thực chất, có chấm điểm, bình bầu xếp loại nghiêm túc...

Hiện nay, trẻ em ở thành thị có nhà văn hoá để có thể tham gia các câu lạc bộ tự chọn như: hát, đàn, bơi lội, võ thuật, các môn TDTT hoặc năng khiếu nghệ thuật. Ngược lại, ở nhiều vùng nông thông, để tìm được một không gian và sân chơi bổ ích và đúng nghĩa cho trẻ em rất khó. Những sân kho, bãi cỏ trước kia hầu hết đã được “tư nhân hoá” hoăc sử dụng vào mục đích kinh tế. Tuy mỗi thôn, xóm đều có nhà văn hoá nhưng thường chỉ được phục vụ cho các buổi hội họp của người lớn, còn hầu hết thời gian là đóng cửa bỏ đấy. Điểm bưu điện văn hoá cũng không phát huy tác dụng với trẻ em, ngoài một vài đầu sách trưng bày cho có, tủ sách tại đây thường là không có sách, báo dành cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, nhiều nơi Điểm Bưu điện văn hoá chỉ là điểm thu tiền điện thoại định kỳ...

Phần lớn đoàn thanh niên thôn, xóm hiện nay không tổ chức được các hoạt động tập thể có ý nghĩa, nhằm mục đích thu hút và gắn kết các em trong thời gian nghỉ hè tại địa phương. Hàng năm, đoàn Thanh niên cấp huyện và tương đương vẫn thường có kế hoạch triển khai tập huấn phụ trách sinh hoạt hè cho các anh chị Đoàn viên phụ trách Đội, nhưng việc triển khai các hoạt động này đến cơ sở thôn, xóm một cách thực chất dường như chưa được quan tâm sát sao. Cũng dễ hiểu bởi phần lớn không có điều kiện để tổ chức sinh hoạt hè, cùng với đó là sự thiếu nhiệt tình của các anh chị Đoàn viên thanh niên (do không có chế độ phụ cấp dành cho phụ trách Đội các thôn xóm; các đoàn viên thanh niên này lại là lực lượng lao động chủ yếu của các gia đình nông thôn). Kết thúc kỳ nghỉ hè thường có tổng kết sinh hoạt hè cấp huyện và thi giữa các đơn vị xã với nhau, nhiều Đoàn cơ sở cấp xã tham gia bằng cách “cử tuyển” một số em trong đội văn nghệ của các trường đi “thi đấu”. Và tất nhiên là những tiết mục tham gia liên hoan đó không phải do các anh chị phụ trách hướng dẫn các em tập luyện trong kỳ nghỉ hè, mà là những tiết mục “có sẵn” do các thầy cô tập luyện cho các em từ trong năm học.

Không gian và sân chơi cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng ở nhiều nơi rất thiếu, nhưng lại rất sẵn và thừa các tụ điểm trò chơi điện tử, bi-a… Đây là nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng nhiều học sinh mải mê sát phạt nhau, lừa dối phụ huynh lấy tiền đi chơi hoặc gây rối loạn trật tự xã hội...

Có những bậc cha mẹ chọn cách quản lý con “an toàn” hơn là “bắt” các em ôn bài quá nhiều, hoặc là mời gia sư về kèm cặp ngày đêm, hoặc là tìm thầy cô để cho con học trước kiến thức năm tới… vậy là vô tính biến trẻ thành một cỗ máy chỉ biết học và học, không có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi…

Vài năm trở lại đây, hoạt động Sinh viên tình nguyện của hệ thống trường ĐH, CĐ trên cả nước đã phát huy tác dụng rất hữu ích trong các phong trào tình nguyện về với các vùng nông thôn. Các địa phương, ban, ngành có thể phối, kết hợp với lực lượng sinh viên này để giúp các em học sinh nhỏ hướng vào những hoạt động vui chơi lành mạnh (múa hát tập thể, các trò chơi dân gian…) hoặc tham gia vào các hoạt động cộng đồng bổ ích, phù hợp với lứa tuổi….

Việc phát huy tác dụng của Điểm bưu điện văn hoá phục vụ nhu cầu đọc, giải trí của trẻ em nông thôn trong dịp hè là điều rất cần thiết. Chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng nên kết hợp với nhân dân và ngành Bưu điện xây dựng, phát triển tủ sách dùng chung, hoạt động theo hình thức thư viện để các em có thể vào đó đọc sách, báo, tìm những kiến thức mới phục vụ nhu cầu khám phá của trẻ…

Các nhà lãnh đạo ở địa phương cũng cần bớt ra một quỹ đất vừa đủ để tạo sân chơi cho các em thiếu nhi. Lực lượng đoàn thể cần dành nhiều thời gian hơn cho việc tìm cách quản lý và hướng các em trong kỳ nghỉ hè vào những công việc lao động nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi (như vệ sinh đường làng ngõ xóm, tham gia kế hoạch nhỏ theo từng nhóm…) tổ chức, hướng dẫn cắm trại, dạy bơi… để các em vui chơi thoải mái trong kỳ nghỉ hè.

“Học mà chơi, chơi mà học”. Những hoạt động hè thiết thực, bổ ích và lý thú cho trẻ em chỉ có thể phát triển đúng mức khi mỗi bậc phụ huynh, mỗi ban ngành chức năng cũng như toàn xã hội quan tâm và nhận thức nghiêm túc./.

Huy Lân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất