Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 11/5/2009 17:9'(GMT+7)

Hồ Chí Minh biểu tượng của khối đại đoàn kết, niềm tin, niềm kiêu hãnh cho dân tộc Việt Nam


Trong tiến trình lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết, niềm tin, niềm kiêu hãnh cho dân tộc Việt Nam vượt qua nhiều thử thách lịch sử.Việt Nam - Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của nhân dân thế giới trong quá trình giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước mình. Thế mà, thời gian gần đây, đã có một số cuốn sách, một số bài viết mang tính “phản sử”, “phản tâm”, “phản văn hoá” đối với hình tượng Hồ Chí Minh. Họ không hiểu hay cố tình xuyên tạc về Người. Dưới đây tôi xin được góp thêm một vài ý kiến khảng định lại dưới góc độ lịch sử.

1. Hồ Chí Minh là sự hiện thân lịch sử, đáp ứng yêu cầu giải phóng dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, lịch sử Việt Nam dường như đứng trong ngõ cụt của tiến trình đấu tranh vì độc lập. Trước sự xâm lăng của thực dân Pháp, Việt Nam bị phân hoá sâu sắc về khối đại đoàn kết dân tộc, Triều đình Nguyễn do còn có những cấn cá đối với phong trào nông dân Tây Sơn, nên không đủ bản lĩnh vượt qua hố sâu ngăn cách giữa triều đình và muôn dân, không hợp được ý chí của dân với trách nhiệm là trụ cột cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm (như triều Lý, triều Trần từng thực hiện rất tốt). Bên cạnh đó còn phải kể đến việc những đề nghị canh tân do các bậc trí thức đương thời (đứng đầu là Nguyễn Trường Tộ) tấu trình lên Vua Tự Đức, đã không được triều đình đồng thuận, làm lỡ mất cơ hội chấn hưng đất nước (điều mà Vua Minh Trị của Nhật Bản đã thực hiện được từ 1868). Những hạn chế như vậy, cộng với một sự khác biệt về trình độ phát triển xã hội, khả năng tác chiến và nhất là tính hiện đại của vũ khí mà thực dân Pháp có được, đã đặt nước ta vào thế tương quan hoàn toàn không tương xứng với kẻ thù. Khi ấy, thực dân Pháp là chủ nghĩa tư bản phát triển tới giai đoạn cần phải xâm lược thuộc địa, trong khi đó Việt Nam là một quốc gia phong kiến lạc hậu. Cuộc đụng đầu lịch sử giữa chủ nghĩa thực dân với chủ nghĩa phong kiến trên đất nước ta toàn khác với các cuộc đụng đầu giữa chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa phong kiến tại Pháp vào những năm 1848 và sau đó là cuộc nã pháo của Na - Pô-Lê-ông vào thành trì phong kiến châu Âu. Thực dân Pháp không muốn tiêu diệt triều đình phong kiến nhà Nguyễn mà chúng chỉ âm mưu thủ tiêu thực quyền của nhà Nguyễn, biến những ông vua nhà Nguyễn thành bù nhìn, làm công cụ cho “nước mẹ Đại Pháp” thực thi âm mưu áp bức nô dịch và vơ vét sức người sức của dưới chiêu bài “khai hoá văn minh”. Trong bối cảnh mà những lực lượng tiến bộ trong triều đình Nguyễn cho dù chưa mất hết ý thức dân tộc (dẫu mất ngôi vua vẫn kháng Pháp, dẫu mất áo mũ cân đai cũng rời bỏ kinh thành đi lập căn cứ kháng chiến); và dân chúng cũng không ngớt đứng lên theo ngọn cờ chính nghĩa...nhưng rốt cuộc tất thảy các cuộc khởi nghĩa đều bị kẻ thù “dìm trong bể máu”. Trong sự bất thành của khởi nghĩa vũ trang do các bậc sĩ phu phong kiến khởi xướng (phong trào Cần Vương), kể cả do nông dân lãnh đạo (Hoàng Hoa Thám), có một khuynh hướng cứu nước khác đi theo con đường duy tân (tiêu biểu là Cụ Phan Châu Trinh), thậm chí còn hướng tới sự cầu viện nước Nhật “đồng văn đồng chủng” (tiêu biểu là cụ Phan Bội Châu); và cao hơn là một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền do Việt Nam quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học lãnh đạo...cũng lại nếm mùi thất bại. Điều này cho thấy mọi ngã đường đấu tranh giải phóng dân tộc mà không có chủ nghĩa Mác-Lênin dẫn đường thì đều có kết cục như nhau. Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc chính là sự hiện thân cho yêu cầu thời đại trên đất nước Việt Nam, chính bằng sự trải nghiệm cuộc đời hoạt động cách mạng (từ những công việc nặng nhọc nư lau chảo, cào tuyết, bồi bàn, đến những hoạt động sôi nổi trong phong trào công nhân Pháp); và với trí tụệ xuất chúng, Nguyễn Ái Quốc đã làm được một điều có tính quyết định, xoay chuyển thời cuộc, tạo bước đột biến cho lịch sử cách mạng Việt Nam: truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, sáng lập ra Đảng cộng sản Việt Nam.

Cuộc cách mạng mùa thu năm 1945 là hệ quả tất yếu sau 15 năm cách mạng nước ta vận động dưới ngọn cờ “độc lập dân tộc”, “giải phóng giai cấp” và hướng tới “chủ nghĩa xã hội” do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong cuộc cách mạng ấy, không chỉ có những người nông dân bị áp bức bóc lột được giải phóng và hân hoan mà ngay cả ông vua Bảo Đại cũng cảm nhận được giá trị thiêng liêng khi làm “công dân của một nước độc lập” . Suốt 65 năm qua, giá trị thiêng liêng mà cách mạng tháng 8 năm 1945 mang lại cho toàn thể nhân dân Việt Nam đã và ngày càng được lịch sử chứng minh. Như một lẽ đương nhiên, trong mọi cuộc cách mạng, lợi ích của đa số nhân dân lao động đạt được thì cũng sẽ tước đi những lợi ích của một nhóm người thuộc giai cấp thống trị trong nước và làm tiêu vong âm mưu thống trị của bọn phản động quốc tế, nên cũng không có gì lạ là vẫn còn có những kẻ quay lưng lại với lịch sử, cố tìm cách xoá nhoà dấu ấn của những cuộc cách mạng, của những người có công lãnh đạo cách mạng.

2. Hồ Chí Minh là hiện thân cho khát vọng hoà bình, bác ái của nhân loại:

Trước hết Nguyễn Tất Thành là một người theo chủ nghĩa yêu nước, những từ mới lạ mà chỉ có từ các nước tư bản phương Tây như “tự do, bình đẳng, bác ái”dù chưa thấm sâu vào nhận thức của Người nhưng dường như đã có sức lôi cuốn kỳ lạ, bởi nó là sự khơi gợi về đáp số lịch sử trong tình cảnh nước mất, nhà tan; từ đó trong tâm trí của Người (dù chỉ mới ở tuổi thiếu niên) âm thầm một khát vọng cháy bỏng “muốn được đi ra nước ngoài để xem các nước họ làm thế nào mà có được tự do, bình đẳng, bác ái; rồi sau đó sẽ trở về giúp đồng bào ta”. Rời xa những kỷ niệm ấu thơ trên núi Chung (thả diều cùng đám trẻ chăn trâu trong làng), rời xa hàng rào râm bụt, ngõ làng Trùa có lò rèn Cố Điền, có giếng nước trong; rời xa làng Sen, nơi có chiếc võng buông chùng và chiếc xa dệt vải của mẹ, nơi có gốc mít trong vườn nhà ông ngoại...Nguyễn Tất Thành lênh đênh trên con tàu buôn của Pháp, thực hiện cuộc hành trình bôn ba tìm đường cứu nước. Trong suốt 30 năm đi hết trời tây lại về trời đông, sự liên hệ giữa Nguyễn Tất Thành với quê hương đất nước chỉ là qua thông tin từ sách báo, từ những người bạn; còn lại, mối liên hệ thường nhật với bên ngoài là một phần thế giới đau khổ bị áp bức bóc lột. Tình cảm mà Nguyễn Tất Thành dành cho các cháu ở xóm thợ nghèo Pa ri của Pháp hay ở khu ổ chuột Hác lem của Mỹ chả có gì khác nhau; nỗi đau mà Nguyễn cảm nhận được khi nhìn thấy một người da đen bị chủ tàu xô xuống sóng biển ở lục địa đen, khi nhìn thấy người hành khất trên hè phố của quốc đảo sương mù, khi nghe vẳng từ một góc tối nhà lao của chính quyền Tưởng Giới Thạch...đều không có sự phân chia ranh giới. Có lẽ vì vậy mà khi đã trở thành Chủ Tịch nước, sang thăm Pháp và nhiều nước khác, Hồ Chí Minh đã được các cháu thiếu niên nhi đồng quốc tế trìu mến vẫy chào và ôm quàng vào cổ; những nghĩa cử như vậy chẳng có gì xa lạ với những cử chỉ mà thiếu niên nhi đồng Việt Nam quây quần múa hát cho Bác Hồ nghe, chờ được Bác chia kẹo. Sự khảng khái và tỏ rõ ý chí không gì có thể khuất phục với người đứng đầu bộ máy tình báo thuộc địa Pháp tại Pa ri, sự điềm tĩnh dùng tay bịt họng khẩu đại bác của người Pháp, nhưng lại rớm lệ mỗi lần gặp các đại biểu từ Miền Nam ra Bắc. Sự nén chặt trong lòng bao kỷ niệm thân thương về một gia đình, quê hương giàu truyền thống cách mạng, những kỷ niệm không thể kìm nén và bật ra khi Người ngồi tiếp chi gái mình, trong bữa cơm ấy hai chị em đã mừng mừng tủi tủi ôn lại nỗi đau mất mẹ, xa cha, xa anh. Sự kìm nén trong lòng nỗi đau “chưa một lần được vào Nam viếng mộ cha, nỗi đau vì “tội bất đễ” khi nghe tin anh trai mất, và cả sự thầm lặng đứng trước những bông huệ trắng (mà theo Chị Thanh kể lại rằng trong dịp tang Bà Hoàng Thị Loan, Tất Thành đã phải cảm nhận nỗi đau rời xa vĩnh viễn người Mẹ thân thương trước bàn thờ nghi ngút khói hương và những bông huệ trắng muốt). 50 năm xa quê, khi trở lại, dường như những kỷ niệm đau buồn vỡ oà nghẹn nấc trong trái tim của người con xa xứ để dấn thân vào cuộc vạn lý trường chinh vì sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Lần về thăm quê đầu tiên, Người còn nhớ như in lối đi xưa có hàng râm bụt và những đồ vật trong căn nhà Cụ Phó Bảng, Người cũng nhận ra bạn xưa từng ngồi câu cá ở ao làng, Người còn hình dung những trái mít lủng lẳng ở góc vườn nhà ông ngoại...Tất thảy những kỷ niệm âm thầm nửa thế kỷ đã vút lên thinh không những vần thơ “quê hương nghĩa nặng tình cao”. Rồi cho đến những ngày cuối đời, khi vui vầy với các em thơ, khi xới đất, tỉa cành cho cây, khi vỗ tay gọi đàn cá, lúc âm thầm viết những dòng “tuyệt mật” chứa chan một tình yêu thương vô bờ bến cho toàn thể dân tộc. Có phải chăng đó là sự hội tụ của các giá trị nhân văn cao cả, mà một nhà báo Xô Viết vào những năm 20 của thế kỷ trước đã tiên đoán: “Nguyễn Ái Quốc là hiện thân cho một nền văn hoá của tương lai”.

Nghị quyết của UNESCO về việc quyết định kỷ niệm trên toàn thế giới 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh, có đoạn viết: “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hoá hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.

Sự đánh giá trên đây do một tổ chức rộng rãi nhất thuộc Liên hợp quốc, có uy tín số một về tính khách quan trong đánh giá công lao của các danh nhân văn hoá nhân loại, đã mang lại niềm tự hào lớn lao, sâu sắc cho nhân dân ta.

3. Sự xuyên tạc đối với Hồ Chí Minh là xúc phạm lịch sử, làm tổn hại danh dự dân tộc và lương tri nhân loại:

Trong lịch sử các quốc gia nói chung, lịch sử dân tộc ta nói riêng, mỗi thời đại, ở từng điểm nút lịch sử đều có những con người được sinh ra như là một sự hiện thân “trời đất sinh ra để cứu chúng sinh thoát khỏi lầm than”. Hồ Chí Minh là một con người như vậy, Người chính là kết tinh, hội tụ nét đẹp truyền thống và tinh hoa giá trị văn hóa hàng bao thế kỷ. Hồ Chí Minh không phải là một đấng siêu linh kiểu như Phật Thích ca mâu ni hay Chúa Giê su, cũng không phải dáng dấp của những vị thần trong truyện cổ Hy Lạp, những nhân vật đó dù được một phần lớn nhân loại sùng bái, thờ cúng trong các chùa lớn hay tại các nhà thờ, cung điện…nhưng xét từ góc độ lịch sử, từ góc độ triết học thì những nhân vật như vậy chỉ là kết quả của một quá trình tưởng tượng, mơ ước được thoát khỏi những khổ cực, oan trái giữa đời thường. Đức Phật có từ hơn 5500 năm trước, Chú Giê su giáng thế hơn 2000 năm rồi, nhưng những dấu tích về “người thực, việc thực” vẫn chỉ là một bức tường siêu linh bao phủ. Ngày ngày, có hàng triệu tín đồ vẫn cung kính trước tượng Phật, dưới cây thánh giá, miệng niệm kinh và đọc thánh ca, nhưng có ai được nhìn thấy “hiện vật” gắn bó với đức Phật và đức chúa đâu? Trong khi đó, ngay từ khi Nguyễn Ái Quốc còn hoạt động trên xứ người, dù là ở Pháp, ở Liên Xô, hay ở Hồng Kông, Trung Quốc, Thái Lan, thì Nguyễn Ái Quốc (dưới nhiều tên gọi khác nhau) đều đã được những người chân chính cưu mang, giúp đỡ và quí trọng. Dù trước đây chính quyền thực dân Pháp đã ra sức tìm cách truy bắt Nguyễn Ái Quốc vì họ dự báo rằng “Nguyễn Ái Quốc sẽ là kẻ đặt cây thập tự cho sự cáo chung nền thống trị Pháp tại Đông Dương”, thì giờ đây tại ngôi nhà số 6, ngõ Công poăng (Pa ri) vẫn còn lưu giữ những hiện vật gắn với quãng thời gian Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng tại Pháp. Đặc biệt, trên một bức tường có vai trò như một bảo tàng lịch sử thế giới, nơi phác họa chân dung những nhân vật làm nên lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX, cũng đã được hiển hiện khuôn mặt rất Á đông của Hồ Chí Minh. Tại Quảng Châu, nơi khai sinh ra Việt Nam thanh niên cách mạng, nay vẫn được nước bạn lưu giữ như một bảo tàng về thời kỳ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin cho những người tinh tú từ Việt Nam. Ở xứ Chùa Vàng (Thái Lan), vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật về một thời Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng (với tên gọi Thầu Chín). Một luật sư người Anh đã tìm mọi cách cứu thoát Nguyễn Ái Quốc (với tên gọi Tống Văn Sơ) khỏi nhà giam; một em bé Thái Lan nhanh trí đánh lừa bọn mật thám để cứu Thầu Chín; một gia đình người Pháp rất nhiệt thành mời cho được Hồ Chí Minh về ở tại nhà mình trong quãng thời gian Người làm thượng khách của chính phủ Pháp; một nhà quay phim Thụy Điển vì khâm phục Hồ Chí Minh mà đem cả gia đình sang sinh sống tại Hà Nội để có được cơ may quay những thước phim vô giá về Hồ Chí Minh và đất nước anh hùng của Người. Những chuyện như vậy đều không phải do trí tưởng tượng của những người theo chủ nghĩa duy tâm, đó là một vài trong số những ngàn vạn câu chuỵện về Bác Hồ, chuyện được ghi chép bởi những con người có vinh hạnh từng được sống gần Bác hoặc được gặp Bác.

Suốt cả cuộc đời, Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã gắn bó và hiến dâng tất thảy mọi tình cảm thiêng liêng cho Tổ quốc, nhân dân. Trong tình cảnh đất nước bị xâm lăng, đồng bào bị xiềng xích nô lệ - sống một cuộc sống lầm than, bản thân Nguyễn Tất Thành bị đuổi học vì tham gia đấu tranh cách mạng, cha bị truất chức quan, anh trai và chị gái bị bắt giam; nên Người đã gộp tất cả nỗi đau riêng và nỗi đau chung thành nỗi đau duy nhất luôn âm ỉ trong lòng. Có lễ vì thé mà trong một lần về thăm quê (8/12/1961), Người đã rất xúc động tâm tình với bà con hai làng Kim Liên và Hoàng Trù: “Bà mẹ Bác mất ở Huế, miền Trung. Ông bố Bác mất ở Cao Lãnh, miền Nam. Quê hương Bác từ lâu thật sự là cả nước Việt Nam. Bác mong muốn được về thăm tất cả và mong muốn tất cả đều giàu đẹp”.

Ngày 9 tháng 9 năm 1969, trong không khí ảm đạm, u buồn của cả một dân tộc trước giờ phút chia xa vĩnh viễn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn đã xúc động đọc Điếu văn, với lời khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.”

Đó là một sự tổng kết khách quan lịch sử của cả một dân tộc đối với sự nghiệp và công lao vĩ đại của Hồ Chí Minh.

40 năm Người đã đi xa, nhưng giờ đây ngày mỗi ngày, tại Làng Sen và làng Hoàng Trù, trên Quảng Trường Ba Đình lịch sử, đã và vẫn sẽ có đoàn đoàn người tiếp bước nhau vô tận vào viếng thăm một con người bình thường giản dị lúc còn sống mà rất đỗi vĩ đại ngay cả lúc đi vào giấc ngủ vĩnh hằng. Đó không phải là một cuộc “hành hương” về với Chúa của những con chiên ngoan đạo, mà đó chính là một cuộc hành trình tới tương lai, cuộc hành trình bởi niềm tin được hun đúc từ tình cảm thiêng liêng, lòng biết ơn vô hạn đối với Hồ Chí Minh.

Vậy thì liệu rồi những bài viết xuyên tạc, bôi nhọ Hồ Chí Minh có ngăn được cuộc hành trình đó hay không?

Lịch sử sẽ cho câu trả lời, như dân tộc này đã từng viết nên lịch sử hào hùng dưới ánh sáng của tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh.

  • TS. Trần Viết Lưu
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất