Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 15/10/2008 22:30'(GMT+7)

Sắc lệnh hòa bình và chính sách kinh tế mới – Những bài học quý của cách mạng Tháng Mười

V.I.Lênin-Ảnh tư liệu

V.I.Lênin-Ảnh tư liệu

Nhưng, thế kỷ XX cũng là thế kỷ đau thương, tang tóc của nhân loại do chiến tranh xâm lược, tranh chấp thuộc địa chia lại thị trường thế giới do chủ nghĩa đế quốc gây nên. Hai cuộc đại chiến giới (1914-1918, 1939-1945) đã cướp đi biết bao nhiêu sinh mạng, đã huỷ diệt nặng nề môi sinh. Mức huỷ diệt của cuộc đại chiến sau lại cao hơn gấp bội cuộc đại chiến trước. Hai quả bom nguyên tử mà đế quốc Mỹ ném xuống Nhật Bản tháng 8-1945 đã báo động một nguy cơ to lớn của thế kỷ là chiến tranh nguyên tử huỷ diệt có thể nổ ra, nhân loại phải đề cao cảnh giác. Đã đến lúc “Khát vọng hòa bình không còn là của riêng ai”.

Đến nay, đầu thế kỷ thứ XXI, đấu tranh cho hoà bình đã trở thành mục tiêu chiến lược của tất cả các dân tộc yêu hoà bình, trọng chính nghĩa trên toàn thế giới. Tính liên tục lịch sử của cuộc đấu tranh đã khiến các chiến sĩ đấu tranh cho hoà bình không thể quên được sự kiện mở đầu cho hành trang thế kỷ của mình là “Sắc lệnh về hoà bình” của Lênin, được ban bố ngay sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.

Đó là lúc nhân dân lao động Nga vừa lật đổ chế độ chuyên chế Nga Hoàng, giải phóng các dân tộc bị áp bức xung quanh Nga, bước đầu giải phóng các giai cấp cần lao bằng luật làm 8 giờ một ngày cho công nhân, đưa lại ruộng đất cho nông dân, cải thiện đời sống cho trí thức và đặc biệt là đáp ứng khát vọng hoà bình của mọi tầng lớp nhân dân trước tai hoạ của chiến tranh.

Lúc đó chủ nghĩa đế quốc đã đã lôi kéo nước Nga vào cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất - một cuộc chiến tranh đế quốc nhằm chia lại thuộc địa và thị trường thế giới. Nước Nga bị kiệt quệ vì chiến tranh. Nhân dân lao động Nga không chỉ rên xiết dưới chế độ chuyên chế Nga Hoàng mà còn phải đi làm bia đỡ đạn cho chúng trên chiến trường phi nghĩa. Chấm dứt chiến tranh, củng cố hoà bình đang là khát vọng của nhân dân Nga cũng như của nhân dân lao động toàn thế giới.

Cho nên cách mạng Tháng Mười vừa nổ ra ngày 7-11 (theo lịch cũ của Nga) tức ngày 25-10-1917, thì ngay ngày hôm sau (ngày 8-11 tức ngày 26-10-1917) Lê nin đã công bố “Sắc lệnh về hòa bình” của nhà nước Xô Viết.

Mở đầu Sắc lệnh nêu rõ: “Chính phủ công nông do cuộc cách mạng ngày 24-25 tháng 10 thiết lập và dựa vào các Xô Viết đại biểu công nhân, binh sĩ và nông dân, đề nghị với nhân dân tất cả các nước tham chiến và với chính phủ của họ tiến hành ngay những cuộc đàm phán về một hoà ước dân chủ và công bằng… Đó là một hoà ước phải được ký kết ngay lập tức mà không có thôn tính (nghĩa là không xâm chiếm đất đai của nước ngoài, không có cưỡng ép sáp nhập các dân tộc khác) và không có bồi thường”(1).

Sắc lệnh lên án chiến tranh đế quốc và tuyên bố: “Tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh này để giải quyết việc các dân tộc giàu mạnh phân chia nhau như thế nào những dân tộc nhược tiểu mà chúng đã xâm chiếm được thì theo chính phủ (cách mạng Nga - VT), đó là một tội ác lớn nhất đối với nhân dân; cho nên chính phủ trịnh trọng tuyên bố quyết tâm ký kết ngay lập tức những điều kiện hòa ước để chấm dứt cuộc chiến tranh này...”(2).

Thực tế Sắc lệnh về hòa bình đã giúp cách mạng Nga rút ra khỏi chiến tranh, góp phần chấm dứt đại chiến thế giới thứ nhất, nêu cao tính chất chính nghĩa của cách mạng, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân lao động và các lực lượng hoà bình dân chủ trên toàn thế giới để tái thiết nước Nga, xây dựng xã hội mới. Từ đo,á các thế lực tiến bộ, các cuộc chiến tranh chính nghĩa trên thế giới đều lấy hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội làm mục tiêu phấn đấu.

Đối với dân tộc Việt Nam ta, bài học về tranh thủ hoà bình của Lênin được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng ngay sau cách mạng Tháng Tám: Từ Hiệp định 6 tháng 3 đến Tạm ước 14-9-1946… Cả đến khi thắng thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, Hồ Chủ tịch và Đảng ta vẫn luôn nêu cao mục tiêu hoà bình.

Ngày 15-7-1954 sau chiến thắng Điện Biên, Hồ Chủ tịch vẫn đưa lên hàng đầu nhiệm vụ: “Tranh thủ củng cố hòa bình, hoàn thành thống nhất, độc lập, dân chủ trong toàn quốc”(3).

Trong Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm 9 năm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1954), Hồ Chủ tịch đã kết thúc bằng hai khẩu hiệu quan trọng, nhấn mạnh đến cả hòa bình riêng cho dân tộc và hoà bình chung cho nhân loại:

“Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ muôn năm !

Lực lượng hoà bình dân chủ thế giới nhất định thắng lợi !”(4).

Tất nhiên trong khi còn phải chống mọi kẻ thù xâm lược, thì hoà bình không có nghĩa là thủ tiêu đấu tranh, không tăng cường sức mạnh quân sự. Chính trong Sắc lệnh về Hoà bình, Lênin cũng đã cảnh báo rằng: “Chúng ta đấu tranh chống sự dối trá của các chính phủ, trên lời nói thì tất cả đều nói về hòa bình, về công lý, nhưng trong việc làm lại tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược và cướp bóc...”(5). Nhân dân Việt Nam ta yêu chuộng hòa bình nhưng khi cần vẫn phải hy sinh xương máu để bảo vệ hoà bình.

Trong đấu tranh gìn giữ hoà bình, vai trò của quần chúng nhân dân là vô cùng quan trọng. Chính Sắc lệnh về hoà bình của Lênin (ra đời trong điều kiện chiến tranh) cũng đã nhấn mạnh: “Ở đâu cũng có sự bất hoà giữa chính phủ và nhân dân, cho nên chúng ta phải giúp nhân dân các nước can thiệp vào các vấn đề chiến tranh và hòa bình“(6).

Ngày nay cũng vậy, nhân dân thế giới đấu tranh cho hoà bình đã khiến các nhà cầm quyền phải đi vào giải quyết các tranh chấp đất đai, lãnh hải bằng thương lượng hoà bình, mong giữ cho được hoà bình, ổn định để phát triển. Sáng kiến hoà bình của Lênin rõ ràng đã là một cống hiến nổi bật trong thế kỷ XX.

Hoà bình ở Trung Đông, hoà hình ở một số nước châu Phi, ở Nam Phi, ở châu Á đang là dấu nối về sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình giữa hai thế kỷ XX và XXI. Hòa hợp dân tộc đang là một nét mới trong thắng lợi của đấu tranh cho hoà bình. Nguyện vọng tha thiết của nhân dân thế giới hiện nay là ngăn ngừa mọi âm mưu gây chiến, loại trừ vũ khí hạt nhân, cấm thử vũ khí hạt nhân... Trong khi chiến tranh xâm lược huỷ diệt vẫn là hiểm hoạ đe doạ hoà bình thì tư tưởng hoà bình của Lênin, của cách mạng Tháng Mười Nga vẫn đang là một di sản lịch sử quý báu đối với cả nhân loại tiến bộ, và Sắc lệnh về hoà bình của cách mạng Tháng Mười Nga vẫn là dấu son chói lọi của thế kỷ XX.

Cùng với Sắc lệnh về hoà bình, chính sách kinh tế mới (NEP) của Lênin cũng là một sáng tạo trong bước đi ban đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH. Nguyên tắc cơ bản của chính sách này đã được Lênin vạch ra trong tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô Viết” viết năm 1918 và được đẩy mạnh thực hiện từ 1921 sau khi có thắng lợi chống phản bọn cách mạng. Bắt đầu là thay chế độ trưng thu lương thực thừa theo chủ nghĩa cộng sản thời chiến bằng thuế lương thực. Tiếp đến là sử dụng rộng rãi các đòn bẩy kinh tế, các quan hệ hàng hóa - tiền tệ mở đường cho nền sản xuất hàng hoá nhỏ phát triển, tiến lên theo hướng XHCN, cho tư bản tư nhân thuê những xí nghiệp nhỏ, cho tư bản nước ngoài tô nhượng một số ít xí nghiệp lớn, chuyển dần sang chế độ hạch tóan kinh tế và tự bù chi phí đối với các xí nghiệp công nghiệp, trước hết là công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm, thực hiện trả lương theo số lượng và chất lượng lao động đối với công nhân công nghiệp, thực hiện nguyên tắc “một thủ trưởng” trong lãnh đạo các xí nghiệp hạch toán kinh tế, thực hiện nguyên tắc khuyến khích vật chất đối với người lao động, coi trọng nâng cao không ngừng năng suất lao động…

Nhìn chung lại: việc chuyển sang NEP, xét về khách quan đã dẫn tới chỗ làm hồi sinh và ít nhiều làm phát triển những yếu tố TBCN, nhưng tất cả đều nhằm phát triển lực lượng sản xuất, tạo tiền đề cần thiết để tiến lên CNXH. Thực tế chính sách này đã đưa Liên Xô tiến lên một bước quan trọng trong phục hồi kinh tế sau chiến tranh, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật bước đầu cho CNXH, nhất là về giao thông vận tải, công nghiệp hóa, điện khí hóa, phát triển khoa học kỹ thụât, tăng cường đội ngũ trí thức, củng cố khối liên minh công nông, liên kết giữa thành thị với nông thôn, tạo nền tảng xã hội cho sự vững mạnh của chính quyền Xô Viết.

Với chúng ta, chương trình hành động của cách mạng Tháng Tám đã là sự vận dụng sáng tạo chính sách kinh tế mới của Lênin trong hoàn cảnh nước ta lúc đó. Chương trình nêu rõ: “Mở mang các ngành kỹ nghệ… khuyến khích các ngành thủ công. Chia lại công điền, giảm địa tô; mở mang các công trình lấy nước vào ruộng, bồi đắp đê điều làm cho nghề nông phồn thịnh. Nhân dân được tự do khai khẩn đất hoang do chính phủ giúp đỡ; mở mang các đường giao thông vận tải và các hải cảng. Thống nhất đo lường. Tư sản được tự do kinh doanh, được mở mang các ngành kỹ nghệ cần thiết. Địa chủ thì quyền sở hữu ruộng đất vẫn được coi trọng, được khai phá đất hoang. Nhà buôn được tự do thông thương. Sản nghiệp thương mại được pháp luật bênh vực. Thợ thuyền được hưởng luật lao động. Dân cày có đủ ruộng cày. Tá điền được giảm địa tô”(7).

Ngày nay trong đổi mới, chúng ta tiếp tục sự nghiệp của cách mạng Tháng Tám, vận dụng sáng tạo NEP của Lênin trong điều kiện mới của nước ta, với chủ trương “xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN”(8) nhằm làm cho “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Đường lối sáng tạo đó đã đem lại những thành quả đáng khích lệ.

Kỷ niệm 91 năm cách mạng Tháng Mười, không những chúng ta tiếp tục khẳng định ý nghĩa to lớn của cách mạng vĩ đại này trong lịch sử nhân loại mà còn không quên kế thừa có sáng tạo những kinh nghiệm của cuộc cách mạng Tháng Mười trong tình hình thế giới hiện nay./.

GS. Văn Tạo
————————

(1), (2), (5), (6) Lênin, Toàn tập, t.35, Nxb TB, M, 1978, tr.13-14, 15, 18. 17,

(3), (4) Hồ Chí Minh, Tuyển tập, Nxb ST, H, 1960, tr.485, 497.

(7) Văn kiện Đảng 1930-1945, t.3, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng xuất bản, 1977, tr.444-446.

(8) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H, 1996, tr.72.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất