Chủ Nhật, 24/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 11/10/2012 17:46'(GMT+7)

Ðánh giá tác động môi trường các công trình thủy điện

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Hiện nay, cả nước xây dựng 2.100 hồ, sức chứa 41 tỷ mét khối nước phục vụ thủy lợi và phát điện (khai thác 8.000 MW, chiếm gần 40% tổng công suất lắp máy của toàn hệ thống điện quốc gia). Ngoài ra, đang chuẩn bị triển khai xây dựng khoảng 240 hồ, tổng dung tích hơn 21 tỷ mét khối, tổng công suất lắp máy gần 9.000 MW và hơn 500 hồ đã có quy hoạch được xây dựng trong vài năm tới với tổng dung tích gần 4 tỷ mét khối, công suất máy hơn 4.200 MW.

Bên cạnh lợi ích từ việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở các hồ chứa mang lại, thì việc tích nước các hồ chứa  chưa được như thiết kế đang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, mất an toàn, hủy hoại tài nguyên, làm suy thoái môi trường. Phần lớn quy hoạch hồ chứa nước mới chỉ đánh giá ÐMT và chưa đánh giá môi trường chiến lược như quy định của pháp luật. Phần lớn các quy hoạch thủy điện có quy mô liên tỉnh đã được lập trước khi Luật Bảo vệ môi trường 2005 sửa đổi, có hiệu lực. Vì vậy, việc tiến hành ÐMT có liên quan thủy điện trong quá trình quản lý, bảo vệ môi trường chưa thật sự hiệu quả. Thiếu việc đánh giá tác động tổng hợp của hệ thống bậc thang các hồ chứa trên lưu vực sông hoặc một địa phương, cho nên không thấy rõ được những tác động rất bất lợi của toàn bộ các công trình trên lưu vực đến tài nguyên, môi trường tự nhiên và xã hội, thiếu những biện pháp giảm tác động hoặc biện pháp hạn chế cần thiết. Nhiều chủ đầu tư xây dựng các công trình thủy điện không thực hiện đầy đủ các cam kết trong ÐMT.

Việc phát triển các dự án thủy điện đã và đang tác động đến cộng đồng các dân tộc trong vùng dự án, gây tổn thương đến hệ sinh thái, hủy hoại thảm thực vật, làm biến đổi dòng chảy, môi trường.

Tính từ năm 2006 đến đầu năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt ÐMT cho 49 dự án trong tổng số 79 dự án thủy điện lớn thuộc Quy hoạch điện 7. Từ năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra các dự án thủy điện ở Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía bắc. Kết quả thanh tra ở Tây Nguyên cho thấy: Một phần diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia bị phá hủy để triển khai các dự án thủy điện. Hầu hết các dự án chưa được cấp phép sử dụng tài nguyên nước. Có dự án khởi công xây dựng được hơn hai năm nhưng vẫn chưa tổ chức quan trắc, giám sát môi trường và báo cáo định kỳ những cam kết theo quy định. Chỉ có 11 trong tổng số 300 dự án thủy điện ở các tỉnh phía bắc (Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La và Yên Bái) có giấy phép khai thác sử dụng tài nguyên nước. Chỉ có hai dự án thủy điện lớn là Sơn La và Nậm Chiên thực hiện việc thu dọn lòng hồ trước khi tích nước. Một số báo cáo đánh giá tác động môi trường, tuy được UBND các tỉnh thẩm định nhưng chưa mô tả rõ tiến độ xây dựng, chưa đề cập đầy đủ các sự cố về môi trường; giải pháp quản lý chất thải nguy hại.

ÐMT là quá trình phân tích, đánh giá, dự báo ảnh hưởng đến môi trường của dự án. Thực hiện nghiêm túc công tác ÐMT, các cấp có thẩm quyền sẽ đưa ra được các giải pháp thích hợp bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục chủ động phối hợp Bộ Công thương, Công an trong các hoạt động quy hoạch và triển khai xây dựng các công trình thủy điện; đánh giá tác động môi trường tổng hợp của việc triển khai các công trình thủy điện. Cần có một cơ quan chuyên môn độc lập rà soát toàn bộ các quy hoạch hồ chứa trên các lưu vực sông, nhất là các quy hoạch bổ sung do UBND các tỉnh phê duyệt để bảo đảm yêu cầu cơ bản là phải sử dụng tài nguyên nước đa mục tiêu, cân bằng giữa lợi ích kinh tế và lợi ích về xã hội, môi trường. Mục đích cuối cùng là bảo đảm phát triển thủy điện bền vững, với từng công trình hồ chứa cần quy định rõ các nhiệm vụ được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên ngay từ giai đoạn quy hoạch. Các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiêm túc kiểm tra lại quá trình thẩm định báo cáo ÐMT, kiến nghị dừng đầu tư xây dựng các công trình thủy điện không hiệu quả (mất đất, mất rừng, tái định cư nhiều). Từ kinh nghiệm thanh tra, kiểm tra các dự án thủy điện ở Tây Nguyên và các tỉnh phía bắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường được nêu trong báo cáo ÐMT và quyết định phê duyệt, yêu cầu các chủ dự án thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hà Hồng/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất