Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 3/2/2015 9:57'(GMT+7)

Lòng Dân với Đảng

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Suốt chiều dài lịch sử 85 năm qua, Đảng ta đã gánh vác và hoàn thành trọng trách lớn lao mà lịch sử dân tộc lựa chọn, nhân dân giao phó, lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Thành tựu đó đã chứng minh sinh động chân lý: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất được lịch sử dân tộc lựa chọn; nhân dân tin tưởng, giao phó trọng trách cầm quyền. Vượt qua nhiều khúc quanh đầy cam go của lịch sử, Đảng ta thật sự xứng đáng là người “đứng mũi, chịu sào” trước vận mệnh của dân tộc. 

Tuy nhiên, cùng với thành tích vẻ vang, quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta cũng bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đây là thách thức lớn đối với Đảng, bởi nó không còn là nguy cơ, mà đã hiện hữu trong Đảng, bộ máy chính quyền và đời sống xã hội. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; tha hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí, xa dân… Cùng với sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, những vấn đề trên đang đặt ra cho Đảng ta những yêu cầu mới về đổi mới, chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng.

Để thực hiện tốt việc đổi mới, chỉnh đốn Đảng, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải thật sự cầu thị, “tự soi, tự sửa”, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải trau rèn bản lĩnh chính trị, nắm vững, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tri thức mới vào quá trình công tác. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện tốt chế độ sinh hoạt tự phê bình và phê bình; giữ gìn sự đoàn kết, phát huy dân chủ trong Đảng và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Bên cạnh đó, cần quan tâm kiện toàn hệ thống tổ chức của Đảng; bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định để đảng viên, quần chúng phát huy dân chủ, tham gia vào quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Đảng cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng trong bộ máy Đảng, chính quyền, đặc biệt là phát huy vai trò, năng lực kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra các cấp; sự giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân trong bộ máy công quyền. Quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định của Đảng, Nhà nước, nhằm tạo cơ chế, “hành lang pháp lý” giám sát hiệu quả, ngăn chặn nguy cơ tha hóa quyền lực, độc đoán, chuyên quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các tổ chức Đảng, hệ thống chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên; kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống…, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đây là yêu cầu khách quan đã được lịch sử lựa chọn, thực tiễn chứng minh, nhân dân tin yêu, thừa nhận. Tuy nhiên, để củng cố niềm tin đó, trước sự phát triển không ngừng của thực tiễn, khi thời cơ và thách thức đan xen, đòi hỏi Đảng ta phải thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, trẻ hóa, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt… có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, thực sự vì dân, là công bộc của dân, như lời căn dặn của Bác Hồ. Đó cũng là “thông điệp” mà đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân mong đợi, gửi gắm đến Đảng cầm quyền./.

Nguyên Thắng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất