Chủ Nhật, 22/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 8/10/2012 10:26'(GMT+7)

Hướng đến giá trị thật

Do đâu chuyện “chạy việc” đang trở thành thứ kinh doanh hốt bạc ở nhiều tỉnh, thành phố khác thì lại không có “đất sống” ở Đà Nẵng? Và do đâu mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 4 mức trên phiếu lấy tín nhiệm là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến” để người bị quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức? Phải chăng những điều này là biểu hiện của việc hướng tới những giá trị thật, để xã hội càng trở nên tốt đẹp hơn?

Có lẽ vì sớm thấy được những bất cập trong việc tuyển cán bộ, công chức nên Đà Nẵng đã tiên phong trong việc từ chối hệ tại chức. Nguyên nhân do nhiều cơ sở đào tạo chỉ coi hệ này là “con gà đẻ trứng vàng” và nhiều học viên muốn có bằng cấp nhằm hợp thức hóa trong yêu cầu công việc. Việc kiểm soát không chặt chẽ quá trình đào tạo, thói vị nể càng khiến chất lượng đầu ra của loại hình này không đáp ứng được nhu cầu của xã hội. TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nhận định: “Ở Việt Nam, việc nhà tuyển dụng chê hệ tại chức là do chúng ta sinh ra hệ này mà không dưỡng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đánh giá nghiêm khắc rằng: “GD-ĐT có nơi, có lúc còn bị thương mại hóa, chạy theo lợi ích cục bộ, chạy theo bằng cấp còn khá phổ biến. Cũng có nơi còn chạy theo thành tích ảo, chưa gắn chặt đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực”.

Mặc dù lúc đầu quyết định của Đà Nẵng bị phản ứng dữ dội nhưng sau đó, các tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, Hải Dương, Quảng Nam, Hà Nam, Quảng Bình và nay đến Hà Nội cũng quyết định không tuyển dụng hệ tại chức. Điều này chứng minh việc Đà Nẵng từ chối hệ tại chức là đúng đắn và kịp thời.

Thực tế, để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển công chức năm 2012, UBND thành phố Đà Nẵng đã bỏ kinh phí đưa đi đào tạo (có cam kết) hơn 400 người ở các cơ sở ĐH trong nước và quốc tế. Ngoài ra, còn có gần 1.000 người theo diện thu hút nhân tài.

Chắc chắn nếu không “mạnh tay” xử lý hiện tượng “chạy việc”, “mua quan bán chức” thì đội ngũ các cán bộ, công chức trẻ đều gặp khó khăn vì năng lực của họ không được kiểm chứng kỹ lưỡng. Điều này dẫn đến sự cống hiến hời hợt, thậm chí sinh ra tệ cửa quyền, tham nhũng để “thu hồi vốn”. Và điều này cũng là sự không công bằng đối với những người tốt nghiệp khá, giỏi, thực sự muốn và có năng lực cống hiến nhưng lại không “nhất thân, nhì thế”.

Giáo sư - Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng nhận định: “Việc sử dụng và thu hút người tài là hệ trọng với quốc gia. Đất nước không có người giỏi, không có người tài thì đất nước không thể đi lên được. Với đội ngũ có khả năng cao, có thể tạm gọi là tài năng, họ chính là đầu tàu. Đầu tàu mà yếu thì cả đoàn tàu cũng chậm!”.

NGUYỄN VĂN TOÀN báo Đà Nẵng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất