Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 25/11/2011 20:27'(GMT+7)

Hát Xoan: Ngân vang loại hình nghệ thuật độc đáo

Hát Xoan tứ dân và cách hát múa Bỏ bộ miêu tả cảnh nông nghiệp, buôn bán... (Ảnh: TTXVN)

Hát Xoan tứ dân và cách hát múa Bỏ bộ miêu tả cảnh nông nghiệp, buôn bán... (Ảnh: TTXVN)

Quan trọng bây giờ là hành động để gìn giữ và phát huy giá trị quý báu của loại hình nghệ thuật độc đáo này cho muôn đời sau. Việc có thể khẳng định ngay là Xoan chỉ trường tồn, được lưu giữ và phát huy bản sắc khi được ngân vang.

Để Xoan trường tồn với thời gian

Để phát huy giá trị quý báu của hát Xoan, ông Phạm Bá Khiêm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết sở đã có một chương trình hành động để bảo tồn và phát huy các giá trị của hát Xoan gồm công tác điền dã và bổ sung tư liệu.

Những điệu Xoan cổ hiện chỉ còn được lưu giữ ở bốn phường Xoan gốc là thôn An Thái, xã Phượng Lâu và thôn Thét, thôn Phù Ðức, thôn Kim Ðái, xã Kim Ðức, thành phố Việt Trì.

Qua khảo sát cho thấy, tỉnh Phú Thọ có 120 người hát và biết hát Xoan, trong đó có 69 nghệ nhân, 31 người có độ tuổi từ 80-104 và chỉ có tám người có khả năng truyền dạy. Sở cũng đã sản xuất 2 chương trình đĩa CD và VCD giới thiệu hát Xoan Phú Thọ; sưu tầm, xuất bản 1 bộ tư liệu về hát Xoan Phú Thọ; đã phối hợp với các cơ quan tuyên truyền để quảng bá hát Xoan và sẽ truyền dạy hát Xoan trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới. Một thực tế để Xoan không bị mất là phải đưa hát Xoan vào trường học ngay từ lúc này...

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương thì để lưu giữ và phát huy giá trị của hát Xoan, cần thiết phải bảo tồn những tư liệu đã có, tiến tới lễ hội hóa hát Xoan và phổ cập hát Xoan.

Cần khuyến khích và duy trì các phường Xoan gốc, nhất là tục hát giữ cửa đình. Tổ chức cho các nghệ nhân truyền dạy cho thanh thiếu niên địa phương, đồng thời tạo điều kiện để các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh, anh chị em nghệ sỹ xây dựng các tác phẩm, chương trình dựa trên chất liệu, đề tài của hát Xoan và tăng cường tuyên truyền, quảng bá về di sản hát Xoan Phú Thọ.

Ông Nguyễn Khắc Xương - người đã nhiều năm nghiên cứu về hát Xoan nhớ lại: “Thời tóc còn đen, chân còn khoẻ, với chiếc xe đạp tòng tọc, tôi đi tìm Xoan. Đến những làng đồi, đến từng miếu nhỏ, đình to, về với làng Xoan gốc và được gặp các cụ Trùm, các cụ nghệ nhân, những đào và kép trẻ trung một thời họp thành phường, lếch thếch trên những nẻo đường đất Tổ, tiếng hát trên môi và hồn câu hát ấp ủ trong lòng. Giờ đây các cụ không còn, một thế hệ đã qua đi… Các cụ đã sống cực khổ trên mảnh đất này, đắp chăn sui, bữa ăn sắn nhiều hơn cơm, vậy mà chính các cụ đã là người bảo tồn được vốn quý của dân tộc, tài sản quý giá của đất Tổ, là bản sắc văn hóa của cả dân tộc.”

Trong căn nhà khanh trang, sạch sẽ, bà Nguyễn Thị Lịch, Trùm phường Xoan An Thái, thành phố Việt Trì sôi nổi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về Xoan, phường Xoan. Là một nghệ nhân hát Xoan, bà Lịch là người có nhiều công lao trong quảng bá hát Xoan.

Từ truyền dạy ở các lớp học hát, đi hội diễn, biểu diễn trong các dịp lễ hội đến việc tự mở lớp Xoan tại nhà và viết lời mới trong các kỳ hội diễn. Trong bà luôn ngầm chảy một tình yêu Xoan đằm thắm, dù câu Xoan có lúc thăng lúc trầm.

Bà Lịch cho biết, những năm trước bà đã lập ra một lớp đào tạo hát Xoan nhằm duy trì loại hình nghệ thuật truyền thống này. Lớp học thành lập được gần chục năm nên đã có hàng trăm cháu biết hát, biết phách... "Tôi chỉ hy vọng những đứa trẻ này sẽ là mầm non xanh lớn lên cùng với câu Xoan để Xoan có thể trường tồn với thời gian" bà Lịch chia sẻ.

Hát Xoan đã vào trường học

Có thể nói đây như một thách thức đầu tiên khi lưu giữ và phát huy giá trị của hát Xoan. Bởi nhớ được lời Xoan cổ đã khó, hát và biểu diễn thuần thục Xoan còn khó gấp nhiều lần, nhất là với học sinh. Xoan cổ khó từ lời hát, ngữ điệu đến nghĩa.

Ngay như bà Lịch nhiều khi còn lúng túng với những làn điệu thuộc về căn cốt của Xoan, nhất là chú giải nghĩa lời hát. Chưa hình dung được căn cốt của Xoan sẽ truyền dạy trong học sinh như thế nào, nhưng khi việc đi học hát Xoan được triển khai, hàng trăm giáo viên đã được cử đi học do các nghệ nhân nổi tiếng như ông Lê Xuân Ngũ, bà Nguyễn Thị Lịch… truyền dạy.

Cô giáo Nguyễn Minh Thịnh - Phó hiệu trưởng Trường trung học Thọ Sơn, Việt Trì cho biết: "Việc đưa hát Xoan vào trường học nhằm giúp các em hiểu được giá trị của hát Xoan và trách nhiệm giữ gìn di sản này. Từ đó giáo dục các em thêm yêu quý, giữ gìn di sản của cha ông để lại... Thực tế, lời của hát Xoan rất khó, nhưng qua những buổi học, chúng tôi nhận thấy các em rất thích thú, lắng nghe. Nhiều em tỏ ra có năng khiếu hát Xoan khi bắt nhịp, lấy hơi và hát đúng những điệu Xoan cổ."

Cô Thịnh cho biết thêm: "Sáng 24/11, cả trường nghe được tin UNESCO đã bỏ phiếu công nhận đưa loại hình hát xoan vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới, cả thầy và trò chúng tôi vui lắm."

Mất hàng tuần để nghe, hát, hiểu nghĩa… các giáo viên âm nhạc mới hiểu được, hát được một vài làn điệu cổ cùng một số bài Xoan cải biên. Cuối cùng, Xoan đã được đem về dạy ở các trường với một mục tiêu giản dị: Để học sinh hiểu được giá trị, ý nghĩa cũng như nguồn gốc của hát Xoan trên đất Tổ và để có thể hát được những làn điệu Xoan phổ thông...

Em Nguyễn Thanh Huyền, học sinh lớp 4 bộc bạch: "Chúng cháu mới được học một số bài thôi, nhưng các bạn trong lớp thích lắm. Có bạn khoe đã về hát cho ông bà, bố mẹ nghe rồi"!

Truyền thuyết kể rằng: “Vợ vua Hùng Vương mang thai đã lâu, tới ngày sinh nở, đau bụng mãi mà không sinh được. Có một người hầu gái bèn nói với vợ vua về nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi, hát hay… nên đón nàng về múa hát có thể làm đỡ đau và sinh nở được. Vợ vua bèn cho mời nàng Quế Hoa đến. Giọng hát trong vắt như chim hót, suối chảy; đôi tay uốn, chân đưa mềm mại như tơ, làm cho vợ vua quên cả đau đớn và sinh nở được… Vua Hùng hết sức mừng rỡ, khen ngợi nàng Quế Hoa và những lời hát thần kỳ, mới truyền cho các con gái học lấy những lời hát, điệu múa quyến rũ ấy…”. Và những điệu Xoan mê đắm cứ thế được truyền khẩu qua các đời, trở thành một di sản phi vật thể đẹp trong lòng người dân đất Tổ…/.

(Tạ Văn Toàn/TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất