Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh thẳng thắn nhìn nhận
những vấn đề khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải giải
quyết trước xu thế hội nhập mạnh mẽ, trong cuộc gặp gỡ báo chí chào xuân
2015.
“Khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thì Việt Nam phải chấp nhận luật chơi chung của quốc tế.
Tuy nhiên, tôi thật sự lo lắng bởi các công tác chuẩn bị còn chưa kịp
thời, môi trường kinh doanh chưa tốt, còn rất nhiều khó khăn, bộ máy
cũng chưa sẵn sàng. Đặc biệt, tôi lo lắng nhất là các doanh nghiệp chưa
có đủ thông tin và sự chuẩn bị đầy đủ cho tiến trình hội nhập.”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh thẳng thắn nhìn nhận
những vấn đề khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải giải
quyết trước xu thế hội nhập mạnh mẽ, trong cuộc gặp gỡ báo chí chào xuân
2015.
"Việt Nam đàm phán thì mạnh mẽ..."
- Năm 2015 là một năm“đặc biệt”với tiến trình hội nhập kinh tế quốc
tế của Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về mức độ thích ứng của
Việt Nam trong tiến trình hội nhập?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Có thể nói thời gian qua Việt
Nam đã đưa ra những quan điểm hội nhập quốc tế rất mạnh mẽ. Tôi cho
rằng đó là chủ trương đúng, vì hội nhập quốc tế sẽ tạo ra không gian
phát triển, thị trường rộng lớn hơn cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam
phải chấp nhận luật chơi chung của quốc tế đồng thời phải sửa đổi bổ
sung, hoàn thiện tất cả các luật lệ, các thể chế kinh tế, môi trường đầu
tư kinh doanh theo hướng phù hợp với thế giới, với các cam kết hiệp
định.
Hơn nữa, những cam kết này thường là những xu thế tiên tiến của thế
giới, là sự văn minh nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi cho doanh
nghiệp và người dân đồng thời thúc đẩy các nền kinh tế luôn phải tự làm
mới mình để có thể tiến kịp thế giới hội nhập.
Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt, tôi thật sự lo lắng bởi các công tác
chuẩn bị hội nhập còn chưa kịp thời, môi trường kinh doanh vẫn chưa tốt,
còn rất nhiều khó khăn và bộ máy cũng chưa sẵn sàng. Đặc biệt, tôi lo
lắng nhất là việc các doanh nghiệp chưa có đủ thông tin và sự chuẩn bị
đầy đủ cho tiến trình hội nhập
Bởi, nếu mà chuẩn bị không tốt thì Việt Nam không những không tận dụng
được những lợi thế từ hội nhập thậm chí có thể còn bị cạnh tranh ngay
trên sân nhà.
Bây giờ, điều quan trọng nhất là phải thực hiện tuyên truyền, tập huấn
cho mỗi doanh nghiệp từ “bé” đến “lớn”. Với các hiệp định thương mại tự
do, họ phải hiểu, phải biết sẽ đối mặt với cái gì, cần có giải pháp gì
để vượt qua những trở ngại đó cũng như tận dụng được lợi thế đồng thời
có những quyết sách ngăn chặn các hệ quả xấu từ quá trình hội nhập đối
với doanh nghiệp, đối với kinh tế đất nước.
Hai việc này đều phải làm quyết liệt như nhau, song tiếc rằng vừa qua
Việt Nam thực hiện đàm phán tham gia hội nhập thì rất mạnh mẽ và hiệu
quả, nhưng khâu triển khai trong nước đến các doanh nghiệp, đến các
chính quyền địa phương, đến các bộ ngành về những thách thức phải đối
mặt, những giải pháp để vượt qua là chưa có. Đó là điều đáng lo và cần
phải làm ngay.
"Đừng so sánh với chính chúng ta của 30 năm trước"
- Quay trở lại kinh tế trong nước, thưa ông đâu là những động lực
mới cho phát triển đất nước, khi dư địa của những động lực tăng trưởng
cũ đang dần tới hạn?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Thời gian vừa qua, Việt Nam
đã làm được rất nhiều việc với thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi
mới. Năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình ở
mức thấp.
Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng không nên chỉ có những so sánh dọc,
đừng chỉ so sánh với chính “chúng ta” của 30 năm trước mà cần phải có
những so sánh ngang.
Trong các cuộc đua, Việt Nam cũng cần phải so với những “vận động viên”
trong khu vực cũng như xác định thứ hạng đứng trên “bản đồ” kinh tế thế
giới.
Trong môi trường chung đó, Việt Nam đã có những thành tựu rất lớn, tuy
nhiên những động lực tăng trưởng, phát triển đất nước trong những năm
qua là theo chiều rộng (dựa vào tài nguyên thiên nhiên, khai thác dầu
lửa xuất khẩu, khai thác than…, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư).
Những động lực này tới này vẫn tiếp tục phải dùng, song trong môi trường
quốc tế cạnh tranh quyết liệt thì những yếu tố trước đây nó không còn
nhiều dư địa nữa.
Thời gian tới, không chỉ riêng Việt Nam, các quốc gia khác trên toàn cầu
muốn phát triển mạnh, tăng trưởng mạnh, xuất khẩu mạnh thì phải dựa vào
năng lực cạnh tranh từ nền kinh tế quốc gia.
Động lực tăng trưởng mới sẽ dựa trên những tiến bộ khoa học và năng suất
lao động. Hai yếu tố này có thể làm nên những đột phá cho các doanh
nghiệp biết cách tận dụng nó, từ đó các sản phẩm của họ sẽ có tính cạnh
tranh, đủ sức đánh bại các đối thủ để vươn lên.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của Chính phủ là tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi thúc đẩy những nhân tố này phát triển.
"Made in Vietnam nhưng ai cũng biết đó là của Hàn Quốc"
- Để tăng trưởng bền vững cần phải dựa vào các động lực từ bên
trong, tuy nhiên hoạt động của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI)
vẫn đang chiếm ưu thế và chiếm gần 70% tổng giá trị xuất khẩu trong
năm 2014, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trong năm 2014, doanh nghiệp
FDI xuất khẩu chiếm 68% trong tổng kim ngạch 150 tỷ USD của Việt Nam,
như vậy là quá cao và điều rất đáng phải suy nghĩ.
Nhìn từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài thì đây là thành quả, nhưng nếu
nhìn ở góc độ “sức khỏe” nền kinh tế thì lại là một điều cần phải trăn
trở. Bởi bản thân nhà đầu tư nước ngoài, họ cũng cần những doanh nghiệp
nội địa “khỏe” để có thể tham gia vào chuỗi công nghiệp phụ trợ .
Một điều quan trọng hơn tất cả, Việt Nam rất cần có những doanh nghiệp
đủ mạnh để có thể tiếp thu được những tinh hoa, công nghệ mới từ các nhà
đầu tư nước ngoài.
Một nền kinh tế tự chủ phải có một lực lượng doanh nghiệp mạnh để có thể xây dựng được thương hiệu Việt Nam.
Sản phẩm điện thoại Samsung xuất khẩu khắp thế giới đều dán “Made in
Vietnam” nhưng ai cũng biết đó là của Hàn Quốc. Không ai nghĩ rằng các
sản phẩm đó là của doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù có thể tỷ lệ nội địa
hóa ngày càng tăng nhưng họ vẫn thấy rằng đó là Samsung-Hàn Quốc.
Tôi nhắc lại, doanh nghiệp tư nhân phải trở thành động lực phát triển
quan trọng nhất của đất nước. Doanh nghiệp tư nhân là của người dân, lấy
dân làm gốc, tạo điều kiện cho người dân cũng có nghĩa là phải chăm lo
đến doanh nghiệp tư nhân, để có những sản phẩm thuần túy 100% Việt Nam.
Trong ngay 2015, Việt Nam phải đưa ra nhiều chính sách hơn nữa, tháo gỡ
những khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy doanh nghiệp vừa
và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Doanh nghiệp tư nhân phải trở thành nền tảng, thành động lực quan trọng
nhất để đóng góp vào tăng trưởng, ổn định nền kinh tế Việt Nam. Tôi
khẳng định nếu không làm được điều này, Việt Nam không bao giờ có được
tăng trưởng tốt, không bao giờ có được nền kinh tế vững mạnh và tự
chủ./.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)