Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 18/5/2009 22:26'(GMT+7)

Những cống hiến lý luận mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay





BÀI LIÊN QUAN:

>>>Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là kim chỉ nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta

>>>Chống chủ nghĩa cá nhân, chống nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền

>>>Hồ Chí Minh với vấn đề đoàn kết đồng bào các dân tộc thiểu số
 
>>>Hiểu cho đúng khái niệm “tư tưởng Hồ Chí Minh” để chống lại các quan điểm lệch lạc, sai trái

>>>Mấy cảm nhận về “Văn hóa Hồ Chí Minh”

>>>Hồ Chí Minh biểu tượng của khối đại đoàn kết, niềm tin, niềm kiêu hãnh cho dân tộc Việt Nam

>>>Báo chí thế giới viết về Bác Hồ
Xuất thân từ một nhà Nho yêu nước, khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh chỉ mới được trang bị cho mình một nhiệt huyết cách mạng của chủ nghĩa yêu nước truyền thống với cái tâm nhân ái, thông cảm sâu sắc với nỗi đau của đồng bào mình trong cảnh mất nước, không có tự do, phải chịu áp bức, bóc lột cùng cực. Khi tiếp cận với ánh sáng văn minh phương Tây, Hồ Chí Minh muốn tìm đến chân lý của cuộc cách mạng tư sản dưới khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái và chỉ mong tìm được những yêu cầu tối thiểu cho dân tộc và đồng bào mình.

Cử chỉ đầu tiên Hồ Chí Minh tìm đến với khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái là bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến Hội nghị Hoà bình Véc-xây. Nhưng, thật nhanh chóng, Người nhận ra rằng bản Yêu sách đã không mang lại kết quả, Hội nghị Hoà bình Véc-xây thật ra chỉ là một trò lừa bịp lớn. Cho nên, ngay sau khi gửi bản Yêu sách không đạt kết quả, Hồ Chí Minh nói: “Sau một thời gian nghiên cứu và theo dõi, chúng tôi nhận thấy rằng “chủ nghĩa Uynxơn” chỉ là một trò bịp lớn. Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”(1). Sau đó, Hồ Chí Minh quyết định tham gia phong trào cộng sản, tham gia Đảng Xã hội Pháp và nhiều tổ chức khác của công nhân và giới trí thức Pháp.

Phải nói rằng nhận thức ban đầu của Hồ Chí Minh với học thuyết Mác và chủ nghĩa cộng sản còn giới hạn, ở chỗ Người xem cuộc giải phóng dân tộc phụ thuộc vào việc giải phóng giai cấp vô sản. Nhưng, khi tiếp cận với bản Sơ thảo luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Người tìm thấy khả năng giải phóng dân tộc không nhất thiết phải chờ giải phóng giai cấp vô sản của học thuyết Mác. Có thể đây là bước đột phá đầu tiên trong nhận thức về con đường cứu nước. Từ đó Người quyết định tham gia Quốc tế ba của Lênin với mục tiêu đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa. Đồng thời, Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam trong phong trào Quốc tế Cộng sản. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã để lại dấu ấn của mình với thế giới và thời đại, không chỉ bởi những hành động dũng cảm mà còn là những cống hiến về lý luận cách mạng, hệ thống tư tưởng mang đậm tư duy độc lập, sáng tạo và rất phù hợp với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và thế giới trong đấu tranh vì hoà bình và tiến bộ của nhân loại.

Ngay từ đầu khi mới bước vào sự nghiệp hoạt động cách mạng tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh không chỉ tiếp thu lý tưởng giải phóng loài người mà còn vận dụng sáng tạo phương pháp cách mạng của Mác khi tổ chức Hội liên hiệp các thuộc địa và ra báo Người cùng khổ. Cống hiến lý luận đầu tiên của Hồ Chí Minh thể hiện trong khẩu hiệu tập hợp sức mạnh đấu tranh khi Người tổ chức tờ báo Người cùng khổ và sau đó là cả quá trình vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của Việt Nam.

1. Điều nổi bật cần khẳng định trước tiên ở đây không chỉ ở chỗ Hồ Chí Minh trở thành học trò của Mác, Lênin mà quan trọng là ở chỗ Người vận dụng sáng tạo đồng thời phát triển học thuyết Mác, Lênin, ngay từ khi tìm cho mình một chỗ đứng trên mặt trận đấu tranh với chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc tại chính quốc với việc xuất bản tờ báo Người cùng khổ, và từ tờ báo đó Người đề ra khẩu hiệu mới tiếp theo khẩu hiệu của Mác là Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại! và khẩu hiệu của Lênin là Vô sản tất cả các nước và các dân tộc thuộc địa , đoàn kết lại!

Sau khi khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hoà bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hoà thế giới chân chính, xoá bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những bức vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”(2), Hồ Chí Minh đưa ra khẩu hiệu: Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!

Khẩu hiệu này ra đời trong truyền đơn cổ động mua báo Người cùng khổ, năm 1923. Đây là một thời điểm cực kỳ quan trọng, chẳng những đánh dấu một bước nhận thức mới về học thuyết Mác mà còn khởi đầu cho một tư duy độc lập của Hồ Chí Minh khi tiếp cận với một học thuyết vĩ đại mà nhờ nó Người tìm thấy con đường cứu nước. Trước đó, năm 1922, Hồ Chí Minh vẫn còn nghĩ: “chỉ có giải phóng giai cấp vô sản mới giải phóng được dân tộc” và còn nhắc đến khẩu hiệu của Mác. Nhưng sau đó, Người vừa củng cố thêm niềm tin vào lý tưởng giải phóng loài người của học thuyết Mác, vừa tìm cách bổ sung thêm những tư liệu và cả nhận thức mới mà ở thời mình Mác không thể có được.

Rõ ràng, đây không chỉ đơn thuần là một khẩu hiệu mà là một ý tưởng lớn, một sự vận dụng sáng tạo đầu tiên cả học thuyết Mác và cả chủ nghĩa Lênin. Người tìm thấy đối tượng giải phóng loài người cũng như nguồn sức mạnh đấu tranh giải phóng con người không chỉ có giai cấp vô sản mà là những người lao động tất cả các nước, bao gồm cả công nhân, nông dân, trí thức và những thành phần lao động khác. Khi nói vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại, có thể nhiều người không thấy bao gồm các thành phần lao động khác; Còn với khẩu hiệu lao động tất cả các nước, đoàn kết lại, thì đương nhiên bao gồm cả giai cấp vô sản. Rõ ràng khẩu hiệu do Hồ Chí Minh đề ra rộng lớn hơn bao gồm hết thảy những người lao động trên hành tinh không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, màu da, nam nữ, chính kiến. Nhưng ý nghĩa của nó không chỉ có thế.

Với Mác, có thể giai cấp vô sản là tầng lớp cùng khổ nhất của nhân loại cần được giải phóng, nhưng với Hồ Chí Minh, giai cấp vô sản chỉ là tầng lớp cùng khổ ở phương Tây còn ở phương Đông cũng như thế giới ngoài các nước tư bản phát triển, tầng lớp cùng khổ nhất phải nói đến những người lao động có mặt ở khắp nơi và họ cũng đang rất cần được giải phóng. Với Lênin, tuy đã mở rộng đối tượng đấu tranh không chỉ giai cấp vô sản mà cả nhân dân các nước thuộc địa, nhưng dù sao vẫn chưa bao quát hết thảy những người lao động trên thế giới gồm hàng tỷ người. Hơn nữa, khi nói những người lao động không chỉ bao quát hết thảy các giai cấp cách mạng mà còn đề cao vai trò người lao động, coi người lao động là chủ lực của thế giới.

Ngay từ lúc tiếp cận với học thuyết Mác, Hồ Chí Minh vừa thấy mặt cách mạng vừa thấy chỗ hạn chế của học thuyết này, ở chỗ nó chỉ được xây dựng trên một triết lý nhất định của lịch sử châu Âu. Mà châu Âu thì chưa phải là toàn thể nhân loại. Cho nên, Người đã bổ sung cho học thuyết Mác bằng dân tộc học phương Đông, như Người đã nói sau này khi viết Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ tại Mátxcơva, năm 1924. Đây là điều mới kỳ diệu về lý luận và thực tiễn do Hồ Chí Minh phát hiện, góp phần phát triển học thuyết Mác trong thời đại của mình, đặc biệt trong thời đại văn minh trí tuệ ngày nay.

Điều đó chứng tỏ hai nội dung cơ bản:

Một là, đối tượng loài người cần giải phóng theo lý tưởng cộng sản của Mác không chỉ có giai cấp vô sản mà là toàn thể những người lao động trên thế giới. Hồ Chí Minh nhận thấy thế giới là thống nhất, lý tưởng giải phóng loài người cũng phải thống nhất. Nếu lý tưởng của học thuyết Mác là giải phóng loài người thì không lẽ gì không đặt mục tiêu giải phóng mọi người bị áp bức, bóc lột và cùng khổ trên khắp hành tinh. Chính Mác, Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã nói: “Lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp hiện nay đã phát triển tới giai đoạn trong đó giai cấp bị bóc lột và bị áp bức, tức là giai cấp vô sản, không còn có thể tự giải phóng khỏi ách của giai cấp bóc lột và áp bức mình, tức giai cấp tư sản, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn xã hội khỏi ách bóc lột áp bức”(3). Điều đó chứng tỏ Mác, Ăngghen đã thấy rõ đối tượng cần giải phóng không chỉ giai cấp vô sản mà là toàn xã hội, những người lao động tất cả các nước. Song, có thể vì chưa tiếp cận với thế giới phương Đông chủ yếu gồm những nước chưa phát triển, đại bộ phận là nông dân và trí thức yêu nước, cho nên khi đề ra khẩu hiệu tập hợp lực lượng các nhà kinh điển còn nghĩ hạn hẹp trong phạm vi giai cấp vô sản.

Hai là, điều quan trọng là việc đấu tranh để giải phóng nhân loại không chỉ có giai cấp vô sản mà là toàn thể nhân loại với hàng tỷ người lao động trên khắp thế giới. Khẩu hiệu do Hồ Chí Minh đề ra chính là nhằm mục tiêu đó. Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cộng sản không còn dành riêng cho người da trắng thì đương nhiên cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc cũng không chỉ là nhiệm vụ riêng của giai cấp công nhân mà là của tất cả những người lao động, mặc dù nhiều người lao động không thấy kẻ thù trực tiếp cũng như nguyên nhân nghèo khổ của mình là do áp bức, bóc lột bằng nhiều hình thức, nhiều thủ đoạn khác nhau của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chứ không chỉ riêng bọn chủ tư sản.

Giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn của khẩu hiệu do Hồ Chí Minh đề ra không chỉ là kế thừa các khẩu hiệu của Mác và của Lênin mà còn tạo nên mặt trận đoàn kết đấu tranh rộng lớn vì hoà bình và tiến bộ của toàn thể những người lao động, không kể giàu nghèo, giai cấp, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, màu da, nam nữ, thậm chí cả chính kiến.

Ngày nay, trong thời đại toàn cầu hoá, thế giới trở thành ngôi nhà chung của mọi người, quan điểm Hồ Chí Minh về nhân dân lao động càng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Điều đó không hề ngăn cản hoặc hạn chế đấu tranh giai cấp giữa vô sản và tư sản mà chỉ mở rộng cuộc đấu tranh trên cơ sở đoàn kết mọi người lao động, xem lao động là tiêu chí quan trọng nhất để con người xích lại gần nhau, chỉ có lao động chân chính con người mới ngày càng xích lại gần nhau, yêu thương nhau, cùng nhau phấn đấu cho hoà bình và tiến bộ nhân loại. Đó là mục tiêu cao cả của văn minh nhân loại, là hoài bão ngàn đời nay. Dấu ấn Hồ Chí Minh với thời đại, chính là ở chỗ Người xem lao động là cao quý, xem người lao động là đáng trân trọng, đồng thời chính họ là sức mạnh, là động lực cách mạng, chỉ có họ mới giải phóng được loài người đem lại hoà bình, tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân loại.

Trong thời đại ngày nay, giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn của quan điểm xem lao động và người lao động là tiêu chí hàng đầu trong đấu tranh, hợp tác và phát triển vì hoà bình và tiến bộ của nhân loại càng mang ý nghĩa thời sự rõ ràng. Đó chính là cơ sở lý luận và thực tiễn để đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo và cả chính kiến vào mặt trận chung chống áp bức, bóc lột, chống nghèo nàn, lạc hậu và chống cả những kẻ muốn đẩy xã hội vào cuộc chiến mới với âm mưu bá chủ thế giới, nhằm tạo lập một thế giới hoà bình, hợp tác, hữu nghị và tiến bộ theo hướng thiết lập một nền văn minh mới, văn minh xã hội chủ nghĩa.

2. Chân lý lý luận quan trọng thứ hai mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay phải nói đến tư tưởng gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Đó là tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam mà xuất phát điểm của nó, chính là nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội của Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, chỉ có độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, các dân tộc mới thực hiện được nguyện vọng giải phóng dân tộc khỏi áp bức, bóc lột và khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Đây là cả hệ thống những quan điểm có liên quan đến lý luận về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa yêu nước, đến chủ nghĩa xã hội và việc xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với các dân tộc còn lạc hậu; đến việc vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây cũng là một phát hiện mới chỉ thấy ở Hồ Chí Minh và ở Việt Nam khi Người tìm thấy con đường cứu nước đồng thời giác ngộ chủ nghĩa cộng sản, thấy rằng chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại đau khổ.

Giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn của vấn đề gắn đấu tranh giải phóng dân tộc với chủ nghĩa xã hội là ở chỗ, với các dân tộc còn lạc hậu, kém phát triển không nhất thiết phải chờ đi lên chủ nghĩa tư bản rồi mới nghĩ đến xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà phải nắm lấy thời cơ, tạo thời cơ cho chủ nghĩa xã hội hình thành và phát triển cả khi đất nước chưa qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản. Với lý luận gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, có thể sẽ không để lại dấu ấn gì với các nước tư bản phát triển, nhưng với các dân tộc kém phát triển như Việt Nam thì đó là điều gợi ý rất quan trọng, tạo điều kiện cho nhân dân lao động ở các dân tộc đó một hướng mới trong việc đi tìm mô hình phát triển phù hợp với đất nước họ. Ngày nay, điều đó đang trở thành hiện thực ở nhiều nước Mỹ La tinh mà tiêu biểu là Vênêzuêla với chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội nhân đạo thế kỷ 21.

3. Một vấn đề tưởng là cũ nhưng với Hồ Chí Minh trong thời đại của mình lại được vận dụng rất sáng tạo, tạo nên dấu ấn của Người trong thời đại ngày nay, đó là việc đề cao chủ nghĩa dân tộc chân chính mang nội hàm mới, dân tộc xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là vấn đề thời sự trong thời đại ngày nay, thời đại các dân tộc đều tìm đến ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc, thực chất cũng là chủ nghĩa yêu nước chân chính để tập hợp lực lượng để quy tụ những giá trị văn hoá truyền thống cho đấu tranh vì hoà bình và tiến bộ của nhân loại. Hồ Chí Minh rất sáng suốt khi đề cao chủ nghĩa dân tộc và xem chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn là Người đã chuyển hoá nội dung chủ nghĩa dân tộc cũ, dân tộc tư sản thành chủ nghĩa dân tộc mang nội hàm mới, dân tộc xã hội chủ nghĩa.

Trong thời đại ngày nay, các dân tộc đều ý thức được vai trò và tầm quan trọng của chủ nghĩa dân tộc trong xây dựng đất nước, đặc biệt trong việc xây dựng và phát triển văn hoá, ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc văn hoá đang len lỏi vào dân tộc mình. Chính vì vậy, dấu ấn Hồ Chí Minh càng có vị trí trong thời đại đối với các dân tộc kém phát triển, các dân tộc có truyền thống văn hoá lâu đời đang có nguy cơ mất dần bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc do sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc văn hoá.

4. Không có gì quý hơn độc lập, tự do do Hồ Chí Minh phát hiện và khẳng định như một chân lý mang ý nghĩa nhân loại đã mang đậm dấu ấn của Người trong thời đại ngày nay. Vì độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước. Trong quá trình bôn ba khắp năm châu bốn biển, Người phát hiện ra chân lý “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại...”. Nhưng khi suy nghĩ về việc áp dụng chủ nghĩa cộng sản đối với một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản như Việt Nam, Người phát hiện thêm những chân lý khác như : “Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại”; đặc biệt là tư tưởng “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”.... Song với thời đại ngày nay, cần phải khẳng định một ý tưởng bao quát và mạnh mẽ hơn: Không có gì quý hơn độc lập, tự do, bởi lẽ, đó không chỉ là chân lý có giá trị với Việt Nam mà còn là chân lý phổ biến có giá trị với nhân loại và có thể cả muôn đời sau.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc còn đang ngự trị thế giới, khi các dân tộc nhỏ yếu với đại bộ phận nhân loại còn phải sống trong vòng cương tỏa của chủ nghĩa tư bản toàn cầu thì vấn đề độc lập dân tộc và tự do đang trở nên vấn đề thời sự cấp thiết nhất. Chính vì vậy, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do“ của Hồ Chí Minh mới trở thành một thông điệp có giá trị soi đường cho nhân dân lao động đấu tranh giành lấy hạnh phúc và tự do thật sự cho mình và cho dân tộc mình.

5. Tư tưởng“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” tuy rất quan trọng và là một chân lý vĩnh cửu, nhưng nó vẫn chưa tiếp cận với định hướng tư tưởng phản ảnh bản chất nền dân chủ mới mà các dân tộc trên thế giới đều hướng tới. Do đó, cần phải được bổ xung thêm một thông điệp khác vô cùng quan trọng gắn liền với tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do“, đó là tư tưởng vì dân, coi nhân dân là tất cả, có dân là có tất cả. Đây cũng là chỗ khác rất cơ bản giữa quan niệm về dân chủ cũ với quan niệm về dân chủ mới mà chúng ta gọi là dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nói đến dân chủ đương nhiên là nói đến công bằng xã hội, nhưng không phải là công bằng chung chung, trừu tượng, mà là nói đến công bằng cho số đông những người lao động, những người quyết định vận mệnh của dân tộc, đó là nhân dân, người chủ thực sự của mỗi đất nước, mỗi dân tộc. Nói đến vị trí nhân dân, coi nhân dân là tất cả, là sức mạnh vô địch “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Hồ Chí Minh muốn hướng đến đối tượng và động lực của cách mạng, điều mà bất cứ một cuộc cách mạng nào cũng không bao giờ được quên, cũng đồng thời là mục tiêu của xã hội mới, đó là nhân dân lao động, những người cùng khổ bao giờ cũng chịu thiệt thòi, bất công, thậm chí bị áp bức, bóc lột thậm tệ ở mọi thời đại.

6. Có một thông điệp khác vừa thuộc phương pháp vừa là nguyên tắc để chiến thắng kẻ thù cũng như chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, đó là thông điệp đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công. Trong mỗi dân tộc cũng như mỗi xã hội thường có nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo, nhiều giai cấp, nhiều khuynh hướng tư tưởng...nghĩa là không có một dân tộc hoặc một xã hội nào thuần nhất. Trong khi đó, lợi ích công dân cũng như lợi ích xã hội thường gắn liền với mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo, mỗi giai cấp… Vậy làm thế nào tạo nên sức mạnh đồng thuận của dân tộc để có thể chiến thắng kẻ thù xâm lược, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Đó là việc không đơn giản.

Với kẻ thù xâm lược thì chúng thường tìm cách chia rẽ các dân tộc, các tôn giáo... vì có chia rẽ chúng mới trị được dân, chia để trị là nguyên tắc của kẻ thù xâm lược. Thấy rõ âm mưu kẻ thù, Hồ Chí Minh sớm đưa ra nguyên tắc đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, nhằm tạo ra sức mạnh để chiến thắng, để thành công. Với Hồ Chí Minh, đoàn kết không phải là chiến thuật mà là một nguyên tắc hành động, một phẩm chất đạo đức, một thuộc tính của chủ nghĩa nhân văn mới, chủ nghĩa nhân văn chiến đấu vì hạnh phúc của mọi người.

Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều dân tộc và tôn giáo đang có hiện tượng chia rẽ đến mức hình thành những cuộc chiến tranh triền miên về sắc tộc và tôn giáo khiến cho chủ nghĩa đế quốc dễ lợi dụng vào mục đích chia để trị, thì vấn đề đoàn kết, đại đoàn kết theo dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh là một thông điệp hết sức quan trọng, có thể giúp các dân tộc, các tôn giáo một định hướng đúng đắn trong đấu tranh với mọi kẻ thù và xây dựng đất nước.

8. Có một vấn đề quan trọng mà có lẽ ngày nay ai cũng thấy trong sự nghiệp đấu tranh chiến thắng kẻ thù và chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, song, từ đầu thế kỷ XX Hồ Chí Minh đã khẳng định như một thông điệp, đó là vị trí, vai trò của văn hoá trong phát triển. Có thể nói, đó cũng là định hướng nhân văn cho mục tiêu đấu tranh vì hoà bình và tiến bộ của nhân loại.

Với Hồ Chí Minh, văn hoá gắn liền với dân chủ và chủ nghĩa nhân văn. Thiếu văn hoá, con người sẽ mất sáng suốt, sẽ không còn tình người theo nghĩa chân chính nhất. Vì thế, văn hoá bao giờ cũng là mục tiêu và động lực của con người hành động nhằm giải phóng bản thân và đồng loại. Vì thế, văn hoá đồng nghĩa với nhân văn và chủ nghĩa nhân văn. Do đó, việc phấn đấu cho mục tiêu văn hoá của nhân loại bao giờ cũng là một thông điệp không thể tách rời dấu ấn Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.

Trên đây chỉ là một số thông điệp quan trọng nhất trong hệ thống tư tưởng vô cùng phong phú mang dấu ấn Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Những thông điệp ấy đều xuất phát từ tư tưởng dân chủ và có giá trị nhân văn sâu sắc mà ngày nay cũng có thể ai cũng thấy và đồng thuận. Song, để thấy cho được giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc của những thông điệp ấy, cần xuất phát từ tư duy biện chứng của quá trình vận động phát triển và tiến bộ xã hội theo quy luật tiến hoá của lịch sử nhân loại./.

PGS, TS. Thành Duy
Viện khoa học xã hội Việt Nam

——————-

(1), (2) Hồ Chí Minh – Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.1, tr.416, 461

(3) Mác, Ăngghen – Tuyển tập, Sdd, t.1, tr.517.
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất