NHỮNG KHỞI ĐẦU QUAN TRỌNG
Chính
sách hệ sinh thái khởi nghiệp tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động
khởi nghiệp sáng tạo với kỳ vọng tăng nhanh số lượng và quy mô doanh
nghiệp. Đây là loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa
vào khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới, đem
lại những kết quả thiết thực, duy trì sự năng động của nền kinh tế, thúc
đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Hoàn thiện cơ chế,
chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân
ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng
của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp”(2). Một số
đạo luật quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục
được hoàn thiện phù hợp với bối cảnh mới, với các giá trị cốt lõi: Tối
đa hóa quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những
ngành, nghề mà pháp luật không cấm, giảm thiểu các thủ tục hành chính
theo hướng công khai, minh bạch, nhất quán và trách nhiệm giải trình.
Trên
cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành một số chính sách triển
khai thực hiện. Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số
35/NQ-CP Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, với mục
tiêu đến năm 2020 xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh,
phát triển bền vững. Nghị quyết xác định 10 nguyên tắc chủ đạo, trong
đó có 5 nguyên tắc liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo: 1) Nhà nước bảo
hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người
dân; 2) Thực hiện chủ trương nhà nước kiến tạo lấy doanh nghiệp làm đối
tượng phục vụ; 3) Ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm sự nhất quán dễ dự báo
của chính sách; 4) Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm quyền
bình đẳng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp; 5) Có chính sách đặc
thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới
sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.
Cụ
thể hóa Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban
hành Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về phê duyệt Đề án “Hỗ
trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”,
với mục tiêu: Khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp
sáng tạo, xác định những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, bao gồm:
Xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, xây dựng
khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các
ngành, địa phương, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước về khoa học -
công nghệ hằng năm để tổ chức sự kiện ngày hội khởi nghiệp công nghệ
quốc gia, triển khai thực hiện đề án thương mại hóa các sản phẩm khởi
nghiệp, phát triển hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ khởi
nghiệp sáng tạo, hỗ trợ kinh phí xây dựng chương trình truyền thông về
khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ kinh phí để kết nối mạng lưới khởi nghiệp
của Việt Nam với thế giới…
Như
vậy, những chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động khởi nghiệp
đã từng bước được hình thành. Một số nội dung quan trọng của Đề án “Hỗ
trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã
và đang được triển khai thực hiện: Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới
sáng tạo quốc gia đã xây dựng và đưa vào thực hiện, phát triển khu công
nghiệp thông tin tập trung và khu dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo
được thực hiện ở 3 thành phố lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà
Nẵng) và một số địa phương…
MỘT SỐ KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Trong
những năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp bắt đầu có những tiến triển
đáng khích lệ, đặc biệt là sau khi có chủ trương, chính sách của Đảng và
Nhà nước về thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan
trọng của nền kinh tế. Bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi,
nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những ứng dụng vượt
trội hỗ trợ lựa chọn phương án kinh doanh tiếp cận thị trường huy động
các nguồn lực; nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký
kết, đã mở rộng không gian phát triển;… tạo thuận lợi cho các doanh
nghiệp mở rộng thị trường, phát triển những ngành, lĩnh vực, các sản
phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế so sánh. Bên cạnh đó,
tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm, các yếu tố vĩ mô ổn định, môi
trường đầu tư, kinh doanh liên tục được cải thiện, tầng lớp trung lưu
tăng nhanh, số người sử dụng internet và giá trị thương mại điện tử tăng
nhanh,… cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp.
Chế biến, đóng gói các sản phẩm ngũ cốc Mami Farm - mô hình khởi
nghiệp của phụ nữ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. (Ảnh: mamifarm.com.vn)
Theo
báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đến hết năm 2017, Việt Nam có hơn
3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 24 cơ sở ươm tạo, 10
tổ chức thúc đẩy kinh doanh và hơn 40 khu làm việc chung(3).
Riêng năm 2018, có 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam, với
nhiều nhà đầu tư có tên tuổi. Các nhà đầu tư lớn ở Việt Nam bắt đầu kết
nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư khởi nghiệp đổi mới
sáng tạo, một số ngân hàng lớn cũng tham gia huy động sử dụng nguồn lực
tài chính cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Như
vậy, Việt Nam bước đầu đã hội tụ được các yếu tố thuận lợi cho hoạt
động khởi nghiệp sáng tạo, tạo lập được những yếu tố cơ bản hệ sinh thái
khởi nghiệp quốc gia. Ở cấp độ địa phương, các thành phố lớn, như Hà
Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh,
Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bình Dương, Hải Phòng, Long An… đã có những chuyển
biến tích cực trong lĩnh vực này. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành
một số trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở các trường đại học, khu công
nghệ cao, vườn ươm tạo công nghệ cao. Ở thành phố Hà Nội, vườn ươm khởi
nghiệp hỗ trợ tích cực cho các hoạt động xúc tiến, kết nối các nhà đầu
tư bổ túc kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp, xây dựng và lựa chọn phương
án khởi nghiệp, cách thức tiếp cận các nguồn lực: Đất đai, vốn, công
nghệ và các quỹ hỗ trợ; tổ chức đối thoại giữa các doanh nghiệp đã khởi
nghiệp thành công với các bạn trẻ chuẩn bị khởi nghiệp.
Mặc dù hoạt động khởi nghiệp đã có bước phát triển khởi đầu thuận lợi, tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn:
Thứ nhất,
hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp chưa đầy đủ, còn thiếu một
số quy định đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp: Đăng ký mã ngành, huy
động vốn cộng đồng, vốn đối ứng từ Nhà nước cho các quỹ đầu tư tư nhân.
Thứ hai,
Việt Nam chưa thực sự có văn hóa khởi nghiệp: Đầu tư phát triển để làm
giàu cho bản thân, gia đình và làm giàu cho đất nước; sẵn sàng chấp nhận
mạo hiểm, rủi ro. Chính vì thế, trên thực tế, nhiều cơ hội chưa được
tận dụng để chuyển hóa tiềm năng thành khả năng thực hiện.
Thứ ba,
môi trường đầu tư, kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn một
số điểm nghẽn, ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn lực khởi nghiệp,
như thị trường quyền sử dụng đất, các sản phẩm công nghệ, lao động chất
lượng cao.
Thứ tư,
các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những
đóng góp quan trọng đối với kinh tế, nhưng Việt Nam chưa tận dụng tốt cơ
hội tham gia chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm, liên kết với các nước
trong khu vực và toàn cầu.
Thứ năm,
doanh nghiệp khởi nghiệp chủ yếu ở các lĩnh vực, như bất động sản, công
nghệ thông tin, giáo dục - đào tạo, y tế…, trong khi một số ngành, lĩnh
vực Việt Nam có tiềm năng và lợi thế phát triển chiếm tỷ trọng thấp,
như nông nghiệp, du lịch, chế biến, chế tạo.
Thứ sáu,
thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận cấu thành hệ sinh thái khởi
nghiệp, chẳng hạn truyền thông, tiếp nhận chính sách, thành lập và quản
lý các quỹ hỗ trợ đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm; giữa các trường đại
học, viện nghiên cứu, các vườn ươm khởi nghiệp để hình thành các giải
pháp đồng bộ và có tính khả thi cho hoạt động khởi nghiệp. Chuyển đổi số
đã mang lại những tiện ích cho hoạt động khởi nghiệp nhưng triển khai
còn chậm, chủ yếu thực hiện ở một số thành phố lớn và một số địa phương.
Thứ bảy,
năng lực của các doanh nhân khởi nghiệp còn hạn chế do sự bất cập của
hệ thống giáo dục - đào tạo và những vướng mắc trong chính sách thu hút
nhân tài.
ĐỂ HOÀN THIỆN HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO
Ở
Việt Nam, khởi nghiệp vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ, vì vậy, để hoạt
động khởi nghiệp sáng tạo phát triển hơn trong thời gian tới, cần tập
trung thực hiện một số giải pháp:
Một là,
tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính
sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến khởi nghiệp, qua đó khơi dậy
niềm tin và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Nhận thức đầy đủ hơn vai trò
của khởi nghiệp, là động lực đối với phát triển đất nước. Xây dựng,
hình thành văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, thất
bại, vun đắp cho thế hệ trẻ khát vọng, ý chí bền bỉ, lạc quan để vượt
qua mọi khó khăn, thách thức.
Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn Công nghệ môi trường E-tech - Mô hình
doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: TTXVN)
Hai là,
tiếp tục hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, bảo hộ quyền
tài sản hợp pháp, quyền sở hữu trí tuệ. Tháo gỡ một số vấn đề đang là
điểm nghẽn trong việc huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để
các doanh nhân khởi nghiệp có thể tiếp cận tín dụng ngân hàng, ban hành
các quy định về việc tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp khởi
nghiệp, hình thành thị trường quyền sử dụng đất để doanh nghiệp khởi
nghiệp có thể tiếp cận thay vì việc phân bổ của cơ quan nhà nước. Thúc
đẩy chuyển đổi số, nhất là dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian và
chi phí giao dịch cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ba là,
xây dựng chiến lược, chính sách với mục tiêu dài hạn, có lộ trình cụ
thể, dễ đoán định ở cấp quốc gia và từng địa phương để các doanh nghiệp
yên tâm đầu tư phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích khởi
nghiệp ở những ngành, lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế phát triển, như
nông nghiệp, du lịch, khám, chữa bệnh, công nghệ thông tin... Có cơ chế
tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp có điều kiện tham gia
chuỗi giá trị toàn cầu.
Bốn là,
quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo: Kết
nối doanh nghiệp khởi nghiệp với các trường đại học, các viện nghiên
cứu, chuyên gia tư vấn vườn ươm khởi nghiệp, quỹ hỗ trợ của Nhà nước và
cộng đồng, quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong thời kỳ đầu, sự hỗ trợ của Nhà
nước có tác động lan tỏa việc huy động các nguồn lực khác. Trong dài
hạn, Nhà nước sẽ từng bước thoái vốn chuyển các quỹ đầu tư cho khu vực
tư nhân.
Năm là,
để nâng cao năng lực doanh nhân khởi nghiệp, cần tăng cường hỗ trợ đào
tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh hiện đại, góp
phần hình thành đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh, năng lực và đạo đức nghề
nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./.
PGS. TS. Nguyễn Cúc
Học viện Chính trị Khu vực I
______________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.132.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.107 - 108.
(3) Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 15/12/2017.
(Nguồn: tapjchicongsan.org.vn)