Chủ Nhật, 24/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 29/5/2017 14:36'(GMT+7)

Hoà Bình: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các cấp Hội khuyến học cùng với ngành giáo dục và đào tạo có nhiều giải pháp tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển đa dạng, phong phú cả về hình thức và nội dung nên đã thu hút và khích lệ tinh thần thi đua học tập của mọi tầng lớp nhân dân.

Toàn tỉnh đã huy động được 19.080 học viên độ tuổi 15 trở lên ra các lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; 210/210 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở và xóa mù chữ đạt chỉ tiêu theo Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của thủ tướng Chính phủ.

Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên được mở rộng và đầu tư, tính đến nay toàn tỉnh có: 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; 01 Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học. 210/210 xã, phường, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng. Các cơ sở giáo dục thường xuyên được đầu tư xây dựng kiên cố với 151 phòng học, trong đó: Có 128 phòng học kiên cố, 08 phòng học bán kiên cố, 05 phòng thí nghiệm, 10 phòng thư viện; 543 máy vi tính; 06 phòng LAP, 126 máy may.

Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người khuyết tật giai đoạn 2007 - 2016: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 34.038 người; đào tạo nghề cho người khuyết tật là 683 người.

Trên địa bàn tỉnh có 39 cơ sở đào tạo và dạy nghề; giai đoạn 2007 - 2010 đã có 55.620 lao động được tuyển sinh học nghề; giai đoạn 2010 - 2016 đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 82.079 lao động, bình quân mỗi năm trên 15.000 người, trong đó: Cao đẳng 2.281 người, trung cấp chiếm 7.916 người, sơ cấp 25.418 người; dạy nghề dưới 3 tháng 46.464 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề đạt từ 70% đến 80%. Một số nghề đạt trên 90% như: May công nghiệp, hàn, chăn nuôi.

Đã thành lập Hội khuyến học tại cấp huyện, cấp xã; 99,4% thôn, xóm, tổ dân phố có chi hội khuyến học. Toàn tỉnh có 34 lãnh đạo Hội khuyến học cấp huyện, trong đó 10 Chủ tịch chuyên trách, 01 Chủ tịch kiêm nhiệm; 11 Phó chủ tịch chuyên trách, 12 Phó chủ tịch kiêm nhiệm. Đối với cấp xã đã có 92,8% xã, phường, thị trấn có Chủ tịch Hội chuyên trách; 94,2% xã, phường, thị trấn có Phó chủ tịch là chuyên trách. Công tác phát triển Hội viên được chú trọng, sau 10 năm, số hội viên toàn tỉnh là 192.049 hội viên/845.201 người, đạt tỷ lệ 22,7%.

Nhiều gia đình đã có ý thức tiết kiệm xây dựng quỹ khuyến học gia đình, nhiều dòng họ đã có quy ước xây dựng quỹ khuyến học dòng họ, các khu dân cư, cơ quan, đơn vị đã vận động xây dựng quỹ khuyến học với mức đóng góp từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/hộ gia đình và 01 ngày lương đối với cán bộ công chức, viên chức, thu hội phí từ các hội viên,... Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hằng năm đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho Quỹ khuyến học; tổng Quỹ Khuyến học trong toàn tỉnh đạt gần 150 tỷ đồng. Đã có trên 600.000 lượt học sinh, sinh viên được khen thưởng với số tiền trên 40 tỷ đồng và nhiều hiện vật.

Hệ thống các Trung tâm học tập cộng đồng không ngừng được phát triển, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Các trung tâm học tập cộng đã giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về hiến pháp và pháp luật; củng cố, phát huy hiệu quả chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học; xây dựng khối đoàn kết nội bộ trong nhân dân và mối liên kết giữa các đoàn thể, tổ chức xã hội trong cộng đồng xã, phường, thị trấn; đồng thời cũng là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người được học, tập nâng cao trình độ dân trí, nâng cao nhận thức về pháp luật, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật.

Hằng năm có trên 5 ngàn học sinh, sinh viên, những tập thể, cá nhân có nhiều sáng kiến giải pháp khoa học kỹ thuật được nhận từ 3 đến 4 tỷ đồng từ sự tiết kiệm, chăm lo của mỗi người, mỗi tổ chức quỹ. Sự phát triển của các quỹ “Khuyến học, khuyến tài” đã chia sẻ bớt khó khăn, động viên các cháu vượt khó, học giỏi, góp phần mang lại sự công bằng trong học tập, tạo điều kiện cho các cháu học sinh nghèo cũng như các cháu có hoàn cảnh đặc biệt có cơ hội đi học; động viên, khuyến khích kịp thời những sáng kiến khoa học kỹ thuật từ đó thúc đẩy phát huy truyền thống hiếu học của con em các dân tộc trong tỉnh.

Công tác vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất và quỹ khuyến học để phát triển sự nghiệp giáo dục đã được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo; đã vận động được các gia đình tự nguyện hiến trên 10.000m2 đất để xây dựng trường học, tiêu biểu. Vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ trên 5 tỷ đồng để xây dựng trường và trang thiết bị dạy học.

Hằng năm trung bình tỉnh Hòa Bình có trên 2000 học sinh đỗ vào các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Bên cạnh giáo dục chính quy, công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì, củng cố và phát huy hiệu quả.

Thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị, tổ chức Hội khuyến học các cấp được kiện toàn kịp thời, nhiều chi hội và Ban khuyến học đã được thành lập, đã phát huy vai trò nòng cốt liên kết, phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Qua đó, huy động được nhiều nguồn lực xã hội góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh. Hoạt động của các Trung tâm giáo dục thường xuyên Trung tâm học tập cộng đồng đi vào nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được tham gia học tập góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở./.


Nguyễn Đoàn Cần

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất