Ngày 9/2, các nhà khí hậu của Liên hợp quốc và Mỹ khẳng định hiện tượng thời tiết La Nina sẽ chấm dứt vào mùa Xuân năm 2012 sau khi mạnh lên một thời gian ngắn vào mùa Thu năm 2011.
La Nina xuất hiện vài năm một lần theo chu kỳ của gió mậu dịch làm lạnh lớp nước bề mặt Thái Bình dương ở khu vực xích đạo. Cũng như hiện tượng thời tiết En Nino xuất hiện do lớp nước bề mặt Thái Bình dương nóng lên, La Nina làm đảo lộn các mô hình thời tiết toàn cầu và thường kéo dài trong 2 năm.
La Nina năm 2010-2011, được các nhà khí hậu thế giới ghi nhận là mạnh nhất trong vòng 50 năm qua, đã gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới như tuyết rơi kỷ lục vào mùa Đông, lũ lụt kỷ lục vào mùa Xuân và hạn hán kỷ lục vào mùa Hè ở nhiều bang nước Mỹ, mưa lớn gây lũ lụt ở Australia và một số nước Đông Nam Á, đồng thời gây hạn hán khủng khiếp ở Đông Phi.
Các hiện tượng La Nina thường kết thúc vào mùa Hè và tạo ra các điều kiện thời tiết ôn hoà cho đến cuối mùa Thu, nhưng La Nina 2010-2011 diễn biến khác thường với việc mạnh lên ở khu vực xích đạo của Thái Bình dương từ tháng 9/2011, qua mùa Đông và kéo dài đến tháng 1/2012. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc và Cơ quan Khí hậu và đại dương của Mỹ cho rằng La Nina 2010-2011 kéo dài hết mùa Đông 2011-2012 ở Bắc bán cầu và sẽ chấm dứt vào mùa Xuân năm 2012. Thiệt hại kỷ lục mới do các thảm họa tự nhiên trong năm 2011 gây ra là do sự kết hợp của nhiều nhân tố như La Nina, các mô hình khí quyển cục bộ và biến đổi khí hậu./.
(TTXVN)