Thời gian gần đây dư luận xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt quan tâm và bức xúc trước việc giá xăng dầu liên tục giảm, nhưng giá cước vận tải bằng ô tô không giảm theo hoặc có giảm nhưng giảm nhỏ giọt.
Bức xúc vì mỗi khi xăng dầu tăng giá, các hãng vận tải lập tức tăng giá cước. Nhưng khi xăng dầu giảm giá mạnh, thậm chí giảm giá liên tiếp, thì nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn làm ngơ hoặc giảm giá một cách nhỏ giọt. Việc này khiến người tiêu dùng phải trả một mức giá “vô lý”.
Các doanh nghiệp đưa ra lý do, cần có thời gian, cần phải cân đối lại đầu vào… nên chậm đưa ra mức giảm giá. Thậm chí có đơn vị cho rằng giá xăng dầu giảm, nhưng một số chi phí khác lại tăng nên chưa thể giảm giá. Giải thích như vậy khiến dư luận càng bức xúc vì chẳng nhẽ các doanh nghiệp kinh doanh bao nhiêu năm lại không nắm được tỉ lệ giá xăng dầu trong cơ cấu giá vận tải? chẳng nhẽ từ trước đến nay các doanh nghiệp đưa ra mức giá theo kiểu áng chừng? Thật không thuyết phục.
Trước thực trạng này, thời gian đầu, các cơ quan chức năng cũng chỉ có thể đưa ra những đề nghị quản lý chặt, yêu cầu các doanh nghiêp giảm giá. Vì thực tế chưa có chế tài phạt việc không giảm giá nên khi doanh nghiệp không giảm giá thì xử lý như thế nào, ai phạt?
Người bán muốn bán giá cao, người mua muốn mua giá rẻ là điều rất bình thường. Tuy nhiên, khi giá đầu vào liên tục giảm mà đầu ra lại không giảm đã trở thành điều bất bình thường, trong điều kiện cạnh tranh của thị trường. Việc này cho thấy thị trường đã có vấn đề, việc cạnh tranh cũng có vấn đề vì các doanh nghiệp đều không muốn hạ giá để tạo chữ tín, hút được nhiều khách hàng hơn.
Tình trạng này đã buộc Bộ Tài chính phải “tuốt thanh kiếm lệnh”. Bộ Tài chính đề nghị, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải phối hợp với ngành tài chính yêu cầu doanh nghiệp tính toán, kê khai lại giá thành. Trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, công bố danh sách các doanh nghiệp không chịu giảm giá vận tải.
Để có sự tự nguyện, có sự tự điều chỉnh, ngoài sự tác động của các cơ quan nhà nước để chống độc quyền, chống việc làm giá thì người tiêu dùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Người tiêu dùng hãy có cách ứng xử đúng, chọn đi những hãng giữ chữ tín, biết quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng, không chọn sử dụng những hãng làm ăn kiểu chụp giật. Các hội bảo vệ người tiêu dùng cần phát huy tác dụng của mình, công khai những hãng không giảm giá theo chiều hướng chung, hướng người tiêu dùng của mình tới những hãng làm ăn đúng đắn biết điều chỉnh hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước. Chỉ khi người tiêu dùng không chỉ bày tỏ bức xúc mà thể hiện bằng hành động của mình mới có thể tác động đến thị trường, để thị trường tự điều chỉnh theo đúng quy luật. Việc này cũng buộc và khích lệ các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình, muốn lâu dài, bền vững thì phải xây dựng được chữ tín trong cơ chế thị trường./.
Xuân Dũng (QĐND)