Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 5/2/2015 14:17'(GMT+7)

Hiệu quả giám sát công chức

(Ảnh minh hoạ: Báo Hải quan)

(Ảnh minh hoạ: Báo Hải quan)

Điểm nhấn quan trọng của kế hoạch này là lắp đặt camera tại các địa bàn có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn để công khai hóa quy trình thủ tục hải quan, thái độ ứng xử, phòng, chống tiêu cực của cán bộ công chức hải quan.

Quyết định nói trên của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã được các doanh nghiệp hoan nghênh và dư luận đồng tình, ủng hộ bởi lẽ lâu nay tình trạng cán bộ hải quan gây phiền hà, sách nhiễu, vòi vĩnh… doanh nghiệp đã xảy ra nhưng doanh nghiệp chẳng dám nói; lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng biết nhưng lại thiếu các bằng chứng để xử lý kỷ luật. Hy vọng với các thiết bị giám sát hiện đại, hiệu quả công tác giám sát công chức hải quan sẽ được nâng cao.

Thực ra, dùng camera để giám sát cán bộ công chức không phải là một việc mới mẻ trên thế giới và Việt Nam. Nhiều nước đã áp dụng công nghệ này để giám sát công chức của họ. Tại Việt Nam, từ năm 2012 huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã triển khai gắn camera giám sát công chức làm việc trên địa bàn toàn huyện. Qua hơn 2 năm, đội ngũ công chức của huyện Xuân Lộc đã tiến bộ về nhiều mặt, chất lượng công việc chuyên môn được nâng lên, nhất là ý thức tự giác làm việc và thái độ ứng xử có văn hóa với nhân dân. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã thí điểm lắp đặt camera quan sát ở một số cơ quan và kết quả là đã nâng cao hiệu quả công tác giám sát đối với đội ngũ công chức trong tỉnh.

Xét về góc độ kinh tế, giá một camera giám sát hiện nay chỉ vào khoảng từ 2 đến 3 triệu đồng, kinh phí lắp đặt quá nhỏ so với hiệu quả mà hệ thống camera giám sát mang lại. Thế nhưng trên thực tế, việc triển khai nhân rộng mô hình này lại khó khăn, nhiều cơ quan không muốn làm, nhiều cán bộ công chức né tránh.

Lâu nay, người dân và doanh nghiệp vẫn hay kêu ca về thái độ phục vụ của các cơ quan công quyền. Công chức thường bắt dân phải chờ với những lý do rất trời ơi như “hôm nay cơ quan có... đám cưới”, “cán bộ bận đi họp” nhưng thực tế là đi uống cà phê. Chuyện công chức bê trễ công việc, la cà quán xá dù đang trong giờ làm việc, chơi điện tử ở trên máy vi tính trong phòng làm việc không phải là cá biệt. “Ăn cắp” giờ công để làm việc riêng đã trở thành căn bệnh trầm kha nhưng chưa có “thuốc đặc trị” nên nó vẫn lây lan và gây hại cho dân, lãng phí tiền của Nhà nước, khi hằng tháng tiền thuế của dân vẫn phải chi trả lương cho cán bộ kể cả thời gian “bỏ nhiệm sở”. Chính vì thế, người dân rất hoan nghênh và chắc chắn sẽ chẳng tiếc khi phải bỏ tiền chi cho hệ thống camera giám sát hiện đại đối với công chức.

Tuy nhiên, camera giám sát cũng chỉ là một công cụ do con người điều khiển. Để nâng cao hiệu quả giám sát đối với đội ngũ cán bộ công chức, nếu chỉ dùng camera giám sát vẫn chưa đủ. Vấn đề quan trọng là phải có cơ sở pháp lý đầy đủ và chặt chẽ cho công tác giám sát này. Đồng thời, có những chế tài mạnh, đủ sức răn đe đối với công chức sai phạm. Trước mắt, cần phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thành tiêu chuẩn chức danh công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi tuyển công chức theo phương thức cạnh tranh nhằm xốc lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, để nâng cao chất lượng bộ máy Nhà nước, nâng cao hiệu lực hiệu quả phục vụ nhân dân. Các “đường dây nóng” giám sát công chức cũng cần được phát huy hiệu quả trong thực tiễn./.

Đỗ Phú Thọ (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất