Kể từ ngày 1-9, tất cả những người biểu diễn dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện kỹ thuật âm thanh khác đã thu sẵn để thay thế giọng hát thật (hát nhép) sẽ bị xử phạt với mức tăng 1 triệu đồng.
Khi nghị định 56/2006/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa - thông tin được ban hành, nhiều người đã cho rằng nó chưa đủ sức răn đe đối với tệ hát nhép đang hoành hành. Thật vậy, hơn bốn năm trôi qua, tình trạng hát không cần mở miệng, đàn không cần động tay ngày càng trầm trọng hơn, lộ liễu hơn trước sự bất bình của công chúng và cả những người làm nghề nghiêm túc.
Phạt từ 3-6 triệu đồng
Ngoài các chương trình ca nhạc phòng trà, nơi tiếng hát của ca sĩ là yêu cầu tối thượng, có thể nói chẳng còn mấy sân khấu, tụ điểm mà nọc độc của nạn hát nhép chưa lan tới. Từ những chương trình lớn như DDVN đến những đêm trao giải ca hát như LSX, thậm chí lấn sang những khu vực xưa nay nổi tiếng “miễn nhép” như sân khấu hàn lâm, cải lương. Nếu chạm cả đến lĩnh vực truyền hình thì gần như không chương trình nào là không có nhép, nhiều hay ít, trừ khi đó là một cuộc thi hát để giám khảo chấm điểm. Ngôi sao, nhép. Không sao, cũng nhép.
Và để giành phần lý, người ta thản nhiên đổ tội cho nhau giữa một bên cho rằng bị (được) nhà tổ chức yêu cầu, bên kia bảo do ca sĩ muốn - những lý lẽ nghe đã quá mòn tai. Nếu không đá bóng trách nhiệm thì vin vào chất lượng âm thanh, điều kiện sức khỏe. Kết quả? Một làng nhạc Việt khủng hoảng khi công chúng không dám tin rằng tiếng hát mình đang nghe liệu có phải do đĩa phát ra không.
Nhằm ngăn chặn, kiểm soát vấn nạn, từ năm 2004 quy chế 47 về hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ VH-TT (cũ) đã liệt hát nhép vào danh sách những hành vi bị cấm. Nghị định 56 cũng đã xác định mức xử phạt đối với hành vi này từ 2 triệu đến 5 triệu đồng. Số tiền trên, theo nhiều người trong nghề, lại chẳng bõ bèn gì.
Nói như một nhạc sĩ: “Nếu phạt nhiêu đó thì chắc sẽ không ít ca sĩ sẵn sàng đóng phạt để nhép vì đâu phải lúc nào họ cũng bị bắt, có bị bắt cũng dư tiền đóng”. Có lẽ vì vậy mà nghị định 75/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa (có hiệu lực từ 1-9-2010, thay nghị định 56) đã nâng mức xử phạt hành vi hát nhép lên 3 triệu đến 6 triệu đồng.
Không khó kiểm soát
Bức xúc trước tệ nạn hát nhép và trước những lời than khó từ cơ quan chức năng, các ca sĩ đã tự mình tuyên chiến với hát nhép (Tuổi Trẻ, 20-1-2010), yêu cầu nhà tổ chức cải thiện chất lượng âm thanh, nhiều khán giả đề nghị phải xử lý thật mạnh tay, Cục Nghệ thuật biểu diễn đề xuất tái cấp thẻ hành nghề... Trên thực tế, các giải pháp nêu trên dù có được thực hiện triệt để cũng chỉ có thể giải quyết một phần câu chuyện.
Nhạc sĩ Huỳnh Châu nói: “Sẽ không ca sĩ nào hát nhép được nếu không có sự tiếp tay của đơn vị tổ chức. Để nhép, ca sĩ phải đưa đĩa và đĩa này do chính nhà tổ chức biểu diễn mở lên. Xử lý ca sĩ là đúng, nhưng đồng thời cũng phải xử lý các đơn vị này mới đủ”.
Theo ông, các chương trình ca nhạc truyền hình, nơi hát nhép tràn lan đến mức được xem là không kiểm soát nổi, thực chất lại rất dễ kiểm soát bởi tất cả đều còn nằm lại trên băng hình và cơ quan quản lý hoàn toàn có thể căn cứ trên băng hình để “phạt nguội” đơn vị vi phạm. “Cảnh sát giao thông làm được thì thanh tra văn hóa cũng làm được chứ” - ông khẳng định.
Với số lượng ca sĩ nhiều như sao và nhân lực mỏng của ngành thanh tra thì việc xử lý các nhà tổ chức biểu diễn, các sân khấu, tụ điểm tỏ ra khả thi hơn. Nếu áp dụng cách từ chối cấp phép biểu diễn một số chương trình tiếp theo đối với đơn vị vi phạm, vấn nạn có thể sẽ được giải quyết tốt hơn là không làm gì hoặc chỉ chăm chăm đi tìm xử ca sĩ. Công chúng đã nhiều lần nghe cơ quan chức năng than khó, nhưng dẫu khó cũng vẫn nên làm để lấy lại niềm tin của khán giả nơi nhạc Việt.
Cần xử lý mạnh tay nhà tổ chức
Ông Phạm Đình Thắng - trưởng phòng quản lý biểu diễn và băng đĩa, Cục Nghệ thuật biểu diễn - cho biết: “Những vi phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật bao gồm rất nhiều hành vi và cũng khó nói mức xử phạt như thế là cao hay thấp. Có thể với sự bức xúc của công chúng thì hát nhép là vi phạm lớn, nhưng trong tương quan với các vi phạm khác có khi lại không lớn bằng.
Theo tôi biết, khi còn là bản dự thảo thì các điều khoản, mức xử phạt cũng đã được thảo luận rất nhiều, với những ý kiến khác nhau. Cá nhân tôi muốn hành vi hát nhép phải bị xử phạt thật nặng, mức phạt tiền thật cao để răn đe những người không muốn lao động nghệ thuật nghiêm túc.
Về việc xử lý đơn vị tổ chức biểu diễn thì trong giấy phép công diễn đã nghiêm cấm tiếp tay cho ca sĩ hát nhép. Nếu đơn vị nào để xảy ra việc này, thanh tra sẽ xử lý do vi phạm các quy định trong hoạt động biểu diễn. Xử lý mạnh tay nhà tổ chức, tôi nghĩ sẽ giúp giải quyết được vấn đề”. |
Theo Tuổi trẻ online