Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 15/12/2010 14:58'(GMT+7)

Hết khóc trâu, chỉ còn…giết trâu

Con trâu là vật hiến sinh trong nghi lễ ăn trâu

Con trâu là vật hiến sinh trong nghi lễ ăn trâu

Lễ ăn trâu là một nghi lễ có trong nhiều lễ hội của các dân tộc thuộc vùng Tây Nguyên. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, không hề có lễ đâm trâu mà chỉ có lễ ăn trâu. Gọi lễ đâm trâu là một cách gọi sai, thậm chí, theo PGS Nguyễn Văn Huy, cách gọi này đã “biến một khía cạnh trong một chỉnh thể nghi lễ văn hóa thành một lễ hội, tức là đã rời xa nguyên gốc của văn hóa bản địa”.

Không còn khóc trâu

Thời gian vừa qua, dư luận nói nhiều đến nghi lễ ăn trâu với những tính chất man rợ, đẫm máu của nghi lễ này. Trong các nghi lễ ăn trâu được tổ chức hiện nay, con trâu bị cột vào một cây nêu giữa một bãi đất trống. Rồi những người đàn ông khỏe mạnh, đóng khố, mỗi người cầm một đoạn tre chừng vài mét đầu có buộc một con dao nhọn. Những người này xếp hàng, nhảy múa,  lần lượt đâm con trâu cho máu phun  ra. Trong khi xung quanh rất đông người xem lại hân hoan vui sướng, hò reo lẫn trong tiếng cồng chiêng vang dội trước cái chết của con vật.

Chính vì thế, không ít ý kiến cho rằng nên chấm dứt nghi lễ này bới tính chất man rợ của nó. Tuy nhiên, bản chất lễ ăn trâu của người Tây Nguyên không giống như những nghi lễ được tổ chức hiện nay.

Đối với đồng bào Tây Nguyên, trong nghi lễ ăn trâu, con trâu là vật hiến sinh cho thần linh. Lễ ăn trâu thể hiện nhân sinh quan, triết lý sống, niềm tin vạn vật hữu linh, khát vọng con người hòa hợp, hòa đồng với tự nhiên, mối liên hệ khăng khít giữa con người và muôn vật trong văn hóa Tây Nguyên. Lễ ăn trâu dù là của mỗi gia đình hay của cả cộng đồng nhưng đều trở thành sinh hoạt tâm linh của cả buôn. Đó là dịp con người không chỉ hòa đồng với thiên nhiên, với thần linh mà hòa hợp giữa con người với con người, cộng đồng này với cộng đồng khác, tạo nên sức mạnh cố kết.

Trình tự của một lễ "ăn trâu" có lớp lang cẩn thận. Để "ăn trâu" buổi sáng, thì chiều và đêm trước đã diễn ra nghi lễ "khóc trâu", bày tỏ chân thành sự tiếc thương, sự biết ơn con trâu. Một bà mẹ hát, nói, vuốt ve con trâu, cho trâu ăn ngọn cỏ cuối cùng, những người trong gia đình, cộng đồng chui qua đuôi con trâu, chui qua vòng buộc cổ con trâu với ý nghĩa trâu đã thay cho con người hiến tế cho thần linh. Lời bà mẹ khóc trâu nói mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm rất sâu đậm giữa con người với vật hiến sinh.

Vào cuối buổi lễ, ở người Mnông (Đắc Nông), 6 cô gái sẽ quỳ xuống lạy trâu, làm "lễ tang" cho trâu trước khi trâu thành vật hiến sinh cho thần linh. Một số nhạc cụ chỉ tấu lên ở lễ tang và lễ đâm trâu. Đỉnh cao của nghi lễ diễn ra khi các "chiến binh" tay cầm lao hạ sát con trâu ngay dưới chân cột, một số bộ phận cơ thể và đầu trâu được cắt riêng dâng lên cho thần.

(GS.TS Ngô Đức Thịnh)

Tuy nhiên, các lễ ăn trâu chủ yếu là được phục dựng hoặc “bị bắt buộc”. Chứ người dân ở một số nơi không muốn đâm trâu nữa vì họ không có nhu cầu làm lễ tạ ơn hay cúng Giàng, cúng thần linh nữa. Thế  nhưng, có một thực tế là nhiều địa phương đã cấp kinh phí mua trâu, thậm chí các cơ quan cấp tỉnh cũng có thể tài trợ con trâu…nhằm vận động người dân... đâm trâu trở lại.

Còn những người thực sự vẫn còn niềm tin với vạn vật hữu linh, vẫn tha thiết với văn hóa bản địa, họ vẫn muốn tổ chức lễ ăn trâu nhưng lại không được thực hiện đúng như nghi lễ vốn có. Nói về vấn đề này, PGS Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Khi mở lại nghi lễ ăn trâu đầu tiên, người dân đề nghị phải được cúng cho đàng hoàng, vì đó mới chính là ý nghĩa trọng tâm, là cái hồn đích thực của sự kiện văn hóa, thì những người tổ chức lại không muốn cho cúng. Thế là không cúng, chỉ còn đâm. Vì vậy, nghi lễ không còn ý nghĩa gì cả ngoài sự giết trâu”.

Cũng theo PGS, việc không thực hiện cúng  mà chỉ đâm trâu là tước đoạt tính thiêng nguyên gốc của nó, là bất kính và cũng là xúc phạm tới văn hóa bản địa.

Đồng tình với quan điểm của PGS Nguyễn Văn Huy, GS.TS Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng: “Nghi lễ đâm trâu mà chúng ta được xem qua tivi, thật ra không phải nghi lễ ăn trâu, mà chỉ là việc dựng lại lễ đâm trâu phục vụ du lịch, nói cách khác là thứ nghi lễ "rởm", nên người xem sẽ không thể cảm nhận được xúc cảm rất thiêng liêng của nghi lễ”.

Vậy là, vì thực hiện sai nghi lễ ăn trâu, những người tổ chức đã khiến cho nghi lễ này bị hiểu sai hoàn toàn bản chất.

Lễ ăn trâu không phải để mua vui

Câu hỏi đặt ra không phải là nên hay không nên tổ chức nghi lễ này. Bởi đây là nghi lễ của người Tây Nguyên, hãy để cho họ - những chủ thể của nghi lễ quyết định số phận của các nghi lễ.

Có chăng, chúng ta chỉ nên suy nghĩ rằng tổ chức thể nào để nghi lễ đúng là nghi lễ truyền thống, nguyên gốc của người dân bản địa. Nếu không, với các cách tổ chức thiếu hiểu biết và hướng đến mục đích du lịch, “trưng” cho khách xem như hiện nay, sẽ không ai biết thế nào là lễ ăn trâu thực thụ.

Lễ ăn trâu

Lễ ăn trâu

Lễ ăn trâu sẽ không có ý nghĩa nếu không xuất phát từ tâm nguyện của người tổ chức nó, từ niềm tin vào thần linh, từ ước muốn hòa thuận với thiên nhiên…Lễ ăn trâu cũng không phải một hoạt động mua vui cho du khách.

Theo PGS Nguyễn Văn Huy, để bảo tồn được lễ ăn trâu, nên triệt để chấm dứt việc tổ chức “lễ hội” đâm trâu ở các sự kiện văn hóa khu vực quy mô lớn, vì đó là sân khấu hóa văn hóa, cũng chỉ là một tiết mục được "hàng hóa hóa" để thu hút khách du lịch. Đồng thời, tôn trọng quan niệm của người dân địa phương, trao quyền tự quyết cho người dân địa phương tự quyết định. Triệt để chống xu hướng hàng hóa hóa văn hóa: Biến văn hóa thành hàng hóa, thành sảm phẩm bán cho du lịch.

Thiết nghĩ, du lịch không phải khi nào gắn với văn hóa cũng mang lại hiệu quả tốt, nhất là khi người làm du lịch không có sự liên kết với người làm văn hóa! Một  nghi lễ truyền thống chỉ có ý nghĩa khi nó được thực hiện đúng mục đích!

Theo Lao Động

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất