Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 11/10/2008 13:39'(GMT+7)

Chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đoàn kết tôn giáo của Ðảng và Nhà nước

Đại lễ Phật Đản ở chùa Vĩnh Nghiêm

Đại lễ Phật Đản ở chùa Vĩnh Nghiêm

Ðoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân

Ðoàn kết tôn giáo và tự do tín ngưỡng là quan điểm cơ bản và cũng là nội dung chủ yếu của chính sách đối với tôn giáo của Ðảng và Nhà nước ta. Chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Ðộc lập ở Quảng trường Ba Ðình (ngày 2-9-1945), trong buổi chủ tọa phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tuyên bố "tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết". Từ đó đến nay, quan điểm ấy của Người đã trở thành định hướng chung cho việc hoạch định và thực thi chính sách đối với tôn giáo của Ðảng và Nhà nước Việt Nam trong mọi thời kỳ cách mạng.

Vì lẽ sinh tồn, ngay từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc, ông cha ta đã thường xuyên phải đấu tranh chinh phục thiên nhiên và sau đó chiến đấu chống ngoại xâm. Chính điều đó đã sớm cố kết mọi người lại với nhau thành một truyền thống quý báu- truyền thống đoàn kết dân tộc. Giá trị truyền thống đó đã thấm sâu và kết tinh trong mỗi người Việt Nam.

Ðoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo là truyền thống tốt đẹp của cha ông ta để lại; là di sản quý báu của dân tộc mà mọi người có trách nhiệm giữ gìn và phát huy. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Ðảng và Nhà nước ta luôn coi công tác tôn giáo là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông báo... về tôn giáo và công tác tôn giáo. Tại Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Ðảng (khóa IX) vào ngày 12-3-2003, Ðảng  ra Nghị quyết riêng về công tác tôn giáo, thể hiện sự quan tâm đến tôn giáo và công tác tôn giáo trong tình hình hiện nay. Nghị quyết xác định rõ phương hướng và mục đích cơ bản của hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo là: "Nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HÐH đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Xuất phát từ nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay, từ vai trò của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng và tính quần chúng của tôn giáo, Ðảng ta luôn chú ý tới yếu tố đoàn kết đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra ngay từ những ngày đầu khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kế thừa tư tưởng của Người, đoàn kết tôn giáo đã được Ðảng ta nêu lên từ lâu, đến Nghị quyết số 25-NQ/T.Ư của BCH T.Ư (khóa IX) càng chú ý và nhấn mạnh đoàn kết "đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo". Ngay trong lời phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh đã nhấn mạnh, vấn đề đại đoàn kết toàn dân, công tác dân tộc và tôn giáo là vấn đề chính trị lớn có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta, mà đoàn kết tôn giáo là bộ phận rất quan trọng. Nghị quyết này đã khẳng định rõ mục tiêu là: củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ðã là người dân đất Việt với niềm tự hào "con rồng cháu tiên", dù theo tôn giáo này hay tín ngưỡng khác; dù ở trong nước hay ở nước ngoài; dù có tham gia phong trào giải phóng dân tộc hay đã từng một thời lầm đường, lạc lối, hẳn ai cũng đều mong muốn đất nước Việt Nam cường thịnh: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Ðó là mẫu số chung, là sự tương đồng để đoàn kết mọi người mang dòng máu Lạc - Việt.

Ðảng ta nhận định: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Ðồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc". Và: "Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (Hội nghị T.Ư7 - khóa IX).

Trải qua hơn 20 năm đổi mới, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Ðạt được những thành tựu ấy là do nhiều nguyên nhân, trong đó có đóng góp quan trọng của 23 triệu đồng bào các tôn giáo đã đoàn kết cùng toàn dân phấn đấu cho sự nghiệp chung của dân tộc.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân


Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời chống lợi dụng tôn giáo có mối quan hệ biện chứng với nhau. Hiến pháp năm 1980 khẳng định: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước". Ðiều 70, Hiến pháp năm 1992 quy định: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước".

Ngoài các quy định trong Hiến pháp, quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo còn được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật khác của Nhà nước Việt Nam như Luật Tổ chức Chính phủ, Bộ luật Dân sự hoặc trong các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện nghiêm chỉnh quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo trong thực tế.

Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18-6-2004, ngay ở Ðiều I đã ghi nhận: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.

Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.

Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau phải tôn trọng lẫn nhau".

Tuy nhiên, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng có liên quan đến các mối quan hệ xã hội, nên quyền tự do ấy nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Các hoạt động tôn giáo phù  hợp văn hóa dân tộc và trong phạm vi pháp luật là nhằm bảo đảm cho quyền tự do của người khác và cho chính nhu cầu chính đáng của đồng bào có đạo. Vì vậy, ở Ðiều 8, một mặt khẳng định: "Không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân", mặt khác, cũng quy định phạm vi, giới hạn của quyền ấy: "Không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm  hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác". Ðiều 9 cũng quy định: "Trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, người có tín ngưỡng, tín đồ có trách nhiệm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật".

Nhìn chung, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam tuân thủ những quy định của Công ước quốc tế về quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Do hoàn cảnh lịch sử và văn hóa, nên có một số quy định mang tính đặc thù. Tuy nhiên, Ðiều 38, trong Pháp lệnh có nêu: "Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó". Ðiều đó chứng tỏ, Nhà nước ta luôn tôn trọng và ưu tiên cho những quy ước chung.

Từ khi bước vào thời kỳ đổi mới và nhất là từ sau năm 1990 đến nay, không khí sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam sôi động và đang có chiều hướng gia tăng. Lễ hội các tôn giáo và những buổi lễ trọng khác của các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian trở thành ngày hội chung của toàn dân, lôi cuốn hàng vạn người tham gia. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ là nhu cầu tâm linh của các tín đồ, mà còn là nhu cầu sinh hoạt văn hóa của toàn dân. Nhu cầu chính đáng ấy được chính quyền các địa phương tạo điều kiện thuận lợi làm cho tín đồ, chức sắc các tôn giáo yên tâm, phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào chính sách đối với tôn giáo của Ðảng và Nhà nước  ta.

Những cơ sở thờ tự của các tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm cho phép tu bổ, sửa chữa và xây dựng mới. Nhiều cơ sở thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo trở thành danh thắng nổi tiếng, đang thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng. Phật giáo, trước năm 1975 chỉ có một trường cao đẳng, nay có bốn Viện đại học Phật giáo. Số người đi tu nghiệp ở nước ngoài tăng. Công giáo mở thêm các đại chủng viện để đào tạo linh mục. Số linh mục, giám mục tấn phong ngày một tăng. Sinh hoạt của đạo Công giáo sống động từ giáo họ, giáo xứ đến giáo phận... làm cho bà con giáo dân phấn khởi. Ðoàn đại biểu Tòa thánh Va-ti-can do Ðức ông Pietro Parolin, Thứ trưởng  Ngoại giao Va-ti-can làm trưởng đoàn, đã thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 27-4 đến 2-5-2004 "đã chứng kiến tận mắt sức sống của Giáo hội Việt Nam nhiều hơn những gì đã nghe"(1). Và ông cũng xác nhận: "Việt Nam đã đạt được tiến bộ về tự do tôn giáo trong 15 năm qua".

Các tôn giáo khác, tùy theo hình thức đào tạo truyền thống của mình, cũng được Nhà nước chấp thuận mở các lớp đào tạo chức sắc. Ngoài ra, Nhà nước còn cho phép nhiều người đi tu nghiệp,  học tập và thăm viếng ở nước ngoài. Số người đi tu nghiệp ở nước ngoài ngày càng tăng, trong đó có nhiều người đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ.

Sau khi Nhà xuất bản Tôn giáo được thành lập, đã có hàng trăm đầu sách của tôn giáo được xuất bản. Quan hệ đối ngoại giữa các cá nhân và các tổ chức tôn giáo cũng được mở rộng.

Không khí sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cũng như những con số kể trên tự nói về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam được thực thi như thế nào. Thực tế ở Việt Nam không có hiện tượng chống tôn giáo, mà chỉ chống những kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, gây rối trật tự công cộng, xâm phạm an ninh quốc gia. Quyền tự do tôn giáo không phải là quyền vô giới hạn, vì vượt qua phạm vi nào đó sẽ lại vi phạm vào quyền chính đáng của những người khác. Tự do theo nghĩa chân chính là tự do của người này, cộng đồng này không vi phạm đến tự do của người khác và cộng đồng khác. Chẳng có quốc gia nào mà cá nhân và tổ chức tôn giáo được hoạt động ngoài vòng pháp luật của quốc gia đó.

Ở Việt Nam, tín đồ và chức sắc các tôn giáo đã và đang yên tâm hành đạo và tin tưởng ở chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo của Ðảng và Nhà nước ta. Họ gắn bó với quốc gia, dân tộc theo đường hướng: "Ðạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội", thực hiện "sống phúc âm giữa lòng dân tộc", "nước vinh, đạo sáng", với tấm lòng "kính Chúa yêu nước", vừa hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc, vừa làm tròn bổn phận của một tín đồ đối với tôn giáo.

Hàng chục triệu tín đồ các tôn giáo khác nhau đã, đang và tiếp tục cùng nhau và cùng toàn dân tìm thấy sự tương đồng, mẫu số chung ở mục tiêu phấn đấu cho: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những chủ trương, chính sách và thành công trong việc thực hiện chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong những năm qua là lớn lao. Thành công ấy là không thể phủ nhận .

PGS.TS Nguyễn Ðức Lữ
(Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh)


(Theo Nhân Dân điện tử)
-----------

(1) Xem Công giáo và Dân tộc số 1456 tuần lễ từ 7-5 đến 13-5-2004, tr.6.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất