Thứ Năm, 26/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 6/9/2010 20:47'(GMT+7)

Cây đại thụ giữa trời gian khó

Ông Trần Lâm - Tổng Giám đốc đầu tiên của Đài TNVN

Ông Trần Lâm - Tổng Giám đốc đầu tiên của Đài TNVN

 Nhà báo lão thành Trần Lâm dành cả cuộc đời cho sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam, trong đó 43 năm dành riêng cho Phát thanh là thời gian thấm đẫm tình đời, tình người, tình nghề mà theo chữ của ông là “những năm tháng gian nan và kỳ thú”.

Ngày 22/8/1945, khi nhận chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập ngay Đài Phát thanh Quốc gia để phục vụ Cách mạng, phụng sự Nhân dân, ông Trần Lâm mới 24 tuổi. Ông nhận trọng trách đứng đầu Đài Tiếng nói Việt Nam tự ngày ấy cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1988, tròn 43 năm.

Đài Tiếng nói Việt Nam non trẻ mới 15 tháng tuổi rời Hà Nội lên đường kháng chiến. 8 năm len lỏi khắp núi rừng Việt Bắc với 14 lần di chuyển địa điểm để bảo đảm cho Tiếng nói Việt Nam phát đi liên tục, vang xa, trên “chặng đường gian nan và kỳ thú” ấy, nhà báo Trần Lâm vừa là thủ trưởng cơ quan, vừa là phóng viên, vừa là biên tập viên, vừa là phát thanh viên, nhiều lúc là “ca sỹ bất đắc dĩ” đứng trong dàn đồng ca không chuyên.

“Mỗi lần trước giờ

Đấy là những tháng ngày làm việc hết mình, dù thiếu thốn trăm bề, từ lon gạo hẩm, trang giấy nứa thô ráp, lít xăng đến phụ tùng máy móc thiết bị. Chịu đựng gian khổ, vượt qua gian nan thử thách, chiến đấu đến cùng để tiếng nói của Đảng, Chính phủ, tiếng nói của Bác Hồ đến với đồng bào chiến sỹ cả nước, kiều bào ở nước ngoài và nhân dân thế giới, Đài Tiếng nói Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mỗi lần nhắc đến vinh dự được bầu là Chiến sỹ thi đua toàn quốc của Đại hội Chiến sĩ thi đua yêu nước toàn quốc đầu tiên, nhà báo Trần Lâm đều nói: “Công lao là của anh chị em nhà Đài cả đấy chứ, mình chỉ là đại diện thôi”.

Sau này, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đặt bài viết tổng kết quá trình phát triển của Đài Phát thanh Quốc gia, ông Trần Lâm nói ngắn gọn: Đài ta sinh ra và lớn lên trong thời gian khổ, thiếu thốn, lại chiến tranh liên miên nên có ba bài học kinh nghiệm phải nắm chắc. Một là, phải nắm vững và quán triệt đến từng người, trong từng công việc hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hai là, nước ta, dân ta còn nghèo, nhưng nhất thiết phải phát triển Phát thanh - Truyền hình, là tốn tiền, tốn của, là “xài sang” nên chúng ta phải làm phát thanh theo “kiểu con nhà nghèo”. Có nghĩa là phải hết sức tiết kiệm. Không sợ thiếu, không sợ khó. Từ trong cái khó phải “ló” cái khôn. Thứ ba là phải đoàn kết. Không phải đoàn kết theo kiểu “dĩ hòa vi quý” mà có đấu tranh, có tranh luận, bàn bạc. Nhưng rốt cuộc đứng trước thử thách, trước việc khó chỉ có “bàn vào”, chứ không “bàn ra”.

Sau chiến thắng 30/4/1975, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng một số tờ báo lớn xung kích phản ánh ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân xóa bỏ quan liêu bao cấp. Những tháng ngày tìm lối ra đầy ắp trăn trở và bức xúc ấy, Tổng Biên tập Trần Lâm đã chỉ đạo phóng viên bám sát cơ sở, ủng hộ triệt để cái mới, dù là ban đầu, đang le lói. Ấy là từ khoán hộ ở Hải Phòng, Hà Nam Ninh làm cơ sở thực tiễn cho quyết định chiến lược của Trung ương thực hiện “Khoán 10”, “Khoán 100”, cùng nhiều nhân tố mới khác mở ra công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Những tháng ngày đầy thử thách, đặc biệt là trên mặt trận tư tưởng khi Liên Xô sụp đổ kéo theo sự tan rã của hệ thống Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Âu, nhiều ý kiến muốn xóa bỏ triệt để cái cũ, có luồng dư luận đòi cải cách kinh tế và chính trị ngang nhau, đòi đa nguyên đa đảng, nhưng Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn kiên định lập trường. Nhà báo Trần Lâm khẳng định: “Đài Tiếng nói Việt Nam hoàn toàn không chịu ảnh hưởng chút nào của luồng tư tưởng ngược chiều này… Đường lối đổi mới của Đảng đã tạo ra cho các nhà báo, trong đó có báo điện tử sự đổi mới toàn diện cả về quan điểm nội dung và hình thức, thể tài”.

Gần nửa thế kỷ cống hiến cho làn sóng Phát thanh Quốc gia và báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo lão thành Trần Lâm luôn ở cương vị thủ trưởng cao nhất, chưa một ngày làm lính. Nhưng không vì thế mà cuộc sống, tình cảm của ông cách xa anh chị em trong đại gia đình Phát thanh. Cuối đời nhìn lại, ông tâm sự: “Có biết bao kinh nghiệm quý, trải qua thực tiễn, được kiểm nghiệm và đấu tranh, biết bao điều cho đến nay vẫn còn băn khoăn trăn trở, nhiều người khen mà cũng không ít người chê. Bây giờ tôi càng thấy rõ hơn những thành quả và những điều chưa vừa ý… những hạn chế hoặc khuyết điểm đối với việc này, việc khác, kể cả việc hành xử với con người cụ thể…”. Đó là những trải nghiệm quý mà các thế hệ hôm nay ở Đài TNVN hết sức coi trọng./.

Vĩnh Trà - VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất