Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 11/12/2010 19:39'(GMT+7)

“Không thể tiền phong hoá Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc”!

"Sống chết" - sơn dầu của Lê Thế Anh (Hà Nội) - tác phẩm đoạt giải nhì

"Sống chết" - sơn dầu của Lê Thế Anh (Hà Nội) - tác phẩm đoạt giải nhì

“Nhiều” và “to”… không có tội

TLMTTQ năm 2010 được coi là triển lãm (TL) có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 836 tác phẩm được tuyển chọn. Cảm giác chung của nhiều người đến với TL là không gian trưng bày quá chật, việc trưng bày cũng chưa thực khoa học (không theo nhóm thể loại hay đề tài) nên gây mệt mỏi cho người xem. Bên cạnh đó, nhiều tác giả có xu hướng sáng tác trên khổ to. Chính vì thế, con số 836 tác phẩm, vô hình trung đã trở thành một trong những đề tài góp ý của nhiều đại biểu và báo giới, rằng: “Số lượng tác phẩm như vậy có phải là một sự tổng kết có tính phong trào, mang tính “mặt trận”? Hội đồng nghệ thuật có dễ dãi quá không? Tiêu chí tuyển chọn đã thực sự chuẩn để đưa ra một diện mạo của đời sống mỹ thuật tạo hình trong 5 năm qua?...

Ông Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN - cho rằng: Con số này không phải là quá lớn so với con số hội viên Hội Mỹ thuật VN hiện nay, đó là chưa kể cả số những người làm nghề nói chung. Số lượng tác phẩm được các nghệ sĩ sáng tạo có lẽ lên đến hàng vạn mỗi năm. Vậy để có một cái nhìn toàn cục về mỹ thuật trong 5 năm qua cho người xem thì rõ ràng con số tác phẩm trên là không lớn. Điều đáng mừng là có đến 2/3 tác giả tại TL là những người trẻ, những người được học và làm nghề trong thời kỳ đổi mới của đất nước.

Về chất lượng của TL, có ý kiến cho rằng xu hướng sáng tác lai căng, bắt chước và chịu ảnh hưởng của các họa sĩ đâu đó trong khu vực còn hiện diện ở nhiều tác phẩm. “Chưa thấy cái “mới” thật sự chuyển động mạnh cả ở trong giải vàng, giải bạc, còn trong giải thấp hơn thì lại đọng nhiều cái nhàn nhạt lặp lại” (họa sĩ Đỗ Đức). Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo nhận xét về tranh sơn dầu - thể loại có chuyển biến rõ rệt: “Các tác giả trong TLMTTQ năm 2010 đã biết tiếp thu nét tinh hoa của phong cách nghệ thuật của các thế hệ đi trước theo cảm quan của thế hệ mình. Mở rộng không gian, kết hợp hài hòa chất tạo hình với chất trang trí. Biết khai thác các yếu tố tạo hình của chủ nghĩa hiện đại: Ấn tượng, siêu thực, lập thể, biểu hiện trừu tượng và trừu tượng, làm phong phú hình thức tạo hình”.

Nhà phê bình mỹ thuật Trần Thức đã có những nhận xét rất kỹ không chỉ về các tác phẩm tại triển lãm, mà còn thực trạng xu hướng sáng tác hiện nay ở không ít người, cả thành danh lẫn chưa thành danh: Xu hướng bắt chước, tiếp biến, lai căng vụng về cả bút pháp cũng như ngôn ngữ thể hiện. Tuy nhiên, ông nói: “Nhưng tôi vẫn cảm thấy phấn khích trước cái đẹp và những cố gắng sáng tạo của các tác giả”. Còn hoạ sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Trưởng BTC - cho rằng: Nếu nhìn toàn cục và xem xét kỹ lưỡng thì thấy rằng, mỹ thuật đã có nhiều chuyển biến về chất một cách sâu sắc, lặng lẽ. Đã qua rồi thời kỳ rộn rã các hoạt động trưng bày, triển lãm với nhiều tuyên ngôn gây sốc. Mỹ thuật đã đi vào chiều sâu nghề nghiệp một cách thực chất... Mặt bằng chuyên môn đã tiến lên một bước tiến mới...”.

Đổi mới… nhưng như thế nào?

Rất nhiều ý kiến tại hội thảo tỏ ra hài lòng về sự đổi mới trong thành phần Hội đồng nghệ thuật của TLMTTQ 2010: 50% thành viên hội đồng chưa từng “ngồi” ở bất cứ một hội đồng toàn quốc nào. Tiêu chí lựa chọn cũng cố gắng tạo ra những nhận thức và trạng thái tâm lý mới: TLMTTQ là TL có tính nghề nghiệp cao, tuyển chọn vào trưng bày và chấm giải thưởng một cách sòng phẳng, thẳng thắn, bình đẳng, không có ngoại lệ; triệt tiêu tư tưởng “công thần” trong nghệ thuật... Với cách làm đó, tại TL lần này, đã có 10 tỉnh mặc dù có gửi tác phẩm tham dự, nhưng không được chọn tác phẩm nào để trưng bày, 9 tỉnh chỉ được chọn một tác phẩm/tỉnh vào TL. Tuy nhiên, việc tổ chức tuyển chọn qua ảnh đã gây khó khăn rất lớn cho Hội đồng nghệ thuật. Và phải chăng, đó cũng là những phân vân, thắc mắc về chất lượng thực sự của các tác phẩm được giải (?). Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải thay đổi hình thức tuyển chọn cũng như phương thức trưng bày.

Với sự phát triển vượt trội về số lượng những người làm nghề như hiện nay, có ý kiến cho rằng: Nên chăng mỗi năm ta triển lãm một môn tạo hình, từ đó chọn ra những tác phẩm ưu tú nhất của mỗi môn để tham dự TLMTTQ được tổ chức 5 năm/lần. Bà Trang Thanh Hiền - giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật VN - thì cho rằng: “Đối với những sự kiện nghệ thuật quan trọng tầm cỡ này cần hơn hết là sự phát huy vai trò của các curator. Nếu chúng ta thay thế sự lựa chọn của hội đồng nghệ thuật chấm cho các tác phẩm được gửi đến bằng việc thiết lập ra một đội ngũ của curator chuyên nghiệp, thì câu chuyện sẽ khác.

Nhiệm vụ của các curator này là đề cử ra các tác giả có những hoạt động hay những sáng tác nghệ thuật nổi bật trong vòng 5 năm và mời họ tham gia triển lãm toàn quốc. Việc lựa chọn tác giả có lẽ sẽ tốt hơn là việc lựa chọn tranh gửi đến, vì nó sẽ mang tính chất toàn diện hơn. Người được mời cũng cảm thấy vinh dự hơn, và cũng không phải chịu một áp lực lớn từ việc phải loại đi hơn 4.000 tác phẩm để lấy hơn 800 mà trưng bày. Những curator cho triển lãm cũng được phân ra theo những mảng khác nhau, như hội họa, điêu khắc, sắp đặt, và có thể phân mảng phụ trách các nghệ sĩ trẻ hay các nghệ sĩ cao niên, thậm chí có thể phân theo phong cách hiện thực hay phi hiện thực... Sự hoạt động năng động của các curator này trên những khía cạnh khác nhau sẽ quyết định một bộ mặt hoàn toàn khác cho TLMTTQ...”.

Tuy nhiên, ý kiến của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa ở cuối buổi hội thảo cũng rất đáng chú ý: “Không thể tiền phong hóa TLMTTQ. Dù tiền phong đến đâu cũng phải phản ánh đúng thực trạng hội họa của đất nước ở đúng giai đoạn phát triển của nó. Do vậy, việc tuyển chọn không thể quá khắt khe, mà phần nào đó phải mang tính toàn quốc... Như thế mới đúng với chủ trương về phát triển VHNT của Nhà nước. Còn ai muốn tự khẳng định mình thì xin mời tham gia vào các cuộc chơi khác như triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, triển lãm chuyên đề do rất nhiều tổ chức khác thực hiện”./.

Theo Lao Động

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất