(TCTG) - Ngày 1/ 2, UBND tỉnh An Giang đã thống nhất triển khai kế hoạch trồng trên 5,4 triệu cây phân tán bảo vệ đê bao vùng sản xuất 3 vụ năm 2012, với hai loại cây chủ lực là cây tràm và cây bạch đàn, kinh phí tổ chức thực hiện trên 5,23 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh năm 2012.
An Giang : Trồng trên 5,4 triệu cây phân tán bảo vệ đê bao
Ngày 1/ 2, UBND tỉnh An Giang đã thống nhất triển khai kế hoạch trồng trên 5,4 triệu cây phân tán bảo vệ đê bao vùng sản xuất 3 vụ năm 2012, với hai loại cây chủ lực là cây tràm và cây bạch đàn, kinh phí tổ chức thực hiện trên 5,23 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách của tỉnh năm 2012. Xuất phát từ thực tiễn mùa lũ năm 2011, tại huyện Chợ Mới bà con nông dân đã hiến số lượng cây tràm, bạch đàn cho bảo vệ đê bao trị giá trên 3 tỷ đồng, góp phần chống lũ, bảo vệ vững chắc cho toàn bộ lúa vụ 3 của toàn huyện.
Với hai loại cây tràm và bạch đàn được trồng theo tuyến đê bao sẽ có tác dụng rất tốt, vừa bảo vệ đê bao, vừa là nguồn cung cấp gỗ tại chỗ để làm cọc trụ, làm kè bảo vệ đê, phòng cản lũ rất hiệu quả, phục vụ kịp thời cho việc bảo vệ các vùng đê bao sản xuất 3 vụ trong tỉnh. Đây cũng là nguồn gỗ gia dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống người dân. Mục tiêu còn nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán trong tỉnh, nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh An Giang lên đạt 20,23% năm 2012, tạo cảnh quan bóng mát, phòng hộ môi trường, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trồng cây gây rừng vùng ven biển, đầm phá ở Thừa Thiên-Huế
Ngay sau Tết, cư dân nhiều địa phương vùng ven biển, đầm phá ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tham gia trồng cây, chăm sóc và bảo vệ rừng phòng hộ. Vùng ven biển xã Điền Môn, huyện Phong Điền trước đây là những rú cát hoang hóa, nay phủ xanh rừng phòng hộ với cây phi lao và tràm. Từ năm 2005 đến nay, vào những ngày đầu xuân, xã Điền Môn đã huy động cộng đồng trồng cây, đến nay đã trồng mới được gần 300ha rừng phòng hộ trên vùng cát ven biển; đồng thời, chăm sóc, bảo vệ 300ha rừng đã trên 7 năm tuổi. Đối với người dân thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, huyện Hương Trà thì Tết xong là thời điểm thích hợp nhất để trồng, chăm sóc cây ngập mặn tại khu vực đất ngập nước ven phá Tam Giang, vì đầu xuân, thời tiết ấm hơn, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.
Thôn Thuận Hòa đã thành lập hội đoàn gồm 40 người để trồng 4.000m2 rừng ngập mặn tại Cồn Tè với 2.200 loài cây, gồm: bần, sú, mắm, đước; đồng thời, bảo vệ, phát triển 5 ha rừng rú chá. Từ thành công đó, thôn Thuận Hòa sẽ mở rộng diện tích trồng rừng ngập mặn lên là 70ha; trong đó, khu vực Cồn Tè trồng hơn 30ha, bao gồm các loại cây như bần, mắm, dừa nước... Năm 2012, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu trồng và chăm sóc tốt 5.000 ha rừng tập trung và trên 400 nghìn cây xanh các loại. Thừa Thiên - Huế phấn đấu đến năm 2015, tiếp tục quản lý, bảo vệ được 12.000ha rừng vùng cát ven biển, đầm phá; trồng mới 1.150ha với các loại cây như keo, phi lao và ngập mặn...
Ninh Thuận phát triển cây xanh đô thị
Cùng với việc chấn chỉnh công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị, tỉnh Ninh Thuận đồng thời triển khai thực hiện chủ trương "Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh-sạch-đẹp". Theo đó, các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh Ninh Thuận đang tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý cây xanh đô thị; triển khai hoàn thành công tác lập quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh; quy hoạch quĩ đất xây dựng vườn ươm; rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các qui định liên quan công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh triển khai ngầm hóa hệ thống hạ tầng điện, viễn thông, truyền hình; nghiên cứu chính sách đầu tư để huy động nguồn lực xã hội phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Khi xem xét bố trí nguồn vốn và thẩm định các dự án công sở, trường học đảm bảo bố trí các hạng mục cây xanh sân vườn; các công trình giao thông đô thị có vỉa hè phải đảm bảo hạng mục cây xanh đường phố đồng bộ trong dự án.
Các sở, ngành, đơn vị theo chức năng triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phát triển cây xanh đô thị; triển khai thực thực tốt phong trào trồng chăm sóc, bảo vệ phát triển cây xanh, đưa tỉ lệ phủ xanh trụ sở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đường phố, khu dân cư trở thành một trong những tiêu chí đánh giá bình xét thi đua khen thưởng hàng năm của các đơn vị.
Thực hiện tốt Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh - sạch” và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, ngày 6/2/2012 (ngày 15 tháng Giêng âm lịch), tỉnh Ninh Thuận sẽ đồng loạt ra quân trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh ở các tuyến đường thôn, khu phố; các khu vực Đài Liệt sĩ, Đài Tưởng niệm, cơ quan, trường học, bệnh viện và địa bàn dân cư; đồng thời lồng ghép các hoạt động vệ sinh môi trường tại các khu vực công cộng, địa bàn dân cư, bờ biển và các lưu vực ven sông trên địa bàn toàn tỉnh./.
PV - tổng hợp