Thứ Hai, 25/11/2024
Môi trường
Thứ Hai, 6/2/2012 16:36'(GMT+7)

Kiểm soát ô nhiễm môi trường xuyên biên giới: Phải làm thật chặt

Kiểm soát ô nhiễm môi trường xuyên biên giới và vùng biển ở Việt Nam còn ít được quan tâm.

Kiểm soát ô nhiễm môi trường xuyên biên giới và vùng biển ở Việt Nam còn ít được quan tâm.

Vùng biển ven bờ tây Vịnh Bắc bộ giáp vùng biển Trung Quốc và có lưu vực liên quan đến một số nước Đông Nam Á. Các vấn đề liên quan đến ô nhiễm xuyên biên giới ở đây bao gồm ô nhiễm qua các con sông liên quốc gia như sông Hồng, sông Cả, sông Mã... Ô nhiễm không khí và ô nhiễm môi trường nước thông qua dòng chảy biển như tràn dầu, rác thải biển, sự vận chuyển các chất độc hại, phá dỡ tàu cũ và sinh vật ngoại lai xâm hại khá phổ biến song theo các chuyên gia, hiện kiểm soát ô nhiễm môi trường xuyên biên giới ở Việt Nam và vùng biển ven bờ tây Vịnh Bắc bộ còn ít được quan tâm.

Báo động từ tràn dầu, phá dỡ tàu, ô nhiễm sông xuyên quốc gia...

Hiện tượng dầu tràn đã xuất hiện trong vùng biển ven bờ Tây Vịnh Bắc Bộ trong nhiều năm với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Đặc biệt vụ tràn dầu tháng 2-2007 là vụ tràn dầu lớn, gây tổn thất nặng nề về mặt kinh tế đối với các tỉnh ven biển khi hiện tượng tràn dầu diễn ra trong nhiều ngày và lượng dầu thu gom được lên tới trên 1.721 tấn.

Phá dỡ tàu cũ trong vùng biển ven bờ tây Vịnh Bắc Bộ cũng đang trở thành mối đe dọa môi trường. Theo tổ chức Hòa Bình Xanh, đến năm 2010, có trung bình khoảng 3.000 tàu phá dỡ mỗi năm, thải ra môi trường biển nhiều chất độc hại như thủy ngân, đồng, chì, kém, sắt và phóng xạ, hợp chất xyanua hữu cơ và cặn bể chứa nước rửa tàu có nhiều vi khuẩn và sinh vật ngoại lai...

Vấn đề chuyên chở chất thải xuyên biên giới cũng là vấn đề "nóng” tại các cảng, nhất là do "gác cổng” không chặt để xảy ra nhiều vụ nhập khẩu trái phép các chất gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại cảng Hải Phòng đang tồn tại khoảng gần 7.000 tấn "thép phế liệu”, chủ yếu là chất thải dạng vỏ lon, hộp, thùng kim loại đã qua sử dụng chứa nước giải khát, thực phẩm, dầu mỡ, sơn, hóa chất, dung môi hữu cơ...

Kết quả điều tra cũng cho thấy ô nhiễm nguồn các hệ thống sông xuyên biên giới đang là vấn đề nhức nhối nhất. Sông Hồng là con sông liên quốc gia có lưu lượng lớn nhất trong khu vực, bắt nguồn từ vùng núi Ngụy Sơn, Vân Nam Trung Quốc. Đến Lào Cai, sông Hồng nằm trọn trong lãnh thổ Việt Nam, qua phía đông Hà Nội, đổ ra cửa biển Ba Lạt.

Hàng năm, vùng nước ven bờ cửa Ba Lạt tiếp nhận từ nguồn thải sông Hồng khoảng 37,3 tỷ m3 nước ngọt trong đó có đến 232 nghìn tấn BOD, 353 nghìn tấn COD, 31 nghìn tấn nitơ, hơn 7 nghìn tấn phốt pho và 29 triệu tấn TSS (chất thải hữu cơ), hơn 4 nghìn tấn kim loại nặng, 210 tấn thuốc trừ sâu, 343 tấn phân hóa học và hơn 13 nghìn tấn dầu mỡ. Nguồn thải này bao gồm từ các cơ sở sản xuất công, nông nghiệp, thương mại, đô thị trên lãnh thổ Việt Nam và một phần không nhỏ từ lưu vực nằm trên lãnh thổ Trung Quốc đưa sang.

Chế tài xử lý chưa đủ mạnh

TS. Lưu Văn Diệu, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, người trực tiếp điều tra nghiên cứu vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới cho biết hiện hành lang pháp lý để xử lý những vụ ô nhiễm môi trường xuyên biên giới còn rất yếu (có tới 77% sự cố tràn dầu trên hải phận nước ta chưa được bồi thường hoặc đang trong quá trình giải quyết).

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước bắt đầu từ việc hoàn thiện khung pháp lý về vấn đề này là đòi hỏi cấp bách số một. Việt Nam cần tham gia các công ước quốc tế và khu vực để hợp tác, ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực. Tăng cường xây dựng thể chế, luật pháp có liên quan nhằm ngăn chặn hiện tượng ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, trong đó tập trung vào các biện pháp ngăn ngừa việc vận chuyển trái phép chất thải, du nhập sinh vật ngoại lai hay hành động cố tình hay vô ý gây ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.

Các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý vấn đề môi trường xuyên biên giới, làm cơ sở đánh giá tình trạng và xu thế biến động môi trường trong khu vực, bằng cách tăng cường tiến hành quan trắc đánh giá các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới tại các vùng biển trên cơ sở hoạt động của các Trạm quan trắc môi trường quốc gia tại khu vực ven biển và biên giới tiếp giáp với các nước láng giềng. Bổ sung thông số quan trắc trong vùng biển ven bờ như tình trạng rác thải, váng dầu trong khu vực.

Cùng với đó, nhất thiết phải nâng cao nhận thức về tác hại của các vấn đề môi trường xuyên biên giới đối với môi trường sinh thái, sức khỏe con người và kinh tế xã hội; tăng cường hợp tác giữa các nước trong khu vực và các tổ chức quốc tế để từng bước giảm thiểu tác động bất lợi của ô nhiễm./.

(Theo: Kim Vũ/Đại Đoàn Kết)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất