Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 6/12/2010 13:25'(GMT+7)

"Sẽ chấm điểm chọn trường Đại học phải di dời"

Cần một “nhạc trưởng”

Về lý do cấp thiết cần di dời các trường ĐH ra ngoại thành, ông Nguyễn Bá Cần cho biết Chúng ta cần xác định một quan điểm rõ ràng rằng, chúng ta di chuyển các trường ĐH ra ngoại thành là tìm giải pháp cho phát triển giáo dục ĐH. Vì nhu cầu phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo. Hướng tới xây dựng các khu đô thị ĐH như các nước trên thế giới.

Thực tế hiện nay mật độ sinh viên quá lớn, nên gây sức ép lên cơ sở vật chất của các trường hiện có.

Chẳng hạn, hiện nay Hà Nội có gần 1 triệu sinh viên, với diện tích bình quân khoảng 13m2/1 sinh viên, trong khi quy chuẩn tối thiểu phải được 21m2/1 sinh viên. Vì vậy, dẫn đến quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Bộ GD&ĐT được Chính phủ giao chủ trì việc lập các tiêu chí lựa chọn trường phải di dời, xin ông cho biết tiến độ thực hiện đã tới đâu?

Việc di dời các trường ĐH một Bộ không thể làm được, mà phải có sự tham gia của nhiều Bộ ngành, như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, các Bộ chủ quản của các trường như Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… đến các địa phương nơi có trường ĐH, các địa phương nơi các trường sẽ chuyển tới trong tương lai, và chính các trường ĐH.

Đặc biệt, cần một “nhạc trưởng”, là một Bộ hoặc một Ban quản lý đứng ra chủ trì toàn bộ mọi công việc có liên quan, quá trình thực hiện…

Sau khi tổ chức họp bàn lấy ý kiến các trường ở nội thành hai thành phố trên (họp ở Hà Nội ngày 29/11, và ở TP.HCM ngày 30/11 - PV), Bộ GD&ĐT đang tiến hành tổng hợp ý kiến các trường để xem xét, đi đến thành lập một bộ tiêu chí di dời. Qua tiêu chí đó lựa chọn trường nào sẽ giữ lại, trường nào phải di dời một phần, và trường phải di dời toàn bộ.
 
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những tiêu chí dự kiến?

Quan điểm của chúng tôi là những trường mới thành lập, trường không có đất nên di chuyển ra ngoài để xây dựng mới.

Những trường có ngành nghề đặc thù, có tính ổn định, ít sinh viên, không có nhu cầu phát triển thêm… như các trường thiên về đào tạo nghệ thuật, một năm tuyển chỉ vài trăm sinh viên, có nguyện vọng ở lại sẽ giữ nguyên.

Những trường phát triển vừa phải, cơ ngơi tương đối đáp ứng được nhu cầu đào tạo, có lịch sử phát triển lâu đời, gắn với lịch sử thành phố… thì chọn di dời một phần.

Tóm lại là những tiêu chí này dựa trên 3 cơ sở chính là: Đất đai, ngành nghề đào tạo, lịch sử phát triển. Từng tiêu chí được lượng hóa bằng cách cho điểm từ thấp đến cao theo thang điểm 100.

Cho điểm theo nguyên tắc là các điều kiện tốt, đầy đủ, ổn định sẽ nhận ít điểm, các điều kiện nào còn thiếu hoặc chưa tốt, chưa đầy đủ, còn phải phát triển thêm sẽ phải nhận điểm cao hơn... Như vậy, trường nào có tổng điểm càng cao thì sẽ có nhiều khả năng phải di dời, những trường điểm thấp nhất sẽ ở lại…

Đến từng trường để kiểm tra, thảo luận trực tiếp

Vậy làm sao để đảm bảo các tiêu chí đưa ra, các thang điểm sẽ công bằng giữa các trường, thưa ông?

Dự kiến sáng nay (6/12), Chính phủ sẽ tổ chức họp trực tuyến giữa Chính phủ với các Bộ ngành có liên quan, lãnh đạo TP Hà Nội và TP.HCM, cùng đại diện các trường ĐH, để thảo luận những vấn đề có liên quan đến kế hoạch di dời các trường ĐH ra ngoài trung tâm hai thành phố trên.

Sau khi tổng hợp xong ý kiến các trường, chúng tôi sẽ tổ chức họp bàn với các Bộ có liên quan, như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ… để lập bảng tiêu chí.

Sau đó sẽ tiếp tục lấy ý kiến các trường về bộ tiêu chí đó, và sẽ tiếp tục có điều chỉnh, bổ sung. Khâu này rất quan trọng, vì chính lãnh đạo các trường đều là những nhà khoa học giỏi, ý kiến đóng góp sẽ khoa học hơn. Đồng thời, đảm bảo tất cả các trường có liên quan đều được nêu ý kiến. Sau khi tất cả cùng thống nhất, lúc đấy mới đưa vào thực hiện.

Để đảm bảo kết quả thật sự công bằng, sau khi có kết quả chấm điểm chúng tôi sẽ tổ chức đoàn kiểm tra, đến từng trường để kiểm tra, thảo luận trực tiếp.

Mấy năm gần đây, nhiều trường nằm trong phạm vi 4 quận nội thành Hà Nội đã tự đi liên hệ “xin đất” ở các địa phương để mở rộng, di dời dần. Nhưng tất cả đều “vướng” phải vấn đề tài chính và thủ tục, nên đến nay vẫn chưa trường nào chuyển được. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ làm gì để giúp các trường giải quyết những vướng mắc này, thưa ông?

Bộ cũng đang đề xuất 3 hướng cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường để trình Chính phủ.

Thứ nhất, là thành lập quỹ hỗ trợ di dời từ ngân sách Nhà nước, để các trường có thể ứng vốn đền bù giải phóng mặt bằng, kinh phí xây trường mới, sau khi chuyển xong, các trường sẽ thanh lý toàn bộ, hoặc một phần cơ sở cũ để lấy tiền trả.

Thứ hai, các trường áp dụng theo hình thức xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở mới, liên kết với các tập đoàn kinh tế theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), đổi đất lấy hạ tầng… Trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

Thứ ba, đề nghị Hà Nội và TP.HCM lập quỹ riêng cho các trường vay với lãi suất ưu đãi, khi các trường di chuyển xong sẽ hoàn trả gốc (TP.HCM đang đề xuất lập quỹ này với khoảng 300 tỷ/1 trường).

Về quy hoạch xây dựng các trường ở khu vực mới, Bộ có đề xuất gì đề đảm bảo hài hòa, tiết kiệm?

Quan điểm của chúng tôi là các trường có cùng ngành nghề đào tạo, bổ trợ nhau sẽ tập trung vào một khu, như cùng đào tạo về kinh tế, hoặc cùng xã hội…

Theo mô hình chia sẻ tài nguyên, không có sự ngăn cách giữa các trường. Trong cùng một khu xây dựng các KTX chung, nhà ăn chung, hội trường chung, thư viện chung… Như vậy sẽ đảm bảo sự hài hòa, chia sẻ tài nguyên giữa các trường, tiết kiệm đầu tư…

Xin cảm ơn ông!

Theo Bee.net

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất