Chủ Nhật, 6/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 2/4/2011 16:11'(GMT+7)

Hiệu quả của Chương trình Tiết kiệm năng lượng

An ninh năng lượng đang là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Vấn đề là cần phải sử dụng tiết kiệm năng lượng đi đôi với hướng tới việc sử dụng năng lượng tái tạo cũng như khai thác đúng mức nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tại một số địa phương, việc tiết kiệm năng lượng đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đạt được hiệu quả tích cực bước đầu.

Những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam luôn xác định rõ việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một mục tiêu quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững của mình.

Trong giai đoạn 2006-2011, Tập đoàn đã triển khai nhiều chương trình, như tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiết kiệm điện trong nhân dân và khách hàng sử dụng điện; chương trình giảm tổn thất điện năng trong truyền tải, phân phối và kinh doanh bán điện; Chương trình quảng bá các sản phẩm tiết kiệm điện…

Bên cạnh đó, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều biện pháp trong quản lý kỹ thuật và quản lý kinh doanh kết hợp với đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.

Kết quả tiết kiệm do giảm tỷ lệ tổn thất điện năng từ năm 2006 đến năm 2009 đạt trên 2,1 tỷ kw/h điện. Tiết kiệm điện trong 4 lĩnh vực sử dụng điện là Cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp, sản xuất công nghiệp, sinh hoạt hộ gia đình dân cư và chiếu sáng công cộng đạt gần 4,5 tỷ kw/h.

Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: “Trong 5 năm thực hiện chương trình tiết kiệm điện, đầu tiên EVN đẩy mạnh chương trình truyền thông quảng bá để làm sao đưa được các thông điệp tiết kiệm điện đến cho hộ sử dụng điện. Thứ 2 có một hỗ trợ với các nhà sản xuất đèn Rạng Đông, Philips, Điện quang, để đưa mức tiêu thụ đèn compact ở thị trường Việt Nam trước đây chỉ từ 3 triệu -  5 triệu đèn lên mức 30 triệu đèn”.

Việc tiết kiệm năng lượng không chỉ nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mà còn nhận được sự hưởng ứng của các địa phương trong cả nước. Thái Nguyên là một trong những địa phương như vậy, không chỉ được biết đến là cái nôi của ngành công nghiệp luyện kim mà Thái Nguyên còn là nơi tập trung nhiều trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện năng của tỉnh rất cao, công suất tiêu thụ hiện nay là 250 Mw, sản lượng điện cầu là 4,5 triệu kw/h/ngày, điện phục vụ sản xuất chiếm gần 80%.

Nhiều năm qua, Thái Nguyên đã tích cực triển khai thực hiện tiết kiệm điện trong nhiều lĩnh vực như sản xuất công nghiệp, công sở, chiếu sáng công cộng. Các doanh nghiệp ở Thái Nguyên đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến hợp lý dây chuyền công nghệ để giảm suất tiêu hao trên 1 đơn vị sản phẩm. Năm 2010, Thái Nguyên tiết kiệm khoảng 13 triệu kw/h điện.

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nơi có mức tiêu thụ điện năng khá lớn của quốc gia, vấn đề sử dụng tiết kiệm năng lượng cũng luôn được chính quyền và các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Dựa trên kết quả khảo sát mức tiêu thụ và tiềm năng tiết kiệm năng lượng của mỗi ngành, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch và chiến lược thực hiện nhằm giảm 5% năng lượng tiêu thụ của toàn thành phố.

Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố đã tiết giảm gần 790 triệu kw/h điện, tương đương 5,26% điện năng tiêu thị trong năm của toàn thành phố. Trong đó, hộ gia đình, tiết giảm được 350 triệu kw/h/năm; Hạ tầng đô thị tiết giảm được 160 triệu kw/h/năm; Lĩnh vực công nghiệp tiết giảm được 320 triệu kw/h/năm…

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng thành phố Hồ Chí Minh nói: “Sự chuyển đổi lớn nhất về vấn đề tiết kiệm năng lượng là nhận thức của xã hội tốt hơn trước rất nhiều. 5 năm qua khoảng 600 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minhh đã đầu tư hơn 1.200 tỷ vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng, đây là những con số mà có nhận thức rất lớn, từ nhận thức đã chuyển thành hành vi, tuy nhiên chúng ta vẫn phải làm tiếp, một doanh nghiệp có hành vi tiết kiệm năng lượng chúng ta phải trả lời cho họ là doanh nghiệp cần làm gì để tiết kiệm năng lượng? Nhà nước phải xây dựng các nguồn hỗ trợ sẽ thúc đẩy những việc làm của họ thành việc đầu tư phù hợp”.

Năm 2011 và các năm tiếp theo, vấn đề tiết kiệm năng lượng được đặt ra và trở nên cấp thiết với mỗi bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và địa phương. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta là rất lớn, một số tổ chức quốc tế cũng đang hỗ trợ Việt Nam triển khai nhiều dự án nhằm sử dụng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả trong sản xuất, sinh hoạt cũng như trong trong sản xuất năng lượng tái tạo. Nếu biết cách khai thác hợp lý thì tiềm năng to lớn của một quốc gia ven biển, tận dụng năng lượng nắng và gió để sản xuất điện năng lượng mặt trời, điện gió… tạo nên nguồn điện bổ sung cho quốc gia thì nước ta có thể giải quyết được vấn đề thiếu hụt năng lương trong tương lai. /.

Theo Chung Thuỷ/VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất