Thứ Năm, 26/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 15/9/2010 11:40'(GMT+7)

Quảng Trị: Thêm một mùa gặt VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Quảng Trị (Ảnh minh hoạ).

Hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Quảng Trị (Ảnh minh hoạ).

Đây cũng sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình sáng tác của đội ngũ nhà báo, văn nghệ sỹ Quảng Trị; góp phần cống hiến đắc lực hơn nữa trong công cuộc xây dựng quê hương Quảng Trị phát triển bền vững trên con đường đổi mới và hội nhập.

Với mong muốn có nhiều hơn các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí có chất lượng tư tưởng, nghệ thuật cao có sức lay động và cảm hóa lòng người về Bác kính yêu, ngày 17/9 /2009, Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tỉnh Quảng Trị đã tiến hành tổng kết trao giải đợt 1 và phát động Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đợt 2. Ngay sau khi phát động, cuộc thi đã trở thành sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa, báo chí của tỉnh, được các cơ quan lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật, báo chí quan tâm; được các văn nghệ sĩ, nhà báo chuyên và không chuyên nhiệt tình hưởng ứng. Cuộc vận động sáng tác về Bác Hồ kính yêu đã đáp ứng tình cảm thiêng liêng, tha thiết đồng thời là niềm vinh dự lớn lao của đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo Quảng Trị.

Sau một năm phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 176 tác phẩm (tăng 50 tác phẩm so với đợt 1). Trong đó: Báo chí 80 tác phẩm, Văn học: 35 tác phẩm, Văn học dân gian: 34 (4 công trình văn học dân gian và 30 tác phẩm), Sân khấu: 6 tác phẩm, Âm nhạc: 3 tác phẩm, Nhiếp ảnh: 11 tác phẩm, Mỹ thuật: 7 tác phẩm. Ban Sơ khảo đã tiến hành tuyển chọn 53 tác phẩm vào vòng chung khảo. Ngày 27/7/2010, Hội đồng nghệ thuật Cuộc thi đã tiến hành xét chung khảo và đã lựa chọn 24 tác phẩm xuất sắc trao thưởng đợt 2.

Cuộc vận động đợt 2 tiếp tục thu hút anh chị em văn nghệ sĩ, báo chí trong tỉnh tham gia sáng tạo với các loại hình hết sức đa dạng, phong phú. Bên cạnh những loại hình quen thuộc, trong cuộc thi đợt 2 đã xuất hiện một số loại hình mới như: Kịch bản sân khấu, ảnh báo chí, tranh cổ động…Các tác phẩm đã tập trung nêu bật tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác Hồ; tình cảm của Bác với quê hương Quảng Trị; tình cảm, niềm kính yêu của Đảng bộ nhân dân Quảng Trị đối với Bác, phản ánh những tấm gương người tốt việc tốt, điển hình trong quá trình học tập và làm theo tấm gương của Người; tác động tích cực của cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đối với tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chân dung, hình tượng của Bác Hồ được thể hiện một cách sinh động, sâu sắc, giàu mỹ cảm, có sức rung động mạnh mẽ đối với công chúng. Trong lĩnh vực Văn học, các tác phẩm thơ, văn xuôi đã ghi lại cảm xúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tác giả tiếp cận những câu chuyện về Bác. Các tác giả đã chú ý khai thác những tư liệu và kỷ niệm để khơi nguồn cảm hứng, khắc họa chân dung, phong cách, tấm gương đạo đức của Người, truyền vào tác phẩm tình cảm kính yêu Lãnh tụ của mình. Các bài thơ viết về Bác được sáng tạo với phong cách đa dạng: triết lý và sâu sắc như “Hạt ánh sáng lên mầm” của Hoài Quang Phương; giàu cảm xúc, thanh thoát và dung dị như “Chùm bồ kết Bác trao” của Phạm Minh Quốc, “Lời nói Bác Hồ” của Hồ Chư… Thông qua thế mạnh của ký văn học với ngôn ngữ mượt mà đầy biểu cảm, dễ đi vào lòng người, các tác phẩm văn xuôi đã giúp đọc giả hiểu thêm về tấm lòng Người Quảng Trị đối với Bác, thể hiện tâm tư, tình cảm, suy nghĩ hành động phải làm sao cho xứng với Bác hơn. Tiêu biểu là “Người thắp lửa” của Trần Biên, “Bác ơi con nhớ Bác” của Lê Văn Thê…

Một trong những nét mới của Cuộc thi lần 2 là sự xuất hiện của 6 Kịch bản sân khấu với nội dung khá sâu sắc về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiêu biểu là Kịch bản “Ta Pa ơi đang ở đâu?” của Xuân Đức, “Di vật người Liệt sỹ” của Cao Hạnh; trong đó Kịch bản “Ta Pa ơi đang ở đâu” của Xuân Đức đã vinh dự được Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trao thưởng tại Lễ sơ kết Cuộc vận động sáng tác, quảng bá VHNT và báo chí về chủ đề Học tập và làm theo gương Bác Hồ kính yêu năm 2010.

Các tác phẩm Mỹ thuật tham gia cuộc thi đợt 2 là thành quả ngọt ngào gặt hái được qua một quá trình nỗ lực sáng tạo không ngừng của các hoạ sỹ Quảng Trị; kết quả tốt đẹp đó không chỉ biểu lộ qua ý tưởng, nội dung tác phẩm mà còn thể hiện ở cả hình thức, kỷ thuật và phong cách thể hiện. Tác phẩm “Dân ca nhớ Người" của Trịnh Hoàng Tân được thể hiện bằng chất liệu sơn mài truyền thống, có nội dung sâu sắc và phong cách thể hiện mới mẻ. Tác phẩm tạo hình theo phương pháp đồng hiện, ước lệ, mang tính hiện đại, độc đáo với hàm ý tượng trưng: Hướng về Bác cũng chính là hướng về cội nguồn dân tộc. Tác phẩm “Chúng cháu xin nhận Họ của Bác" của Hoạ sỹ Hồ Thanh Thoan thể hiện bằng chất liệu sơn dầu, phương pháp biểu hiện chân thực, dung dị, bố cục chặt chẽ. Tác giả đã dựa vào hiện thực để thiết lập tư duy sáng tạo thích hợp với hình tượng trung tâm là Bác Hồ, vây quanh là bà con Vân Kiều chân chất, hiền hoà - vẽ nên bức tranh cảm động về một gia đình Việt đầm ấm, thanh bình. Hai tranh cổ động “Kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin” của Nguyễn Thế Hà và “Việt Nam-Hồ Chí Minh” của Nguyễn Lương Giang là nét chấm phá mới thể hiện sự phong phú về loại hình của các tác phẩm mỹ thuật tham gia Cuộc thi. Lĩnh vực Nhiếp ảnh có tác phẩm nổi lên như “Bài học đầu tiên” của Khánh Toàn.

Hình tượng Bác Hồ còn là nguồn cảm hứng vô tận để các nhạc sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm mới có giá trị như các ca khúc: “Hội mùa có Bác” của Thanh Ngọc và Văn Sỹ, “Bác Hồ của em” của Thanh Liêm, “Nhớ mãi Bác Hồ” của Văn Lượng… Trong lĩnh vực Văn nghệ dân gian, Sỹ Cừ, Xuân Lực đã khơi nguồn chất dân ca Bình Trị Thiên để dựng lại chân dung vị Cha già kính yêu với những làn điệu ngọt ngào, sâu lắng, tình cảm nồng nàn, tha thiết; bức tranh sống động về những đổi thay của quê hương, tình đất, tình người Quảng Trị đối với Bác kính yêu đã thấm đượm trong từng câu thơ, lời nhạc (Tổ khúc dân ca Bác là vầng trăng, Mãi ghi sâu lời Bác dạy). Đặc biệt, lĩnh vực Văn nghệ dân gian còn đóng góp các công trình sưu tầm công phu về Bác như: “Người dân Quảng Trị học tập và làm theo đạo đức tư tưởng Bác Hồ” của Y Thi, “Bác Hồ trong lòng nhân dân Quảng Trị” của nhóm tác giả…

Các tác phẩm Báo chí đã tiếp tục phát hiện, biểu dương, tôn vinh những cá nhân, tập thể điển hình, những việc làm ích nước lợi dân của đồng chí, đồng bào trên mọi lĩnh vực; thể hiện được tính tích cực, tính tiên phong của báo chí trong việc phát huy và tôn vinh cái đẹp, tiếp bước con đường mà Bác Hồ và các nhà báo cách mạng vĩ đại đã vạch ra. Đó là những tấm gương bình dị mà cao quý như một người dân Vân Kiều tự nguyện hiến đất xây dựng trường học (Tấc vàng từ lòng dân của Hoàng Tiến Sỹ), một cựu chiến binh đến từng hộ gia đình quyên góp hủ gạo tình thương để ủng hộ người nghèo (Cựu chiến binh làm theo lời Bác của Thanh Ba- Minh Kha); một lương y như từ mẫu chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo (Bác sỹ Nguyễn Hữu Lan chữa bệnh giúp người của Trần Thị Thanh Vân)... Những tấm gương chung và riêng, lớn và nhỏ, xa và gần, không bó hẹp trong một phạm vi nào trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được thể hiện sinh động trên nhiều thể loại báo chí. Bên cạnh những bài báo ngắn gọn súc tích còn có cả những chương trình truyền hình trực tiếp hoành tráng đầy ý nghĩa như chương trình “Tình Bác sáng đời ta” của Kim Hồng và nhóm tác giả…

Cùng với hoạt động sáng tác, các cơ quan Báo chí, truyền thông của tỉnh đã xây dựng chương trình, nội dung quảng bá, tuyên truyền sâu rộng về Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đã chú ý phân công cán bộ theo dõi, cập nhật tin, bài, phân loại tác phẩm, chọn lựa, biên tập để sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng ; góp phần quảng bá rộng rãi Cuộc thi; đưa những tác phẩm hay về Bác kính yêu đến với đông đảo nhân dân Quảng Trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là Lãnh tụ của Đảng ta, dân tộc ta, Người còn là hiện thân của văn hoá Việt Nam thời đại mới, là sợi keo kết dính lòng người trên trái đất với các giá trị nhân văn cao cả. Hình tượng Bác Hồ đã được nhiều nhà báo, văn nghệ sỹ (trong đó có những nhà báo, văn nghệ sỹ nổi tiếng) thể hiện; đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đạt chất lượng cao về hình tượng Bác Hồ bởi vậy để có thêm một tác phẩm mới về Bác thực sự là một thách thức đối với mỗi văn nghệ sỹ, nhà báo.

Quảng Trị đang trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi, nhưng tấm lòng và tình cảm của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo Quảng Trị vẫn tâm huyết gắn bó với Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Các giá trị tư tưởng, đạo đức mới được hình thành trên nền tảng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đã được đơm hoa kết trái qua những nhân tố mới của cuộc sống; đang hiện diện rõ nét hàng ngày hàng giờ trên quê hương Quảng Trị - đó chính là chất liệu sống động để đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo của tỉnh sáng tác ra các tác phẩm có giá trị. Bằng tâm huyết, trách nhiệm của người cầm bút, từ tấm lòng yêu kính Bác vô hạn, đội ngũ nhà báo, văn nghệ sỹ Quảng Trị sẽ tiếp tục đồng sức đồng lòng, nỗ lực tìm tòi sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm có chất lượng cao, có giá trị lâu bền về Bác./.


Phạm Minh Quốc
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất