Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 3/9/2010 21:58'(GMT+7)

Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu

Bà con xem hội

Bà con xem hội

Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm nay do Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu tổ chức, cùng với sự phối hợp, giúp đỡ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La. Nhiều nội dung phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Bắc nói chung, văn hóa các dân tộc Sơn La và huyện Mộc Châu nói riêng đã được tổ chức sôi nổi, hòa trong không khí cả nước vui mừng chào đón Tết Độc lập lần thứ 65.

Trước ngày khai hội, kế hoạch bài bản, chu đáo và công tác chuẩn bị đã được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Mộc Châu triển khai đến các tiểu ban và các xã bộ phận. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được coi trọng. Ban tổ chức đã tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm cho hơn 200 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn 2 thị trấn và 2 xã Đông Sang, Mường Sang. Tại các điểm diễn ra ngày hội cũng huy động tổng vệ sinh môi trường, xây dựng các nhà vệ sinh dã chiến. Các bệnh viện, trạm y tế trong khu vực cũng được phân công thành lập các tổ y tế trực tại những điểm diễn ra ngày hội.

 Các điểm tham quan du lịch như Hang Dơi, di tích Đồn Mộc Lỵ, Văn bia Tây Tiến, Khu du tích lịch sử - văn hóa nơi Bác Hồ nói chuyện với đồng bào Mộc Châu tại thị trấn Nông Trường, thác Dải Yếm, rừng thông bản Áng... đã được chuẩn bị sẵn sàng đón khách. 14 trại văn hóa, văn hóa cộng đồng, câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch…đã được giao về các bản chuẩn bị cho khách tham quan, mua sắm và thưởng thức ẩm thực. Các diễn viên, vận động viên đã luyện tập, dàn dựng các tiết mục công phu, phục vụ đêm hội… Đặc biệt với phương châm thu hút sự tham gia của đông đảo bà con tại các bản, các trường học, người dân là người trực tiếp tham gia và thưởng thức lễ hội của mình.
 
Ông Nguyễn Đức Nguyên, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện, Phó Ban tổ chức Ngày hội cho biết: “Chúng tôi huy động lực lượng văn nghệ ở các bản, trường học. Hội thi giọng hát hay đã tổ chức sơ tuyển vòng 1 thu hút 57 thí sinh tham dự, đã chọn 13 thí sinh dự thi đêm chung kết. Nội dung, thể lệ các trò chơi dân gian, các môn thể thao được triển khai đến 100% các xã, các trại văn hóa, ẩm thực đã dựng xong. Đến thời điểm này, việc chuẩn bị đã hoàn tất. Chúng tôi đã sẵn sàng khai hội”.

Những khâu chuẩn bị cuối cùng cho Ngày hội lớn trong năm đã được hoàn tất. Bà Giàng Khánh Ly, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: “Năm nay, tỉnh giao cho huyện tổ chức. Ngày hội văn hóa chính thức bắt đầu từ 30-8 và kết thúc vào ngày 2-9 với nhiều hoạt động được diễn ra tại trung tâm huyện và các vùng phụ cận. Những năm trước, hoạt động đón Tết Độc lập còn mang tính tự phát của người H’ Mông. Nhưng những năm gần đây, tỉnh và huyện Mộc Châu đã đưa vào thành chương trình lễ hội. Bà con các dân tộc rất phấn khởi đón đợi ngày vui này. Năm nay, tiết trời thu mát mẻ, khô ráo, nên hàng ngàn du khách thập phương đã nô nức kéo về sớm hơn mọi năm. Các khách sạn, nhà nghỉ đã được đặt kín chỗ…”.

Tại các điểm ở Trung tâm huyện, không khí ngày hội đã rộn ràng. Cờ dây, băng rôn vượt đường, quốc kỳ đã được treo trên nóc các nhà mặt phố, các điểm diễn ra Ngày hội. Hội chợ Thương mại Mộc Châu năm 2010 khai trương đã trở thành điểm nhấn, mở đầu cho Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu năm 2010 đi vào hoạt động. Tối 30-8, tại Nhà Văn hóa huyện đã diễn ra Chung kết giọng hát hay huyện Mộc Châu với sự tham gia của 13 thí sinh xuất sắc nhất đại diện cho các dân tộc đến từ các xã trong toàn huyện. Các thí sinh đã trình diễn các tiết mục độc đáo của dân tộc mình và đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.

Ngày 31-8, cùng với các hoạt động trưng bày, triển lãm “Mộc Châu miền đất con người” tại Nhà Văn hóa huyện, trại văn hóa, văn hóa cộng đồng, văn hóa ẩm thực, các hoạt động thi đấu đẩy gậy, bắn nỏ, trò chơi dân gian (giã bánh dày, tung còn, ném pa pao, đi cà kheo, kéo co, đánh tu lu, rồng ấp trứng…), thi nấu ăn, trưng bầy sản vật…diễn ra sôi nổi; Chương trình nghệ thuật “Sơn La ngày mới” của Đoàn Ca múa nhạc dân tộc tỉnh đã thu hút hàng vạn người đến thưởng thức, cổ vũ.

Những hoạt động trọng tâm diễn ra vào đêm 01/9/2010, gồm: Đêm hội “Mộc Châu miền đất yêu thương” nhằm giới thiệu truyền thống văn hóa các dân tộc, đoàn kết chung lòng xây dựng quê hương Mộc Châu; Người đẹp trình diễn trang phục các dân tộc Mộc Châu. Chương trình bắn pháo hoa vào thời điểm “giao thừa” được bà con đón đợi. Nằm trong chuỗi hoạt động của Ngày hội là “Hội thảo về đầu tư và phát triển khu du lịch quốc gia Mộc Châu” kêu gọi các nhà đầu tư đến với thảo nguyên xanh đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Sơn La năm 2007-2015 và tầm nhìn đến 2020. Hệ thống tổ chức không gian được bố trí: Trung tâm du lịch sinh thái, Trung tâm vui chơi giải trí cao cấp, Trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp và các phân khu du lịch (rừng thông bản Áng, thác Dải Yếm, Trung tâm Thương mại cửa khẩu Lóng Sập, Khu du lịch văn hóa Ngũ Động Bản Ôn, Khu du lịch cộng đồng Trường Yên, Khu du lịch sinh thái rừng Pá Cốp, rừng Xuân Nha).

Tại các điểm vệ tinh là một loạt các hoạt động phụ trợ: Giao lưu văn nghệ, thể thao tại Cửa khẩu Việt- Lào Lóng Sập (xã Lóng sập, cách trung tâm huyện 30km) vào ngày 2/9/2010; thăm di tích lịch sử nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và công nhân Nông trường Mộc Châu, tham quan: Tiểu khu Xưởng Sữa; Giải bóng chuyền truyền thống tại Thị trấn Nông trường Mộc Châu (từ ngày 15-8 và Chung kết vào ngày 2-9); tham quan di tích lịch sử, văn hóa (Hang Dơi, thác Dải Yếm, Đồn Mộc Lỵ, Văn bia Tây Tiến); tham quan thắng cảnh rừng thông; trình diễn lễ hội Xòe Chá tại Khu du lịch rừng thông bản Áng, Đêm xòe bản Áng, giao lưu văn nghệ với xã Chiềng Yên, huyện Mai Châu (Hòa Bình); thưởng thức văn hóa ẩm thực (ăn mèn mén, uống rượu ngô, đặc sản thắng cố…Huyện tạo điều kiện cho một số tỉnh bạn sang giao lưu, làm dịch vụ: bán hàng thổ cẩm, thắng cố ngựa…

Nhưng có lẽ làm nên đặc sắc của ngày Tết Độc lập ở Mộc Châu phải kể đến sự gặp gỡ của muôn sắc màu trong những bộ sắc phục của đồng bào các dân tộc ít người trong ngày hội. Đó là thời điểm duy nhất trong năm cao nguyên Mộc Châu trở thành điểm hẹn của trai gái người H’ Mông, không chỉ các xã của huyện Mộc Châu, các huyện Sông Mã, Phù Yên, Yên Châu…của tỉnh Sơn La mà Ngày hội này còn đón người H’ Mông từ Thanh Hóa, Nghệ An ra; người H’ Mông từ Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang xuống; người H’ Mông trong Thanh Hoá, Nghệ An ra; từ Lào sang…Đồng bào H’ Mông quanh năm vất vả, làm lụng, nhưng họ chờ đợi ngày Tết Độc lập để xuống Mộc Châu, hòa vào dòng người đông đúc của các dân tộc trong chợ tình. Đây là một nét văn hóa đặc trưng của người H’ Mông. Những chàng trai, cô gái trong trang phục thổ cẩm, váy xòe sắc màu rực rỡ, cùng tiếng khèn, tiếng đàn môi dìu dặt gọi bạn tình, cùng các trò chơi dân gian (chơi cù, ném pao, múa khèn, chọi chim họa mi...) và những điệu nhảy đã làm nên bản sắc độc đáo còn mang vẻ nguyên sơ. Có thể chợ tình ở Sa Pa (Lào Cai) đã có sự “diễn”, có phần bị thương mại hóa; chợ tình Khau Vai (Hà Giang) đã quá quen thuộc và ít nhiều đã có chút biến dạng, nên người H’ Mông đã tập trung về Mộc Châu để làm ra một chợ tình thực thụ của mình. Không nổi tiếng và ồn ào, nên chợ tình Mộc Châu xem ra còn khá nguyên sơ dáng vẻ ban đầu và giữ được cái chất của một chợ tình. Chợ tình vừa là nơi hò hẹn, gặp gỡ; là nơi chứng kiến rất nhiều chuyện tình ly kỳ, cảm động. Trai gái gặp nhau ở chợ tình trao cho nhau những tín vật, rồi hẹn nếu vẫn còn nhớ nhau, sẽ mang kỷ vật tìm nhau vào phiên chợ sang năm. Cuộc giao lưu diễn ra trong suốt mấy ngày hội, nhưng cao điểm là đêm 1/9 và rạng sáng ngày 2/9 bà con lại trở về bản của mình tổ chức Tết Độc lập.

Bà Nguyễn Thị Yên, Nhà giáo ưu tú, Trưởng ban Tuyên giáo huyện cho biết “Tôi ở Mộc Châu từ bé, nên đã chứng kiến Tết Độc lập của bà con dân tộc H’ Mông có từ rất lâu, có lẽ chỉ sau năm 1945, khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Bà con H’ Mông ơn Đảng đã đón Ngày Tết Độc lập như ngày tết của dân tộc mình. Sau này, bà con các dân tộc khác ở Mộc Châu và các huyện khác cũng chung vui với đồng bào H’ Mông đón Tết này. Tuy nhiên, trước đó các hoạt động chỉ mang tính chất tự phát tại các bản. Chỉ từ năm 2006 đến nay, được Nhà nước giúp đỡ, tổ chức có quy mô thì ngày Tết Độc lập đã trở thành ngày hội của 12 dân tộc anh em trên địa bàn huyện và nó có sức lan tỏa rất lớn tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân không của riêng Mộc Châu”.

Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu không chỉ góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa đặc trưng của các dân tộc, mà còn là dịp quảng bá cho tiềm năng phát triển ngành du lịch với mục tiêu đã được xác định “Mộc Châu sẽ trở thành một trung tâm du lịch lớn của tỉnh, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển du lịch của Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung”.

Ngày Tết Độc lập ở Mộc Châu là điểm khởi đầu cho tình yêu của nhiều lứa đôi. Sự gặp gỡ, ưng thuận ở đây vừa là tỏ tình, vừa là đính ước, hẹn nhau ngày Tết năm sau, tình yêu sẽ kết thành trái chín. Có thể nói chợ tình Mộc Châu đang dần tạo nên “thương hiệu riêng của cao nguyên xanh”, hiện được các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện để duy trì nét văn hóa độc đáo. Cùng với chợ tình là các hoạt động của ngày hội, như: Giới thiệu văn hoá dân tộc, hội chợ, biểu diễn ca nhạc, các trò chơi dân gian…để phát triển thành Ngày hội văn hoá nhằm thu hút khách du lịch.

Song có điều, với sự phát triển của du lịch, dịch vụ; sự sôi động, ồn ào của nhiều hoạt động văn hóa khác; cùng sự hiếu kỳ, tò mò và “can thiệp” nét văn hóa có phần hồn nhiên của người H’ Mông…có thể là nguy cơ khiến chợ tình Mộc Châu mất đi bản sắc nguyên sơ và sự mai một trong thời gian không xa là điều có thể nhìn thấy. Người dân ở Mộc Châu nhận xét “Ngày hội năm nay đông người, nhưng đồng bào dân tộc ít người dường như vắng hơn mấy năm trước và ít tiếng đàn môi, ít người thổi khèn dìu dặt gọi bạn tình”. Đây cũng chính là điều mà chính quyền địa phương, ngành văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc phải nghĩ đến trong việc bảo tồn nét văn hóa độc đáo này ở vùng đất cao nguyên xanh, bởi tương lai gần Mộc Châu đang được quy hoạch để trở thành Khu du lịch quốc gia.

  • Lê Thị Bích Hồng (Ban Tuyên giáo Trung ương)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất