Chủ Nhật, 6/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Chủ Nhật, 13/12/2009 19:15'(GMT+7)

Hành hương về nguồn của những người thầy

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Khó có thể diễn tả niềm vui, sự xúc động vô bờ bến của những người con ưu tú bao năm gặp lại nhau, cùng sống lại một thời tuổi thanh xuân. Mới ngày nào tất cả đều trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết yêu nghề, mến trẻ, trái tim đầy khát vọng đem ánh sáng văn hóa của Ðảng đến với Sơn La, mà nay ai cũng da mồi, tóc sương, tất cả đã là ông, là bà, là cụ, có thầy giáo vì tuổi cao sức yếu các con chiều lòng đưa đi, nhưng trong ánh mắt của những thầy giáo, cô giáo già vẫn ngời lên ngọn lửa như ngày nào.

Không ai có thể quên được ngày thu năm 1959 ấy, khi 860 giáo viên các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ tình nguyện xung phong lên các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc theo lời kêu gọi của Ðảng, của Bác Hồ. Khi tập trung ở Trường bổ túc Công Nông trung ương để học chính trị, đường lối chính sách dân tộc, dân vận của Ðảng, đã được vinh dự đón Bác Hồ kính yêu đến thăm. Ngày đó nhân dân Tây Bắc còn mù chữ tới 99%, nhiều dân tộc không có người biết chữ. Chính nhờ sự cống hiến hết lòng của thế hệ những thầy giáo, cô giáo năm 1959 ấy mà sự nghiệp giáo dục Sơn La hôm nay đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, góp phần to lớn vào việc phát triển mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh vùng cao Tây Bắc.

Năm học 2009 - 2010, quy mô giáo dục - đào tạo của Sơn La ngày càng phát triển. Giáo dục dân tộc, giáo dục vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm và đẩy mạnh. Số lượng học sinh, sinh viên tăng, đáp ứng nhu cầu học tập của toàn dân. Ðến nay toàn tỉnh đã có 762 cơ sở giáo dục, gồm 216 trường mầm non, 264 trường tiểu học, 220 trường trung học cơ sở, 21 trường trung học phổ thông, 12 trung tâm giáo dục thường xuyên, một trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp dạy nghề, hai trường cao đẳng, ba trường trung học chuyên nghiệp. Toàn tỉnh đã có 149/205 xã, phường có Trung tâm học tập cộng đồng và đang mở rộng các hình thức học tập và bồi dưỡng kiến thức cho người lao động. Số học sinh toàn tỉnh bao gồm: Mầm non, phổ thông, bổ túc, được huy động đến trường tới: 293.412 học sinh, chiếm một phần ba con số của tỉnh. Số học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của tỉnh đạt: 9.715 học sinh, sinh viên. Hệ thống mạng lưới trường lớp học đã cơ bản hoàn thiện ở các cấp học, ngành học: Các xã, phường, thị trấn đều có các cơ sở giáo dục mầm non; 100% số xã, phường có trường tiểu học và trung học cơ sở, thu hút trẻ trong độ tuổi đi học ngày càng cao. Các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục hoàn thiện và mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo. Giáo dục cho con em và nhân dân các dân tộc được đặc biệt quan tâm. Tại các xã vùng sâu, vùng xa đã phát triển các trường bán trú dân nuôi. Số trường phổ thông có học sinh bán trú tại các xã vùng 2 vùng 3 của tỉnh là 280 trường (chiếm 38,3% trên tổng số trường của tỉnh), với 22 nghìn 400 học sinh bán trú. Ðã có gần hai nghìn học sinh các dân tộc được cử tuyển vào các trường chuyên nghiệp, ba nghìn học sinh dân tộc thiểu số được học tại 11 trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh và huyện. Tỷ lệ học sinh dân tộc ở mầm non đạt 85%, tiểu học: 87,4%, trung học cơ sở: 84,3%, trung học phổ thông: 72,9%, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: 19,5%. Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học... Cơ sở vật chất giáo dục ngày càng nâng cao cả về số và chất. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn bậc mầm non đạt 96,8%, tiểu học đạt 99,1%, trung học cơ sở: 95,3%, trung học phổ thông: 97,8%. Ngành giáo dục - đào tạo Sơn La được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mộc Châu và Trường tiểu học thị trấn Hát Lót được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

Các thầy giáo, cô giáo không giấu nổi niềm vui và ngỡ ngàng trước một thành phố Sơn La trẻ trung, tràn đầy sức sống. Ðiện, đường, trường, trạm đã vươn tới những bản xa. Các thầy giáo, cô giáo xúc động ôn lại những tháng năm gian khó, lội suối trèo đèo cõng chữ lên non, chặt nứa, dựng trường, ăn đói mặc rách, mà vẫn hăm hở bám lớp, bám trường, biết bao hy sinh chịu đựng. Không ít lần những cơn sốt rét rừng hành hạ các thầy cô, rồi muỗi vắt, thú dữ, lũ rừng... của nơi rừng thiêng nước độc, vẫn không làm các thầy, cô sờn lòng.

Chứng kiến những tâm sự, những dòng hồi tưởng ấy, ai cũng hiểu rằng, chính các thế hệ học trò của các thầy giáo, cô giáo dạy dỗ năm xưa đã làm nên một Sơn La tươi đẹp hôm nay. Mồ hôi công sức và sự hy sinh vô bờ bến của các thầy giáo, cô giáo quả là không uổng. Còn nhà giáo Hoàng Ðạo Chúc, người đã dành bao tâm huyết, đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp giáo dục Sơn La từ ngày đầu cứ thốt lên trong nước mắt: "Mừng quá! Mừng quá! Không ngờ Sơn La hôm nay lại giàu đẹp đến thế"./.

Trần Vân Hạc

(Nguồn: ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất