Tôi nhớ có lần khi bàn đến chuyện làm phim lịch sử, đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh có nói vui nhưng nghiêm túc rằng, trước khi muốn làm phim lịch sử thì hãy nuôi một đàn ngựa ra ngựa, hàm ý nói rằng phải có sự chuẩn bị những điều kiện.
Đúng là trước đó xem nhiều bộ phim thấy quân tướng ta toàn cưỡi ngựa thồ vừa còi vừa nhỏ... Lại nghe đâu mới đây, anh bạn doanh nghiệp có trang trại ở M’ Drak nuôi toàn ngựa xịn nhập từ Trung Đông hay Châu Úc, nên đã có người mượn để quay phim...
Khoan bàn cãi xem ở nước ta, có cảnh phi ngựa nhập ngoại múa đao tung hoành nơi trận tiền hay không, nhưng đạo diễn Đặng Nhật Minh đã cảnh báo trước những khó khăn cho những ai dấn thân vào lĩnh vực đang được xã hội quan tâm này cần có cái nhìn xa trông rộng. Và mối quan tâm làm phim thể tài lịch sử càng lớn khi chúng ta chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Vài năm trước, thành phố Hà Nội sẵn lòng đầu tư để các hãng phim, trước hết là các hãng quốc doanh làm phim kỷ niệm. Đã phát động, đăng ký, tuyển chọn rồi triển khai mà cuối cùng vẫn không thành vì chưa giải được bài toán ai làm và hết bao nhiêu tiền là vừa... Cuối cùng thì nhiều hãng làm phim tư nhân vào cuộc vừa để thoả lòng được đóng góp Đại lễ vừa để thử sức mình và hy vọng mở ra một lĩnh vực sản xuất mà ai cũng biết là không ít tiềm năng từ sự phong phú các thể tài khai thác từ bề dày lịch sử dân tộc nói chung, liên quan đến Thăng Long - Hà Nội nói riêng.
Không thể không coi những nhà đầu tư mang tính mạo hiểm này là dũng cảm và có bầu máu nóng muốn cống hiến cho xã hội, dám ganh đua với thiên hạ và nhiều kỳ vọng mở ra một trường kinh doanh hứa hẹn. Cuối cùng thì cũng đã có vài hãng vào cuộc, huy động được nhiều nghệ sĩ tài danh nhưng chắc chắn là chưa nhiều trải nghiệm thành công trên thể loại mới mẻ này.
Thế nhưng, phim chưa ra rạp, mới trong phòng kín của các nhà kiểm duyệt thì dư luận đã ồn ào mà chủ yếu là phê phán nhiều hơn khích lệ khiến cho những nhà đầu tư e sợ, những người làm phim e ngại còn dư luận người chưa xem cũng e dè. Mà đọc kỹ những dư luận trên một vài bài báo và râm ran trên mạng thấy những phê phán chẳng mấy cơ sở để thuyết phục.
Vì sao mà Lý Công Uẩn lại mặc triều phục như hệt vua phương Bắc? Cái thắc mắc này đã từng được nêu lên khi tượng đài đức Lý Thái Tổ dựng bên bờ hồ Hoàn Kiếm cách nay đã 5 năm. Nếu coi đó là biểu hiện không đề cao tinh thần dân tộc thì hãy đặt câu hỏi cho chính người đặt ra câu hỏi rằng họ mặc gì, đông đảo người dân và các quan chức cao cấp nhất lúc ấy ăn mặc ra sao?
Tôi nhớ tới việc cách đây đã 10 năm, trước khi bước vào thế kỷ mới (XXI) cũng là chuẩn bị cho lần đầu tổ chức Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2000, Bộ Văn hoá - Thông tin mất nhiều năm tổ chức rất quy mô việc thiết kế một bộ quốc phục để sử dụng trong những lễ tiết nhà nước. Các nhà thiết kế cùng các giới văn hoá, tạo hình... cất công cuối cùng cùng ra được một bộ quốc phục. Nhưng rồi vị lãnh đạo cao cấp theo kế hoạch sẽ mặc bộ cánh quốc phục này để hành lễ đã lắc đầu từ chối... Thế là... đâu lại vào đấy cho tới nay.
Như vậy nếu Lý Công Uẩn có mặc “Bắc phục” thì cũng đừng vì thế mà phiền lòng nghĩ rằng cụ ít lòng với văn hoá dân tộc. Vả lại nếu có “nối quốc thống” thì cũng chẳng ai biết rằng An Dương Vương ăn mặc ra sao, và nếu nối tiếp nữa thì không lẽ đến đời Cụ Lý Công Uẩn còn đeo lông chim, đóng khố... như hình vẽ trên trống đồng để thiết triều...(?). Tinh ý còn thấy các nhà làm phim của ta cũng cố tạo ra những nét riêng trong các chi tiết như những hình trang trí hay màu sắc trên các bộ triều phục vốn của người phương Bắc...
Vả lại cũng cần nói rằng, nước ta nằm cạnh Trung Hoa, một thế lực có sức bành trướng lớn, lại có nền văn minh lớn cùng chính sách đồng hoá khắc nghiệt, nên để biểu hiện tinh thần tự chủ, tổ tiên ta có hai cách hành xử. Một là, ta khác họ, họ răng trắng (bạch xỉ) thì ta nhuộm răng đen. Nhưng cũng có một cách ứng xử khác là họ có gì ta cũng có nấy. Họ có hoàng đế thì ta cũng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Hoàng đế của họ đội mũ bình thiên thì vua ta, đế ta cũng đội mũ bình thiên.
Ta cứ thử hình dung, kể từ khi Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938) đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi (1009), tính ra nước ta mới thoát khỏi ách đô hộ, là quận huyện của phương Bắc mới có 71 năm. Vậy mà một người đứng đầu cái quận huyện xưa của Trung Hoa, đến khi lên ngôi rồi mà Hoàng đế phương Bắc vẫn chỉ phong cho người đứng đầu Đại Cồ Việt la “Giao Chỉ Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ” (tức là vẫn dùng địa danh và chức tước của người đứng đầu quận huyện xưa), mà đức Lý Thái Tổ vẫn khoác trên mình phẩm phục giống như Thiên tử phương Bắc, thì âu cũng là một cách ứng xử không phải là không có lòng tự chủ!
Và nếu ta có về đất cố đô Hoa Lư vào thăm đền thờ Đinh Tiên Hoàng hay Lê Đại Hành vẫn thấy dân ta tạc tượng các ngài đội mũ bình thiên, tựa như tượng đức Lê Thái Tổ dựng bên hồ Gươm, tuy nhỏ nhưng đứng trên cột cao cũng đội mũ bình thiên chỉ kiếm xuống hồ, mới thấy một lối ứng xử của dân ta khi phải tương quan với các nước lớn...
Có lần sang Hàn Quốc, gặp các đồng nghiệp hỏi rằng các bạn có vai trò gì trong những bộ phim lịch sử rất hấp dẫn của các bạn? Đương nhiên, Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm hơn ta, họ tích luỹ được nhiều di sản vật thể và phi vật thể, đầu tư nghiên cứu cũng như có một công nghệ dịch vụ rất phong phú và chuyên nghiệp giúp cho những nhà làm phi lịch sử dễ dàng thuê mướn và tiếp tục sáng tạo theo yêu cầu bộ phim của mình.
Tuy nhiên các đồng nghiệp Hàn Quốc cũng lưu ý rằng, vai trò quan trọng nhất vẫn thuộc về các nhà làm phim trong đó có những chuyên gia chuyên xử lý các vấn đề lịch sử (chứ không phải là các nhà sử học). Và họ đưa ra một nguyên lý rất cơ bản là những bộ phim lịch sử là phải “làm đẹp Tổ tiên” cùng vì một lẽ đơn giản họ quan niệm lịch sử còn là ngụ ngôn để chuyển tải những giá trị hợp với lợi ích của dân tộc.
Lại thấy dư luận e ngại về việc ta phải sang Trung Quốc làm phim. Riêng tôi còn có một trải nghiệm khá cay đắng đã từng được một hội bạn ở trong nước mời làm cố vấn cho một bộ phim trong giai đoạn vận động nhà nước cấp ngân sách. Đến khi ngân sách có rồi thì hãng phim của hội đó liên doanh với một hãng phim của Trung Quốc, chẳng những mời đạo diễn mà mời luôn đối tác nước ngoài làm cố vấn lịch sử. Y như rằng, họ gài vào phim những chi tiết chẳng hề có trong lịch sử để đề cao công của họ đối với việc cứu lãnh tụ của ta... Nhưng vì có lợi cho một nhóm lợi ích nào đó, nên mọi sự đều bị lờ đi... Đúng là khi làm phim về thể tài lịch sử với đối tác nước ngoài, người làm phim cũng phải đề cao tinh thần tự chủ như những câu chuyện lịch sử mà ta chuyển tải trong phim.
Nhưng đã nói đi thì phải nói lại. Làm gì ta cũng phải có thầy. Trong việc làm phim lịch sử thì Trung Quốc là một bậc thầy, ta nên học, họ cũng lại là nơi có hệ thống dịch vụ rất chuyên nghiệp, nếu biết cách sẽ là một đội ngũ giúp việc rất lành nghề. Không phải là hợp tác chung vốn làm phim, thì các hãng phim Việt Nam biết cách vẫn có thể coi nền điện ảnh láng giềng hoành tráng này là một môi trường vừa học thầy vừa khiến thợ. Tại sao lại e ngại. Vấn đề là bản lĩnh của người làm phim Việt Nam, chứ không phải là làm trong nước hay ngoài nước.
Vấn đề còn lại chính là vai trò Nhà nước ở đâu, ngoài việc kiểm duyệt để cấp phép từ khâu làm phim đến phát hành phim. Đặc điểm của phim thể tài lịch sử luôn đề cập tới những vấn đề vừa quan hệ đến những mục tiêu giáo dục, quảng bá của Nhà nước lại dễ nhạy cảm, đụng chạm. Vậy thì Nhà nước phải quan tâm hỗ trợ từ kinh phí đến việc xây dựng những công trình hạ tầng kỹ thuật như trường quay hay đào tạo những nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu làm thể loại phim ảnh này.
Dẫu sao, đã có những người dũng cảm bất chấp mọi khó khăn nhập cuộc như những người góp phần mở đường. Chúng ta hãy rộng lòng đón nhận và cùng chia sẻ những thành công cũng như va vấp của những thành quả đầu tiên trong những ngày vui Đại lễ này. Giống như phải nuôi một đàn ngựa trước khi làm một trường đoạn cưỡi ngựa trong phim, mong sao mọi người hãy nuôi cái chí làm phim cho những người đã dám làm phim lịch sử ở nước ta vào thời điểm này...
Dương Trung Quốc
(Theo Lao Động điện tử)