Thứ Bảy, 28/9/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 7/4/2011 15:11'(GMT+7)

Hiến máu tình nguyện và trách nhiệm công dân

Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện cho biết, trong những năm gần đây, số lượng máu thu gom được từ người tham gia hiến máu tình nguyện ở nước ta liên tục tăng. Chỉ riêng trong năm qua, cả nước đã thu được trên 670.435 đơn vị máu, tăng gấp đôi so với năm 2002 và tăng hơn 12% so với năm 2009. Đặc biệt, trong tổng số lượng máu thu được thì có tới trên 80% là của người hiến máu tình nguyện.

Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là dù số người tham gia hiến máu năm nào cũng tăng cao nhưng lượng máu thu gom được trong cả nước hiện nay cũng chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu điều trị tối thiểu của các bệnh viện nên tình trạng thiếu máu cho người bệnh vẫn xảy ra… “quanh năm suốt tháng” tại nhiều tỉnh, thành phố. Thậm chí, vào những thời điểm như dịp Tết Nguyên đán hay mùa hè, tình trạng khan hiếm máu còn trầm trọng hơn.

Có những bệnh nhân nhập viện cả tuần cũng không có máu để truyền chữa bệnh nên không ít ca bệnh tử vong đáng tiếc xảy ra do không có máu để điều trị.

Lý giải thực trạng trên, nhiều chuyên gia y tế cũng như các nhà quản lý cho rằng, hiện nay số lượng người tham gia hiến máu hàng năm ở nước ta vẫn còn quá thấp so với yêu cầu, chỉ chiếm khoảng 0,6% dân số. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị đối với các quốc gia để bảo đảm có đủ máu phục vụ điều trị thì đòi hỏi phải có ít nhất 2% dân số tham gia hiến máu hàng năm. Hơn nữa, ở nước ta đối tượng chủ yếu và tích cực nhất tham gia hiến máu vẫn là thanh niên, học sinh, sinh viên. Còn rất nhiều người cho rằng, hiến máu tình nguyện là trách nhiệm và công việc riêng của ngành y tế.

Chính quan niệm sai lầm, lệch lạc đó mà trong thời gian qua phong trào hiến máu tình nguyện liên tục phát triển, nhưng chỉ được ở bề rộng mà thiếu chiều sâu. Hàng loạt chương trình vận động hiến máu tình nguyện được tổ chức, với nhiều hoạt động, song hiệu quả thực tế đạt được vẫn chưa cao và thiếu sự bền vững. Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, để đảm bảo đủ máu cấp cứu và điều trị, mỗi năm Việt Nam cần phải thu gom được khoảng 2 triệu đơn vị máu. Trong khi đó, đến nay máu vẫn là một loại thuốc vô cùng đặc biệt, không có gì có thể thay thế được trong việc chữa trị cho người bệnh. Tất cả nguồn máu để điều trị cho bệnh nhân đều bắt buộc phải được con người hiến tặng.

Để khuyến khích, vận động người dân tham gia hiến máu tình nguyện, nhằm có đủ máu cấp cứu, điều trị bệnh nhân, Thủ tướng đã quyết định lấy ngày 7-4 hàng năm là “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”. Năm nay để chuẩn bị cho sự kiện này, trong suốt tháng qua, công tác vận động hiến máu tình nguyện đã được triển khai rất sôi nổi, với nhiều hoạt động lớn và ý nghĩa ở các địa phương. Tuy nhiên, để hiến máu tình nguyện trở thành trách nhiệm và ý thức của mỗi người dân, đòi hỏi chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Hiến máu tình nguyện không chỉ là hoạt động mang ý nghĩa nhân đạo, nét văn hóa của con người mà còn có ý nghĩa chính trị, bảo vệ Tổ quốc và xứng đáng được xem là một chiến lược lớn của quốc gia.

Để khuyến khích, vận động người dân hưởng ứng, tham gia hiến máu tình nguyện nhiều hơn, nhà nước và ngành y tế cần phải có thêm chính sách, cơ chế ưu đãi hơn, tốt hơn để tôn vinh, tri ân với cá nhân tích cực hiến máu tình nguyện, đồng thời cần phải sớm xóa bỏ quy định về việc bán máu lấy tiền. Đặc biệt, cần không ngừng tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi người dân, nhất là với những người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước về việc tham gia hiến máu tình nguyện, có như vậy thì phong trào hiến máu tình nguyện mới có thể phát triển bền vững và có chiều sâu. “Sẻ giọt máu đào, trao niềm hy vọng”, mọi người cần có ý thức, trách nhiệm hiến máu để cứu giúp cuộc sống của những người bệnh không may mắn vì biết đến một lúc nào, chính bản thân chúng ta hay người thân sẽ phải cần những “cánh tay” hiến máu giúp đỡ./.

Theo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất