Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 23/5/2009 9:25'(GMT+7)

Tinh thần Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Từ giữa năm 1953, Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương bắt đầu thực hiện kế hoạch Na-va, ra sức xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh nhằm thoát khỏi tình trạng phòng ngự bị động, tiến tới giành quyền chủ động trên chiến trường chính. Địch cũng chủ trương nhanh chóng tăng cường binh lực trên các hướng bị uy hiếp để tổ chức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm, coi đó là biện pháp tác chiến chiến lược có hiệu lực để chặn đứng các cuộc tiến công của chủ lực ta.

Từ sự phân tích sâu sắc âm mưu của địch và khả năng của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh...Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán lực lượng thì sức mạnh đó không còn”(1). Trên cốt lõi tư tưởng chiến lược đó, Bộ chính trị Trung ương Đảng ta đã đề ra chủ trương, kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954: sử dụng một bộ phận chủ lực mở các chiến dịch tiến công vào những hướng địch sơ hở nhưng hiểm yêú mà chúng không thể bỏ, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược để đối phó, tạo thời cơ cho ta tập trung lực lượng tiêu diệt địch trên các hướng có lợi nhất; đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích ở các vùng đồng bằng sau lưng địch, tranh thủ cơ hội tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch nếu chúng đánh vào vùng tự do của ta.

Thực hiện kế hoạch chiến lược trên, chúng ta đã tiến hành thắng lợi các chiến dịch tiến công trên khắp chiến trường Đông Dương: Chiến dịch Lai Châu (12-1953); chiến dịch Trung Hạ Lào và Đông Bắc Cămpuchia (12-1953 đến 5-1954); chiến dịch Bắc Tây Nguyên (1-2-1954); chiến dịch Thượng Lào (1-2-1954). Do đánh vào các hướng hiểm yếu và phối hợp chặt chẽ với hoạt động của quân và dân ở các vùng sau lưng địch, các chiến dịch của ta đã trở thành các đòn chiến lược tiêu diệt những bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, làm rung động mạnh thế trận của địch, buộc chúng phải xé lẻ khối cơ động chiến lược. Tính đến trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, chín phần mười trong tổng số 82 tiểu đoàn cơ động chiến lược và chiến thuật của Na-va đã bị phân tán. Kế hoạch Na-va bước đầu bị phá sản. Quyền chủ động trên chiến trường vẫn thuộc về ta.

Trung tuần tháng 11-1953, phát hiện chủ lực ta lên hướng Tây Bắc, ngày 20-11-1953, quân Pháp mở cuộc hành binh Ca-xto, đổ 6 tiểu đoàn Âu Phi tinh nhuệ đánh chiếm và xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh gọi là binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO), nhằm giữ vững Lai Châu, bảo vệ Thượng Lào, hy vọng Điện Biên Phủ vừa là một cái chốt, vừa là một cái bẫy nghiền nát các đại đoàn chủ lực của ta.

Trước khi ta tiến công, lực lượng ở Tập đoàn Điện Biên Phủ có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105 ly(24 khẩu), 2 tiểu đoàn súng cối 120 ly (20 khẩu), 1 đại đội trọng pháo 155 ly (4 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng (10 chiếc), 1 đại đội xe vận tải (khoảng 200 xe ô tô) và một phi đội máy bay thường trực (14 chiếc). Tổng số quân lên tới 11.800 tên, chủ yếu là lính dù và Âu Phi tinh nhuệ. Với lực lượng đông, hoả lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh và tận dụng được thế lợi của địa hình, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là hệ thống phòng ngự mạnh nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Bộ chỉ huy Pháp coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá” và tin chắc “sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng” .

Xác định quân Pháp đưa quân chiếm giữ Điện Biên Phủ là có lợi cho ta, đầu tháng 1-1954, Bộ chính trị chính thức hạ quyết tâm: tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo ra sự chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh. Đây là quyết định hết sức táo bạo và chính xác của Bộ Chính trị; là sự chuyển biến từ phương hướng “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang đánh thẳng vào chỗ mạnh nhưng có nhiều sơ hở của địch để giành thắng lợi quyết định. Quyết định này được xác định trên cơ sở phân tích khoa học: Điện Biên Phủ tuy là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng nằm ở thế cô lập, xa hậu phương, chơi vơi giữa vùng núi rừng hiểm trở, chiến trường có ưu thế của bộ đội ta; lực lượng chi viện cho Điện Biên Phủ của địch rất cạn kiệt do chiến tranh nhân dân của ta được đẩy mạnh ở khắp nơi và lực lượng cơ động chiến lược của chúng đang bị xé lẻ khắp chiến trường Đông Dương; lực lượng kháng chiến của ta đã lớn mạnh toàn diện, bộ đội ta đã được chuẩn bị khá chu đáo về mọi mặt cho các trận đánh lớn hiệp đồng binh chủng... Như vậy, nhờ có quyết tâm chiến lược sáng suốt và sự kiên định quyết tâm trong cả quá trình, chúng ta đã phá kế hoạch tập trung khối cơ động mạnh của Na-va, làm đảo lộn thế bố trí của địch trên các chiến trường, tạo ra một điểm quyết chiến chiến lược ở vùng rừng núi để tập trung sức mạnh giành thắng lợi quyết định cho cuộc chiến tranh. Rõ ràng, thắng lợi Điện Biên Phủ, trước hết là thắng lợi của sự chỉ đạo chiến lược, tài thao lược của Bộ Chính trị, Tổng Quân uỷ trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954.

Để bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ chắc thắng, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng chỉ huy đã động viên toàn dân, toàn quân tập trung nỗ lực cao nhất cho Điện Biên Phủ. Ngày 8-2-1954, Bộ Chính trị ra chỉ thị cho Tổng Quân uỷ, các liên khu uỷ và khu uỷ động viên quân đội và nhân dân tiếp tục đánh giặc, phục vụ tiền tuyến. Chỉ thị xác định: “ Đảng uỷ và cán bộ chỉ huy huy các cấp của quân đội phải nhận rõ tình hình, thấm nhần sâu sắc chủ trương quân sự của Trung ương, nhận rõ nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của quân đội, phát huy truyền thống khắc phục khó khăn, vượt mọi gian khổ, liên tục chiến đấu anh dũng, ra sức thực hiện chủ trương quân sự của Trung ương và kế hoạch tác chiến của Tổng Quân uỷ cho được thắng lợi”(2); đối với đảng uỷ các cấp “ cần phải nhận rõ chủ trương quân sự của Trung ương, phải đặt nhiệm vụ tác chiến và phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ trung tâm thứ nhất trong mọi công tác lúc này và phải quyết tâm huy động nhân lực, vật lực để phục vụ tiền tuyến...”(3).

Quán triệt chỉ thị trên, Tổng Quân uỷ đã tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ lên tham gia chiến dịch, gồm 3 đại đoàn và 1 bộ binh (Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304); Đại đoàn công pháo 151 (gồm 24 khẩu pháo 105mm, 15 khẩu sơn pháo 75 mm); Trung đoàn pháo cao xạ 367 (có 24 khẩu cao xạ 37 mm và 24 khẩu súng máy cao xạ 12,7). Tổng số quân chủ lực của ta khoảng hơn 40 nghìn, nếu tính cả tuyến hai thì số quân lên tới 55 nghìn.

Trong quá trình chuẩn bị, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Bác Hồ, Đảng uỷ Mặt trận Điện Biên Phủ đã kịp thời chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh”sang “Đánh chắc tiến chắc”, tạm dừng cuộc tiến công, kéo pháo ra, rút bộ đội, dân công về vị trí tập kết, và tiến hành mọi công tác chuẩn bị theo phương châm mới. Theo đó, việc chuẩn bị và thực hành chiến dịch được tiến hành theo làm 3 giai đoạn. Giai đoạn một: làm đường vận chuyển, xây dựng các trận địa pháo binh thật kiên cố, bí mật, triển khai đội hình bao vây khống chế sân bay. Giai đoạn hai: tiêu diệt các trung tâm đề kháng ngoại vi, hình thành và thắt chặt trận địa bao vây tiến công địch, thu hẹp dần phạm vi chiếm đóng, tiêu hao lực lượng, khống chế sân bay. Giai đoạn ba: tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Trong giai đoạn đầu, bộ đội tham gia chiến dịch đã xây dựng 6 trận địa cho các đại đội lựu pháo 105 ly. Các trận địa phân tán trên các điểm cao thành một đường vòng cung bao lấy tập đoàn cứ điểm. Pháo và đạn được đặt trong hầm khoét sâu vào triền núi và được nguỵ trang kín đáo. Để đưa pháo lớn vào các trận địa, ta phải mở 5 tuyến đường cơ động với tổng chiều dài 63 km. Các con đường mới đều đi qua các sườn núi, ngọn đèo và nằm trong tầm hoạt động của phi pháo địch nên công việc hết sức khó khăn, gian khổ.

Công tác đảm bảo hậu cần cho chiến dịch được Trung ương Đảng, chính phủ đặc biệt quan tâm. Theo tính toán, khối lượng vật chất đảm bảo cho chiến dịch đánh theo phương châm đánh chắc tiến chắc tăng vọt lên gấp hai, ba lần. Riêng lương thực tăng từ 7000 tấn lên trên 20.000 tấn. Trung ương Đảng và Chính phủ đã động viên toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến. Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch chỉ đạo các ngành kinh tế, tài chính dốc sức chi viện cho tiền tuyền. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh vào Thanh Hoá và vùng tự do Liên khu 4, đông dân, nhiều gạo; Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng về chiến trường Liên khu 3 quen thuộc để trực tiếp chỉ đạo địa phương huy động nhân vật lực phục vụ chiến dịch. Một hệ thống đường vận chuyển cả cơ giới, thuỷ và đi bộ được tổ chức chặt chẽ để đảm bảo cho chiến dịch.

Tổng cục cung cấp tiền phương được tăng cường thêm lực lượng (tổng quân số gồm 3168 cán bộ chiến sĩ và hơn ba mươi nghìn dân công) để tổ chức lại một bộ máy hậu cần chiến dịch gồm sở chỉ huy hậu phương, các kho, các tuyến vận tải, các đội điều trị... (Ta đã tổ chức ba tuyến hậu cần chiến dịch: tuyến Sơn La - Tuần Giáo; Tuyến Tuần Giáo - Km 62 đường vào Điện Biên Phủ; Tuyến Hậu cần hoả tuyến). Tổng số lực lượng phục vụ chiến dịch lên tới 628 ô tô vận tải, 21000 xe đạp thồ, 261500 dân công cùng nhiều tàu thuyền, lừa ngựa...

Sau một thời gian chuẩn bị, chiều ngày 13-3-1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tiến công địch ở Điện Biên Phủ. Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, bền bỉ và anh dũng, đồng thời được sự chi viện tích cực của đồng bào hậu phương, đến 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954 bộ đội ta đã cắm lá cờ quyết chiến quyết thắng trên nóc hầm Đờ Cát, kết thúc thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã loại khỏi vòng chiến đấu một số lượng lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch(4), giải phóng vùng đất đai có ý nghĩa chiến lược làm xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của ta đi tới kết thúc chiến tranh. Điện Biên Phủ là hệ quả của những thành tựu nhân dân ta đạt được trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Là kết quả của quyết tâm chiến lược chính xác, sự tập trung nỗ lực lớn nhất của cả nước trong chiến cuộc Đông Xuân 53-54. Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ đã trở thành “cây cột mốc bằng vàng” của lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều bài học quý cho chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.

Kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, điều thiết thực nhất là chúng ta cần phát huy tinh thần Điện Biên Phủ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà trực tiếp là trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong nửa nhiệm kỳ còn lại của Đại hội Đảng lần thứ X: “chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế đạt hiệu quả cao. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội”(5).

Tinh thần Điện Biên Phủ trước hết là tinh thần yêu nước, không cam chịu nô lệ, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, quyết chiến, quyết thắng, nỗ lực phi thường để khắc phục những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, chúng ta cần phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lập tự cường, quyết tâm vượt qua thử thách, dám nghĩ, dám làm. Trong điều kiện khủng hoảng tài chính hiện nay, cần phải phát huy mạnh mẽ nhân tố nội lực, tăng cường sức mạnh nội lực để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sức mạnh làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của toàn dân. Ngày nay, phát huy tinh thần Điện Biên Phủ chúng ta cần quán triệt sâu sắc tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khoá X “đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội; đẩy mạnh thi đua yêu nước, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc”(6). Cần phải thấy rằng, sức mạnh thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay vẫn là sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của toàn dân. Chúng ta phải thực sự mở rộng dân chủ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, tạo nên sự nhất trí giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm cho nhân dân gắn bó với Đảng với chính quyền như đã từng gắn bó trong thời kỳ kháng chiến. Chúng ta cũng cần tiếp tục phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế, phát huy vai trò các thành phần kinh tế, động viên toàn dân ra sức làm kinh tế, để thực hiện dân giàu, nước mạnh với một khí thế thi đua sôi nổi như đã hăng hái tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhân tố quyết định đưa đến thắng lợi Đông Xuân 1953-1954 và chiến thắng Điện Biên Phủ là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Sự lãnh đạo đó không những trước hết thể hiện ở đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, ở sự chỉ đạo chiến lược tài tình, luôn bám sát sự phát triển của thực tiễn mà điều quan trọng còn thể hiện ở vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên. Ngày nay, sự lãnh đạo của Đảng vẫn là nhân tố quan trọng, quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc; đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn là “nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”(7).

Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, Đảng ta cần “tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học; đội ngũ cán bộ đảng viên có phẩm chất năng lực đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục phấn đấu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng..., đẩy mạnh nâng cao chất lượng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...; nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí”(8).

55 năm đã trôi qua, song chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn âm vang mãi trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Trước những khó khăn thử thách, những biến động phức tạp của tình hình, chúng ta lại nhớ lại sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, thông minh của các chiến sĩ Điện Biên, sự đồng tâm chung sức của dân tộc ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ để từ đó vững bước đi lên. Điện Biên Phủ mãi mãi là bài học sinh động trong sự nghiệp của chúng ta./.

Đại tá Phạm Hữu Thắng

Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
———————

(1) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Nxb QĐND, 2000, tr.26.

(2), (3) ĐCSVN, Văn kiện Đảng toàn tập, t.15, Nxb CTQG, H, 2001, tr.32

(4) Loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, 10 đại đội nguỵ vừa bổ sung và các đơn vị công binh, vận tải, xe tăng... Tổng số sĩ quan và hạ sĩ quan bị diệt và bắt sống là 1706 tên gồm 1 thiếu tướng, 16 đại tá, trung tá, 353 sĩ quan từ thiếu uý đến thiếu tá. Số máy bay bị bắn rơi tại mặt trận là 57 chiếc. Ta đã thu toàn bộ vũ khí, kho tàng của địch ở Điện Biên Phủ, trong đó có 28 khẩu pháo lớn, 64 xe, 5915 súng các loại, 20.000 lít xăng dầu cùng rất nhiều đạn dược, quân trang quân dụng khác.

(5), (6), (7), (8) Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 BCHTW khoá X, Nxb CTQG, H, 2009, tr.175, 239, 289.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất