Các thế hệ người Việt Nam đang sống hôm nay được diễm hạnh ngàn năm có một. Cái may ấy, niềm vui ấy ngàn năm mới có một lần.
Ngàn năm là cái mốc thời gian. Cơ hội ngàn năm không phải trời sinh ra vốn thế. Cơ hội ngàn năm Thăng Long Hà Nội là kết tinh mấy ngàn năm phấn đấu của dòng giống Lạc Hồng.
Những con người nguyên thủy sống trên dải đất hình chữ S thời mông muội chắc hằng ngày mải lo kiếm cho được cái ăn cho vào bụng, kiếm tấm vỏ cây phủ ấm cái thân, tìm hang động kín đáo tránh gió mưa sấm sét và phòng ngừa thú dữ, chắc chưa nghĩ nhiều đến tương lai xa. Nhưng cuộc sống là tiến hóa. Cuộc sống không ngừng đi lên. Các bầy đàn người nguyên thủy đánh bạn với nhau, dựa vào nhau để tồn tại, dần dần liên kết thành thị tộc, bộ lạc… Con người đặt những bước chân đầu lên hành trình vạn dặm, hành trình không bao giờ kết thúc gọi là cuộc sống văn minh.
Theo truyền thuyết, các vua Hùng mở nước cách đây hơn ba ngàn năm. Vậy là ít nhất hai ngàn năm trước công nguyên, tổ tiên ta đã bắt tay tạo dựng cơ hội cho lễ hội ngàn năm hôm nay. Tính từ thời ấy, bất kỳ làm gì để tồn tại, để cuộc sống khá hơn, cũng góp phần tạo cơ hội cho tương lai.
Đáng buồn là lãnh thổ ta, đất nước ta sớm bị người nước ngoài xâm chiếm. Họ áp bức chúng ta, họ bóc lột chúng ta, họ khai thác tài nguyên xứ sở chúng ta. Được cái, dù muốn hay không, họ vẫn phải mang đến và truyền bá nền văn minh của họ, khách quan mà nói cao hơn trình độ phát triển của tổ tiên ta thời bấy giờ. Và tổ tiên chúng ta, dù muốn hay không, vẫn phải tiếp nhận nền văn minh đến từ phương Bắc, cùng thi thoảng làn gió lạ đến từ đất Phật qua qua các nhà tu hành cùng thương nhân tới bằng đường biển Nam - Đông Nam. Cái vĩ đại của tổ tiên ta là ở chỗ từ thuở nguyên sơ, các ngài đã biết gạn lọc những tinh hoa vật chất và tinh thần để thấm nhuần và thực thi, các ngài sớm gạt bỏ ra khỏi cuộc sống của mình những cái dở, vô luân, tàn bạo của bất kỳ ai khác. Tựu trung, cái vĩ đại nhất lưu truyền cho đến hôm nay không phải chúng ta học được của nước ngoài mà xuất phát từ bản chất của người Việt, được nuôi dưỡng bằng máu thịt Việt. Ấy là tính ngoan cường không khuất phục trước khó khăn, không chịu để cho ai đè đầu cưỡi cổ. Ấy là tính chắt lọc lấy cái hay của người khác nhào nặn với cái bản chất của mình, tạo lập nền văn minh tinh thần của chính mình.
Cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, nhân phẩm của người Việt ta khởi đầu chẳng rõ chính xác từ buổi nào, bởi thời nguyên sơ chưa có sử thành văn. Hậu thế chỉ được biết qua truyền thuyết. Dù sao cũng khẳng định được một cái mốc, do nó được ghi vào chính sử của những người thống trị, là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 43 sau công nguyên). Tiếp đó là cả ngàn năm dài chiến đấu giành độc lập. Cho đến cuối công nguyên I, nền độc lập của Việt Nam mới giành hẳn được. Với sự kiện Ngô Quyền cùng chiến thắng Bạch Đằng Giang, nhà Ngô (949-959) đặt nền móng, để anh hùng Đinh Bộ Lĩnh dựng nhà Đinh (968-980), cùng Lê Hoàn đi vào lịch sử những năm bản lề hai thiên niên kỷ với việc định đô tại Hoa Lư.
Cơ sở ấy là cơ hội để vua Lý Thái Tổ đi đến quyết định ngàn năm: dời đô về Thăng Long. Ngày nay, hầu như không mấy người Việt Nam không biết: Sự kiện ấy diễn ra năm Canh Tuất 1010, cách đây đúng một ngàn năm.
Từ cái mốc 1010 đến Đại lễ Thăng Long Hà Nội 2010 là thiên niên kỷ dân tộc ta liên tục vượt qua thách thức, tiếp tục kiến tạo cơ hội. Chỉ cần gợi lại một số thời điểm, địa danh là đủ cho mọi người nhớ lại những sự kiện làm nên lịch sử: phá tan quân Tống (đời Lý), chiến thắng Nguyên Mông (đời Trần), đánh xâm lược Minh (đời Lê), đại phá quân Thanh (đời Nguyễn Quang Trung)… Đến thời đại Hồ Chí Minh, ở đó Bác Hồ cùng Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn dân đi từ Tháng Tám 1945 qua Chín năm làm một Điện Biên (thơ Tố Hữu), đến Ngày vui đại thắng (ca khúc Phạm Tuyên) 1975, ngày vui lớn mà mọi người cùng ngợi ca, cho dù Bác Hồ đã đi xa, Bác vẫn có mặt chung vui với sáu mươi triệu đồng bào.
|
Đôi rồng kỷ lục của các nghệ nhân Bát Tràng tại lễ hội Làng nghề- phố nghề |
Đi đôi với giữ nước, củng cố nền tự chủ là sự nghiệp mở mang bờ cõi. Đối với chúng ta, đời nào cũng vậy, chiến tranh là nhất thời, do không thể tránh. Hòa bình, xây dựng mới bền lâu. Quá trình mở mang bờ cõi của người Việt về phương Nam khó tránh khỏi chiến chinh, cho dù phần lớn đều do đối phương gây sự. Mở nước là những bước tiệm tiến hòa bình. Bước chân không mỏi của ông cha ta hành phương Nam, đồng thời khám phá núi rừng miền Tây. Đời Trần, một nàng công chúa đã “nước non ngàn dặm ra đi…”*. Chính lời nàng Huyền Trân hay là hậu thế nói hộ nàng bầu tâm sự “cái tình chi?”*. Cái tình chi? Chắn chắn không phải cái tình đối với vị hôn phu chưa hề biết mặt, thời ấy còn chịu thiên kiến là vua xứ man di. Cái tình đây là tình đối với phụ vương đã có một quyết định để đời, cái tình đối với triều đình cùng trăm họ, trong đó ai biết có hay không bóng hình một chàng trai. Chuyến đi ngàn dặm vấn vương của nàng nhằm “đền nợ Ô Ly” (Câu mở đầu lời bài ca Nam Bình nổi tiếng ở miền Trung. Châu Ô và châu Ri - phần phía từ Nam Quảng Trị trở vào Thuận, Quảng ngày nay), mở rộng bờ cõi, xây dựng hòa hiếu, giữ cho biên cương thanh bình, trăm họ yên vui để cùng dồn sức biến các vùng đất mới thành ruộng đồi trù phú, làng xóm xanh tươi.
Cao cả xiết bao hành động của một người đàn bà. Nối tiếp dấu chân bà, các thế hệ trai tráng giã từ làng quê ra đi, lòng canh cánh: Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long (thơ Huỳnh Văn Nghệ). Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đưa dân binh miền Trung vào khai phá lập nên các trấn Gia Định, Tân Bình. Thoại ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại với trọng trách trấn giữ biên cương, ngài đã huy động hàng chục vạn dân công đào kênh núi Sạp (Thoại Hà) rồi kênh Vĩnh Tế, đắp đường, lập ấp, định hình vĩnh viễn đường biên giới Tây Nam. Những nghĩa binh dong thuyền rời làng quê ra đi giữa sóng cồn để trấn giữ Hoàng Sa, khai thác Trường Sa, Phú Quốc, Côn Sơn… Những anh hùng Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Định, Nguyễn Trung Trực chiến đấu bằng súng gươm hay Nguyễn Đình Chiểu “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”…
Cho dù ngớ ngẩn, vẫn nên nhắc đây lại một điều ai ai cũng rõ: Không có đại sự dời đô, đương nhiên không có Đại lễ ngàn năm. Không có Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, không có Tháng Tám, Điện Biên, Mùa xuân Đại thắng, không có Đổi mới và Hội nhập, làm sao có Đại lễ ngàn năm. Cái chân lý “giản đơn như chân lý” ấy nhắc nhở chúng ta: Trong những ngày tháng trọng đại này, cho dù ta đang có mặt tại Hà Nội hay ở bất kỳ đâu, hãy ngẩng đầu kiêu hãnh nhìn lên đến các vua Hùng, thành kính tri ân tiên tổ cũng như công đức dân tộc, Bác Hồ. Cái “chân lý giản đơn như chân lý” ấy đòi chúng ta gắn bó với nhau hơn, bỏ qua những tiểu dị, vì nghĩa cả tăng cường đoàn kết, đồng thuận cho xứng đáng với chiều dày lịch sử, như tổ tiên ta sát cánh bên nhau từ mấy ngàn năm trước, như rồi đây con cháu ta xiết chặt tay nhau trên con đường tự chủ và phát triển.
Ngàn năm qua, Thăng Long Hà Nội là nơi hội tụ linh khí toàn dân tộc. Là nơi thể hiện sâu sắc và tập trung nhất tinh hoa văn hóa của người Việt cũng như của cả cộng đồng các dân tộc anh em. Văn hiến, đức độ, tài hoa, truyền thống… hòa quyện tại Thủ đô. Văn minh Thăng Long Hà Nội biểu trưng văn hiến Việt Nam. Cả nước chung sức xây dựng. Mấy năm gần đây, từ khi bắt tay chuẩn bị cho đến trước thềm đại lễ hôm nay, cả nước đã làm hết mình với tinh thần góp sức cùng Thủ đô. Trên thực tế chúng ta đã làm được nhiều việc lớn có ý nghĩa, sẽ lưu lại cho đời sau bao công trình xứng đáng. Quá trình chuẩn bị đại lễ cũng là quá trình cung cấp một lượng thông tin, giáo dục đồ sộ về đất nước, lịch sử và con người Việt Nam. Đây là những công trình vô ảnh vô hình song sẽ hiện hữu lâu dài trong tâm trí đồng bào.
Chiều dày lịch sử cùng nhiệt thành của cả nước đặt trách nhiệm lên đôi vai mọi người. Trước thềm Đại lễ, một câu hỏi tự nó đặt ra: Người Việt Nam ta, trước hết là người Thủ đô, nên làm sao đây cho Đại lễ thành công như náo nức mong chờ? Làm sao đây để in đậm vào lịch sử đương đại nhiều nét vui, giảm thiểu những chuyện phiền lòng không đáng có, cho xứng với ý nghĩa quyết định ngàn năm của vua Lý? Mỗi người nên hành xử cách sao cho sự kiện Ngàn năm Thăng Long Hà Nội thể hiện được thực chất tinh anh văn hóa và bản lĩnh con người thời đại Hồ Chí Minh? Đó là kỳ vọng đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài gửi gắm vào những người có diễm hạnh trực tiếp tham gia Đại lễ Ngàn năm thể hiện tập trung vào những ngày tháng mười, những ngày mà nhìn về đâu tuồng như ta cũng thấy hiển hiện lời nhắc nhở: “Tổ tiên trông xuống, người ta trông vào…”./.
(Theo: Phan Quang/VOV)