Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 8/10/2012 11:5'(GMT+7)

Mấy ý kiến về tính chiến đấu và thuyết phục trong công tác tư tưởng

 Chủ đề cuộc thảo luận là “Nâng cao tính thuyết phục của công tác tư tưởng hiện nay”, trong khi đó Nghị quyết Đại hội XI lại nêu “Nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả công tác tư tưởng”. Tôi hiểu là muốn tách riêng tính thuyết phục để nghiên cứu cho sâu, nhưng có nên thảo luận riêng về tính thuyết phục hay không?

Theo nghiên cứu của một số tác giả nước ngoài thì trong cuộc sống phần lớn các hành vi giao tiếp của con người là nhằm vào việc gây ảnh hưởng, lôi kéo và thuyết phục người đối diện. Nhưng hành vi và hiệu quả sự thuyết phục lại có những mục đích khác nhau, có khi để bán một mặt hàng mà ta thường thấy trong các lời rao, hoặc những đoạn phim quảng cáo và trong nhiều trường hợp thiếu tính chân thật vì chỉ cần bán được hàng. Hoặc tìm cách đưa ra lý lẽ ngụy biện, chứng cứ bịa đặt để thuyết phục người nghe, người xem ủng hộ quan điểm, xu hướng nào đó có khi không tốt đẹp, thậm chí xấu xa. Do đó, sự thuyết phục nói chung trong giao tiếp có những mục đích khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Vì vậy, nên thảo luận đồng bộ tính chiến đấu và tính thuyết phục để sự thuyết phục có mục tiêu chính trị rõ ràng.

Trước hết, cần thảo luận để hiểu rõ nội dung “tính chiến đấu” trong công tác tư tưởng của Đảng. Theo tôi hiểu, chiến đấu không chỉ để loại bỏ mà còn xây dựng. Trong tình hình hiện nay chủ yếu chiến đấu để cái mới mẻ, tốt đẹp ra đời trong cuộc đấu tranh gian nan như Bác Hồ đã từng nói. Do đó, tính chiến đấu trong công tác tư tưởng là chiến đấu cho sự tiếp tục công cuộc đổi mới theo đường lối, bước đi do Đảng và Nhà nước đề xướng, chống lại các khuynh hướng cực đoan; chiến đấu để các nhân tố mới, những gì là tốt đẹp chi phối đời sống xã hội; chiến đấu để đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, bao gồm cả một số người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý; chống những luận điệu và hành vi sai trái. Cuộc chiến đấu của công tác tư tưởng khác các lĩnh vực chiến đấu khác, chủ yếu bằng phân tích, phản ánh thực tế để tạo nên thống nhất trong Đảng và đồng thuận xã hội, do đó chỉ có thể bằng sự thuyết phục. Đồng thời, nếu làm tốt các nội dung chiến đấu nêu trên, khi sự nghiệp đổi mới tiếp tục được thực hiện và đạt hiệu quả, những chủ trương, chính sách đúng đắn được thực hiện, cái mới mẻ, tốt đẹp được đề cao, cái xấu xa, tiêu cực bị đẩy lùi thì bản thân thực tiễn đó đã có sức thuyết phục đảng viên và nhân dân rất lớn, là “sự thuyết phục không cần lời”.

Đó là lý do tôi đề nghị nên gắn tính chiến đấu và tính thuyết phục để tạo hiệu quả cao trong công tác tư tưởng.

Công tác tư tưởng là công tác với con người. Trong tình hình mới, đối tượng công tác tư tưởng ở nước ta có những thay đổi lớn:

Thực hiện kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu xã hội đang thay đổi, trong xã hội có chủ, có thợ. Công nhân phát triển đa dạng, bao gồm những người làm trong các loại doanh nghiệp khác nhau, thu nhập khác nhau và chịu sự quản lý không giống nhau. Trong nông dân, có nông dân sản xuất theo nông hộ, lại có chủ trang trại kinh doanh lớn thậm chí rất lớn. Trong tầng lớp tri thức có người công tác trong bộ máy Nhà nước, có người làm ở các viện khoa học hoặc giảng dạy trong các trường có sở hữu khác nhau, có người hoạt động trong các doanh nghiệp lớn nhỏ... với cách quản lý và thu nhập khác nhau. Thu nhập và các mối quan hệ khác nhau tạo ra những yêu cầu và suy nghĩ không giống nhau.

Trình độ dân trí ngày càng cao. Nói chung con người luôn muốn tự khẳng định, không muốn bị áp đặt; dân trí càng cao, yêu cầu muốn độc lập suy nghĩ ngày càng lớn.

Với tiến bộ khoa học kỹ thuật của thời đại thông tin, trong quá trình hội nhập quốc tế, con người có điều kiện tiếp nhận thông tin nhiều và nhanh, không chấp nhận thông tin một chiều, đơn giản, đơn điệu...

Tình hình nêu trên cho thấy công tác tư tưởng phải đổi mới mạnh mẽ. Luôn luôn tìm hiểu kỹ càng các đối tượng để xác định nội dung nói và viết đáp ứng yêu cầu từng loại đối tượng, không thể dập khuôn, “nói với ai cũng chỉ một bài” hoặc độc thoại như cách làm phổ biến hiện nay. Rồi phải thường xuyên sáng tạo các hình thức giao lưu, đối thoại mà thuyết phục. Với cán bộ tuyên giáo, không phải nội dung nào cũng hiểu biết kỹ càng để có thể giải đáp mọi vấn đề, nhưng có khả năng tổ chức các cuộc giao lưu, đối thoại giữa những người ban hành chính sách, quyết định chủ trương với những người chịu tác động bởi chính sách, chủ trương đó. Điển hình như cuộc giao lưu thường kỳ: “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”. Đây là phương thức cần mở rộng để tạo ra “một xã hội đối thoại”, qua đó tạo sự đồng thuận trong một xã hội dân chủ, cởi mở... không ngại những ý kiến khác nhau trên tinh thần xây dựng, cố gắng thực hiện chỉ dẫn của V.I. Lênin muốn mở ra những cuộc “bút chiến” để làm sáng tỏ chân lý. Chỉ có thông qua tranh luận thì mới có được sự đồng thuận cao, chân thành. Thuyết phục qua tranh luận, trao đổi ý kiến bình đẳng để thuyết phục thì mới có hiệu quả cao…

Như trên đã nói, thuyết phục là mục tiêu hoạt động bình thường của con người trong giao tiếp. Do đó, có những cuốn sách viết về chủ đề này, nhưng xem ra chủ yếu nghiên cứu đối tượng, kỹ năng nói và viết, cần tham khảo.

Với công tác tư tưởng, sự thuyết phục trước hết từ lý lẽ. Sự hiểu biết cơ bản về lý luận và văn hóa là điều kiện cơ bản để người làm công tác tư tưởng vận dụng lý lẽ khi thuyết phục. Ai cũng thấy công tác nghiên cứu lý luận có những tiến bộ nhưng món nợ cũng còn rất lớn, còn có nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu như Đại hội XI đã đặt ra, phải tiếp tục nghiên cứu về Đảng cầm quyền, về CNXH và tiến hành CNXH ở Việt Nam, đều là những vấn đề rất cơ bản. Còn có những vấn đề cũng rất lớn về lý luận liên quan tới thiết kế chính sách như các vấn đề “Ba quyền” (lập pháp, hành pháp, tư pháp) trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, sở hữu đất đai, vai trò của kinh tế Nhà nước, xã hội dân sự... Có hiểu biết về lý luận, cơ bản, thường xuyên tiếp cận các nghiên cứu mới để hiểu sâu hơn về đường lối của ta cũng như những nghiên cứu mới của thế giới để tăng khả năng thuyết phục bằng lý lẽ.

Một hướng rất quan trọng là thuyết phục bằng thực tế. Không chỉ những người lao động bình thường mà những nhà nghiên cứu lý luận cũng nhiều khi qua thực tiễn mà đổi mới tư duy. Thực tiễn sáng tạo của cơ sở và nhân dân trong “Đêm trước đổi mới” được thông tin, phân tích đã có sức thuyết phục không chỉ đông đảo nhân dân mà cả những nhà nghiên cứu lý luận ở trường Nguyễn Ái Quốc và Tạp chí Cộng sản, do đó nhiều đồng chí đã tham gia vào đội quân tiên phong trong công cuộc đổi mới. Do vậy cán bộ tuyên giáo cần gắn mình với thực tiễn, để nghiên cứu và tham gia tổng kết thực tiễn làm phong phú vốn kiến thức, để có khả năng thuyết phục các đối tượng khi giao lưu, đối thoại.

Trong quá trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn không chỉ đòi hỏi trình độ lý luận, kiến thức văn hóa, sự hiểu biết sâu sắc thực tiễn mà quan trọng là cần có thái độ trung thực trên tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Bệnh thành tích rất nặng nề, chỉ thích nói và thổi phồng công lao, thành công, không nói hoặc nói không đầy đủ thất bại, khuyết điểm đã cản trở hoạt động tổng kết thực tiễn trung thực, do đó cũng không đủ sức thuyết phục. Đã từ lâu, tôi vẫn cho rằng, nên tổng kết một cách nghiêm túc, trung thực 10 năm sau Đại thắng mùa Xuân 1975 mà tổng kết đổi mới để lại một khoảng trống rất quan trọng. Tổng kết thời gian này để hiểu rõ những nguyên nhân nào dẫn tới sự lãnh đạo chủ quan, duy ý chí, xa rời quy luật khoa học và lòng dân để đất nước lâm vào khủng khoảng kinh tế, xã hội, vì những bài học rút ra từ thất bại, không thành công bao giờ cũng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Trong tình hình rất phong phú, có phần phức tạp hiện nay, có những trường hợp chưa đủ lý lẽ, chưa đủ chứng cứ thực tiễn nhưng từ tấm lòng người truyền đạt lại có thể thuyết phục người nghe… Chẳng hạn những ngày đầu khi Liên Xô tan rã, không phải ai cũng được truyền đạt đầy đủ phân tích của Bộ Chính trị, và theo tôi thì sự phân tích của Bộ Chính trị lúc đó cũng chỉ là bước đầu. Nhưng đã có cán bộ thuyết trình bằng cả tấm lòng và sự trải nghiệm của mình cũng đã truyền được cho người nghe, người đọc tin vào khả năng đứng vững trước sóng gió, tiếp tục thực hiện đổi mới theo cách làm của ta, vượt qua khó khăn để tiến lên...

Vấn đề cuối cùng là uy tín của người đi thuyết phục là rất quan trọng.

Ai cũng có thể nói lời đúng đắn, nhưng nói cho có người nghe và tin thì trước hết họ phải đúng đắn, phải tử tế… Họ thuyết phục người nghe bằng chính nhân cách của họ. Anh Việt Phương thường kể lại một câu thơ của nhà thơ Pháp Victor Huygo, mà sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất thích, được dịch là: “Trước trí tuệ siêu việt ta cúi đầu bái phục/Trước lòng tốt cao cả ta quỳ gối tôn thờ”. Trong mối quan hệ Đức - Tài, nhân cách, đạo đức rất quan trọng với những người được trao việc truyền đạt những cái đúng, cái hay để tạo niềm tin.

Chúng ta chỉ có thể thuyết phục bằng sự thật. Tuy nhiên, có vấn đề người nói sự thật nhưng không đủ sức thuyết phục, có lý do từ lý lẽ, thực tiễn chưa đầy đủ, còn có nguyên nhân từ khả năng truyền đạt sẽ được bàn riêng... Ở đây có những tình huống khá phức tạp, đó là trong thực tiễn, bên cạnh nhiều chính sách đúng thì cũng có chính sách sai hoặc chưa đúng hẳn, có chủ trương hợp lý và cũng có chủ trương chưa hợp lý, gây phản ứng không thuận trong xã hội. Do đó, có trường hợp cán bộ phải khiên cưỡng giải thích, “phân tích sự đúng” của một sự việc mà bản thân anh ta không thấy đúng, nghĩa là anh ta phải dối lòng mình. Đó là bi kịch mà trong đời công tác không chỉ một lần gặp phải, và trong trường hợp đó thì họ biết chắc rằng với những bài viết, bài nói vô hồn không thể thuyết phục được ai… Tình huống này không chỉ xảy ra trong khi truyền đạt một chính sách, chủ trương của cán bộ tuyên truyền mà cả ở nơi người được trao trách nhiệm giảng giải lý luận.

Xử lý tình huống đó, tôi đã có tham luận nêu ý kiến để tham khảo khi bàn về “Nâng cao chất lượng các cơ quan tham mưu của Đảng”./.



Hữu Thọ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất