Tuy nhiên, để phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, đòi hỏi phải hoạch định và tổ chức thực hiện nhiều chính sách đúng đắn, phức hợp, liên quan tới nhiều ngành, chủ thể và nguồn lực khác nhau. Đối với Việt Nam, vấn đề đặt ra mang tính thách thức là phải sớm hoàn thiện hệ thống thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo.
Nhận diện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo
Trong nghiên cứu cũng như thực hành quản trị phát triển trên thế giới những năm gần đây, có rất nhiều cách lý giải về đổi mới sáng tạo. Khái quát chung, đổi mới sáng tạo là mọi hoạt động thể hiện tính khác biệt với tư duy và quy chuẩn thực hành đã có, hướng tới mục tiêu tạo ra những tác động tích cực giải phóng năng lực trong mỗi con người cũng như tổ chức, trên cơ sở đó thúc đẩy văn minh xã hội theo hướng tiến bộ hơn so với việc áp dụng tư duy và quy chuẩn cũ.
Đổi mới sáng tạo hàm ý hướng tới sự tiến bộ, do con người thực hiện. Vì vậy, khi đề cập đổi mới sáng tạo, cần gắn với chủ thể xác định, trong những hoàn cảnh xác định. Tiềm năng phát triển dài hạn của một nền kinh tế - xã hội phụ thuộc chặt chẽ vào năng lực đổi mới sáng tạo của các chủ thể trong nền kinh tế - xã hội đó. Tác động cộng hưởng của hoạt động đổi mới sáng tạo của các chủ thể sẽ tạo ra những kết quả, tiến bộ mới hơn về nhiều phương diện kinh tế - xã hội - môi trường sinh thái, môi trường thể chế, chịu sự tác động của hệ thống thể chế tương ứng của một xã hội nhất định.
Trong một nền kinh tế - xã hội nhất định, nếu quan sát trực tiếp, có thể thấy rất nhiều loại hình chủ thể đa dạng, đan xen, luôn chuyển hóa theo thời gian tùy theo cách tiếp cận và tiêu chí phân loại khác nhau. Tuy vậy, gắn với hoạt động đổi mới sáng tạo có thể nhận diện ba nhóm cơ bản, gồm: 1- Cộng đồng các doanh nghiệp (DN); 2- Các hộ gia đình, người dân và các tổ chức nghề nghiệp sáng tạo (giáo dục, khoa học - công nghệ); 3- Bộ máy quản trị quốc gia. Đây cũng có thể được coi là ba trụ cột trực tiếp của một nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Khi thiếu đi sức sáng tạo, sự đổi mới của bất kỳ trụ cột nào trong ba nhóm chủ thể cơ bản nêu trên sẽ làm trì trệ, xói mòn, thậm chí suy yếu tiềm năng phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Vì lý do đó, muốn thúc đẩy phát triển nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo cần phải xuất phát từ việc giải phóng năng lực đổi mới sáng tạo tổng hợp của cả cộng đồng DN, người dân, tổ chức nghề nghiệp và bộ máy quản trị quốc gia.
Ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường _Ảnh: Tư liệu
Trong đó, hoạt động đổi mới sáng tạo của DN luôn có tác động tích cực, trực tiếp đối với nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho bản thân DN và người lao động trong DN đó. Hơn nữa, hoạt động đổi mới sáng tạo của các DN còn góp phần sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả của hội nhập, bảo vệ lợi ích quốc gia, củng cố an ninh - quốc phòng.
Sức sáng tạo của các hộ gia đình, người dân, các tổ chức nghề nghiệp (giáo dục, khoa học - công nghệ...) là rộng lớn, đa dạng. Yêu cầu bảo đảm sinh kế bền vững và duy trì bản sắc đã quy định, đòi hỏi từng người dân, mỗi hộ gia đình luôn không ngừng tìm kiếm cách thức tư duy và sử dụng những biện pháp tối ưu trong giải quyết các vấn đề đặt ra sát thực với cuộc sống hằng ngày cũng như giữa các thế hệ người. Tương tự như vậy, xuất phát từ yêu cầu về chức năng nghề nghiệp do xã hội phân công, các tổ chức nghề nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo chuyên nghiệp có tác động rất tích cực tới toàn bộ nền kinh tế thông qua cung ứng tri thức, nguồn nhân lực có kỹ năng, công nghệ, tư liệu lao động mới. Đổi mới sáng tạo của các hộ gia đình, người dân, các tổ chức nghề nghiệp góp phần tạo lập nền tảng phổ biến cho sự ổn định chung của đất nước.
Cùng với đó, bộ máy quản trị quốc gia mà nòng cốt là hệ thống chính trị cũng luôn cần và phải có sự đổi mới sáng tạo. Quản trị quốc gia là sứ mệnh, trọng trách đặc biệt. Đây là trọng trách được nhân dân giao, ủy thác cho. Chất lượng hoạt động của bộ máy quản trị quốc gia liên quan trực tiếp đến vận mệnh, sự sinh tồn, không gian sinh tồn của nhân dân, của bản thân chế độ chính trị, vị thế, tiền đồ, hình ảnh của quốc gia trên bản đồ thế giới. Để đảm đương tốt trọng trách nhân dân ủy thác, đòi hỏi bộ máy quản trị quốc gia cũng phải không ngừng đổi mới sáng tạo. Đây là yêu cầu tất yếu mang tính quy luật đối với mọi quốc gia.
Trong mối quan hệ giữa vai trò của ba nhóm chủ thể cơ bản nêu trên, mặc dù không thể xem nhẹ vai trò đổi mới sáng tạo của bất kỳ nhóm chủ thể nào, song trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xu thế phát triển chung của thế giới ngày nay, sự đổi mới sáng tạo của cộng đồng DN có ý nghĩa là tiền đề trực tiếp nhất, tác động phổ biến nhất, quyết định đến động lực tăng trưởng, là tiềm năng phát triển dài hạn của toàn bộ nền kinh tế. Đổi mới sáng tạo của DN chi phối, kéo theo yêu cầu đổi mới sáng tạo trong dân cư, các tổ chức nghề nghiệp và bộ máy quản trị quốc gia. Do đó, củng cố và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của cộng đồng DN luôn là giải pháp mang tính đột phá, có sức lan tỏa sâu sắc đến phát triển kinh tế dựa trên nền tảng sáng tạo trong bối cảnh mới.
Xét về động lực, suy đến cùng, lợi ích là động lực trực tiếp, tác động sâu sắc nhất để dẫn tới các hoạt động đổi mới sáng tạo của các chủ thể. Tuy nhiên, thực tế cũng có trường hợp, vì động cơ lợi ích mà có thể trì hoãn sự đổi mới sáng tạo. Đây là những trường hợp cần phải loại trừ dần.
Về yếu tố tác động tới động lực của đổi mới sáng tạo, ứng với mỗi nhóm chủ thể trong nền kinh tế mà có các nhóm yếu tố khác nhau. Mặc dù vậy, ngoài những yếu tố riêng, đặc trưng tác động tới đổi mới sáng tạo của cộng đồng DN, các hộ gia đình, người dân và các tổ chức nghề nghiệp hay bộ máy quản trị quốc gia, có yếu tố chung tác động tới động lực đổi mới sáng tạo của cả ba nhóm chủ thể này là thể chế. Trong đó, thể chế chính thức do bộ máy quản trị quốc gia hoạch định và tổ chức thực hiện là một trong những yếu tố chính tác động tới động lực của tổng thể các nhóm chủ thể của nền kinh tế dựa trên nền tảng sáng tạo. Với ý nghĩa như vậy, thực chất việc hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo thể hiện ở nội dung hoàn thiện thể chế tạo động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo của các trụ cột cơ bản là cộng đồng DN, người dân và bộ máy quản trị quốc gia.
Đối với khu vực DN, hệ thống thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo của khu vực này có thể được nhận diện dưới biểu hiện của ba thành tố chủ yếu, đó là: thể chế cho các DN tiếp cận cơ hội và nguồn lực; thể chế cho việc giải quyết các quan hệ lợi ích của bản thân các DN và thể chế cho việc tiếp cận thị trường, liên kết mạng lưới giữa các DN nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng trong hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, đối với nền kinh tế ở trình độ phát triển chủ yếu là các DN nhỏ và vừa thì hai nhóm thể chế tiếp cận nguồn lực (tài chính, thông tin, dữ liệu lớn, mặt bằng, nền tảng số...) và tiếp cận thị trường (thuế, hải quan, chỉ dẫn xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục gia nhập và rút khỏi thị trường...) có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Đối với bộ phận chủ thể là các hộ gia đình và tổ chức nghề nghiệp, thể chế bảo đảm quyền tài sản và cơ hội cho dịch chuyển tài sản (đất đai, đăng ký quyền tài sản, tiếp cận nguồn lực tài chính cho hoạt động kinh tế, thông tin, chuyển giao kết quả, giao dịch dân sự...), thể chế duy trì niềm tin của người dân, của đội ngũ trí thức trong các tổ chức nghề nghiệp vào chế độ và hệ thống chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhà nước và DN không thể giải quyết được toàn bộ các nhu cầu sinh kế cho người dân. Người dân luôn có năng lực tự đổi mới sáng tạo để vượt lên hoàn cảnh của chính họ. Do đó, vấn đề là nhà nước phải tạo lập môi trường cho người dân tự vươn lên; các cơ hội để người dân có thể huy động sức sáng tạo của chính mình cần phải được tạo ra thông qua hệ thống thể chế minh bạch, trách nhiệm. Bộ máy quản trị quốc gia không được tự cho mình quyền lực đứng ngoài bổn phận chính là tạo lập môi trường ổn định cho người dân vươn lên từ đổi mới sáng tạo của chính họ.
Bộ máy quản trị quốc gia là bộ phận chủ thể có tính đặc thù, một mặt, cung ứng các thể chế tích cực thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của các chủ thể khác trong nền kinh tế; mặt khác, tạo ra những thể chế cho sự vận hành của chính mình. Do đó, với bộ phận này, thể chế về phối hợp và quy định trách nhiệm rõ ràng của các thành tố trong hệ thống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và luôn cần phải được đổi mới do áp lực phát triển của xã hội. Cùng với đó, thể chế quy định yêu cầu phải liên tục đổi mới sáng tạo trong mối quan hệ giữa bộ máy quản trị quốc gia với người dân và cộng đồng DN cũng mang ý nghĩa then chốt, tạo động lực cho đổi mới sáng tạo của bản thân bộ máy quản trị quốc gia.
Vấn đề đặt ra trong thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Thực tế phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây đã từng bước tiếp cận theo định hướng dựa trên đổi mới sáng tạo. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2019 được Trường Đại học Cornell, Trường Kinh doanh INSEAD và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng thứ 42 trong tổng số 129 quốc gia được quan sát (năm 2018 Việt Nam được xếp thứ 45/126). Kết quả xếp hạng năm 2019 đưa Việt Nam đứng thứ ba trong ASEAN (sau Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a), vươn lên đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. So với năm 2018, hai chỉ số liên quan là khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo tăng mạnh, trong đó tổng chi cho nghiên cứu và phát triển tăng 5 bậc (đầu vào); sản phẩm dựa trên tri thức và công nghệ tăng 8 bậc (đầu ra). Các chỉ số về trình độ phát triển của thị trường tăng 3 bậc; tín dụng tăng 4 bậc; năng suất lao động tăng 3 bậc. Đây là thành tựu tiến bộ, phản ánh tác động tích cực của thể chế tới các chủ thể trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế, thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam dựa trên đổi mới sáng tạo đang bộc lộ một số hạn chế, cụ thể:
Thứ nhất, thể chế cho thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực DN Việt Nam chưa có sự phát triển mới về chất so với cơ chế cũ nặng dấu ấn xin - cho. Thể chế cho DN tiếp cận cơ hội và nguồn lực chưa có sự phát triển đột phá, chưa chuyển dứt khoát sang nguyên tắc thị trường. Việc cấm các giấy phép con do không quản được còn diễn ra phổ biến đối với hầu hết các lĩnh vực, ngành và cấp quản lý nhà nước về kinh tế. Thêm vào đó, thể chế cho sự liên kết giữa các DN còn thiếu và yếu. Các hướng dẫn và biện pháp tạo động lực để các DN Việt Nam liên kết được với nhau trong tham gia thị trường thường mang tính khuyến nghị chung, ít có biện pháp cụ thể. Tình hình đó cộng với nhiều rào cản vô hình, chi phí ngầm khác khi DN Việt Nam muốn tiếp cận nguồn lực mặt bằng, nguồn lực vốn càng làm cho DN khó phát triển, gây tâm lý hoài nghi, nản chí trong kinh doanh, không muốn đầu tư căn cơ, dài hạn, suy giảm động lực đổi mới sáng tạo. Hạn chế này đang là rào cản cho sự phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam. Khi DN Việt Nam không lớn mạnh, rất khó xây dựng được nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo một cách độc lập, tự chủ.
Mặt khác, mối quan hệ giữa khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với thể chế bảo đảm sự liên kết, thiết lập mạng lưới của các DN FDI với DN Việt Nam đã được chú ý, song thiếu tính khả thi. Với hệ thống thể chế hiện hành, gần như không thể tạo ra động lực trực tiếp cho việc liên kết giữa các DN Việt Nam, giữa DN FDI với DN Việt Nam.
Thứ hai, thể chế bảo vệ quyền tài sản, xây dựng niềm tin của người dân vào chính quyền thiếu đồng bộ giữa quy định và tổ chức thực hiện. Các giao dịch và chuyển dịch quyền tài sản của người dân đang phải thực hiện trong môi trường thể chế xơ cứng, phức tạp, chồng chéo giữa các cơ quan chức năng liên quan. Sự cắt khúc, không liên thông về thông tin giữa các cơ quan chức năng làm cho cùng một giao dịch, song người dân phải tiếp xúc với nhiều cơ quan, nhiều cấp. Sự kém hoàn thiện này dẫn đến rất nhiều kẽ hở về thể chế tổ chức thực hiện, gây xói mòn niềm tin của người dân vào các cơ quan quản trị quốc gia và địa phương.
Đối với các chủ thể là tổ chức nghề nghiệp liên quan trực tiếp tới đổi mới sáng tạo, như giáo dục, khoa học - công nghệ cũng chưa có được môi trường thể chế thực sự tối ưu để phát huy năng lực. Thể chế thúc đẩy sự gắn kết giữa cơ quan nghiên cứu với DN mới dừng lại ở mức kêu gọi, chưa có các biện pháp thúc đẩy ràng buộc về mặt lợi ích cụ thể, không phát huy được vai trò của cơ chế thị trường trong thúc đẩy sự gắn kết giữa nghiên cứu và thương mại hóa. Thêm vào đó, xét về vai trò từ phía Nhà nước, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển cũng chưa được chú ý đúng mức. Phát triển khoa học - công nghệ luôn được Đảng ta nhấn mạnh là khâu đột phá, là nền tảng cho sự phát triển lực lượng sản xuất, song trên thực tế, do nhiều lý do chủ quan từ hệ thống thể chế quản trị quốc gia (cả cấp Trung ương và địa phương) mà khoa học - công nghệ chưa có nhiều thành tựu phát triển như kỳ vọng. Khoa học - công nghệ chưa thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp tạo nền tảng tư liệu lao động mới về chất cho toàn bộ nền kinh tế. Đây là một trong những điểm nghẽn căn bản cho sự phát triển đột phá của nền kinh tế dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo của Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, thể chế bảo đảm sự minh bạch, thúc đẩy phối hợp vì sự phát triển chung của quốc gia cho bộ máy quản trị đất nước còn yếu. Do thể chế chưa rõ ràng về trách nhiệm, chưa minh bạch từ khâu hoạch định tới tổ chức thực hiện nên tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa các cấp quản lý nhà nước còn khá phổ biến, nhất là trong việc giải quyết những vấn đề tổng thể, phức tạp; thiếu phối hợp hoặc phối hợp nhưng chưa thường xuyên. Cách tư duy cứng nhắc, cắt khúc, thiếu sáng tạo cộng với cách thức tổ chức thực hiện ít được xem xét, điều chỉnh, đổi mới đang trở thành yếu tố mang tính chất rào cản cho quá trình giải phóng nguồn lực của nền kinh tế.
Để tiếp tục hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam
Xuất phát từ yêu cầu của xã hội hiện nay và trên cơ sở những hạn chế như đã chỉ ra, trong thời gian tới, để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam dựa trên đổi mới sáng tạo, xin được kiến nghị một số biện pháp sau:
Một là, về nhận thức.
Các cấp quản lý, các ngành và các chủ thể quản trị quốc gia phải thấy được ý nghĩa sâu sắc giữa tuyên bố và thực hiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo một cách thực chất. Đổi mới sáng tạo không thể chỉ dừng ở khuyến nghị mà cần có hành động. Các biện pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong DN, trong người dân, các tổ chức nghề nghiệp và trong bản thân hệ thống quản trị quốc gia cần được hiện thực hóa theo lộ trình và nguồn lực thực tế đi kèm. Ý chí lãnh đạo, tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo phải trở thành yếu tố thường xuyên trong tư duy và hành động của hệ thống chính trị các cấp. Các chủ thể quản trị quốc gia, trong đó nòng cốt là hệ thống chính trị, cần trở thành hạt nhân cổ vũ khát vọng đổi mới sáng tạo của các chủ thể khác trong xã hội. Cùng với đó, bản thân các DN, người dân và tổ chức nghề nghiệp cũng cần thấy sứ mệnh trực tiếp của mình trong thực hiện đổi mới sáng tạo để góp phần vào phát triển đất nước. Sự gặp gỡ giữa ý chí lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhất quán của hệ thống chính trị với sự sẵn sàng đón nhận một cách tin tưởng của cộng đồng DN và các tầng lớp dân cư trong xã hội là động lực trực tiếp cho đổi mới sáng tạo của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam về dài hạn.
Hai là, về thực hiện.
Trước hết, các cấp, các ngành cần rà soát lại một cách tổng thể hệ thống chính sách liên quan tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong DN. Cần xác định đây là nhiệm vụ có tính đột phá để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của DN và cũng là đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Trên cơ sở rà soát này, mạnh dạn loại bỏ những rào cản, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các chính sách; điều chỉnh, bổ sung, thay thế bằng những chính sách mới, thích hợp với tình hình mới. Trong nhóm thể chế tiếp cận cơ hội và nguồn lực thì tính minh bạch, ổn định tích cực và dễ dự đoán của thể chế được coi là nền tảng thúc đẩy mạnh nhất đến sẵn sàng đổi mới sáng tạo của DN. Do đó, thực hiện hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, xét riêng với vai trò của khu vực DN, là bảo đảm tính minh bạch, cơ hội bình đẳng thực sự trong tiếp cận các nguồn lực, ổn định tích cực và dễ dự đoán của bản thân hệ thống thể chế. Thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo trong DN có nghĩa là tạo lập môi trường bình đẳng, thông thoáng nhất có thể để các DN tự chủ phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, tự trưởng thành theo thời gian dưới sự dẫn dắt của thị trường và thể chế. Các chính sách khuyến khích ứng dụng, tiếp thu tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất - kinh doanh, quản trị DN cần được chú trọng thực thi. Với thực trạng DN Việt Nam hiện nay, cần có thời gian, không duy ý chí, nóng vội trong việc muốn có ngay những phát triển công nghệ nền tảng, công nghệ nguồn, mà cần có chiến lược xây dựng các DN trọng điểm, ở các khâu đột phá, nhất là ở thành tố hướng tới phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo, dữ liệu và nền tảng số, từ đó tạo sức lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế. Đây là cách làm mới, đòi hỏi phải có sự quyết tâm đổi mới trong tổ chức thực hiện.
Về lộ trình, từng bước thực hiện chắc chắn, hiệu quả hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với DN là trung tâm, khuyến khích sự sáng tạo của người dân, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với DN, dịch vụ công nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, bao trùm và bền vững.
Về lâu dài, để thúc đẩy sự liên kết trong hệ thống DN Việt Nam cần hoàn thiện thể chế để tạo ra hệ sinh thái gắn kết một cách chặt chẽ về lợi ích giữa hoạt động đổi mới sáng tạo với hệ sinh thái khởi nghiệp, với các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học và người dân. Hệ thống thể chế gắn kết lợi ích giữa các chủ thể phải tạo ra những véc-tơ lợi ích cùng chiều, có tác động lan tỏa, cộng hưởng hướng tới điểm chung là thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế Việt Nam. Để hiện thực hóa hệ thống thể chế như vậy, đòi hỏi tầm nhìn và sự quyết tâm của hệ thống quản trị quốc gia, đoàn kết và nhất quán trong tổ chức thực hiện xuyên suốt từ Trung ương tới các địa phương.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ngay trong bộ máy quản trị quốc gia, cần tập trung phân định trách nhiệm một cách rõ ràng cho từng bộ phận trong hệ thống. Đi đôi với việc phân định, cần tiếp tục hoàn thiện các thể chế cho sự bảo đảm phối hợp một cách chặt chẽ trong thực thi bổn phận của các chủ thể trong hệ thống quản trị quốc gia. Thể chế về phối hợp hiện là khâu hổng nhất trong thực hiện chức năng của các chủ thể quản trị quốc gia, trước hết là trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các cấp. Do đó, nội dung hoàn thiện các thể chế phân công, phối hợp mang tính minh bạch và chịu trách nhiệm trước xã hội, rõ về lợi ích và nghĩa vụ nên được xem là khâu cần hoàn thiện sớm. Sự khúc mắc về tổ chức thực hiện, sự đùn đẩy trách nhiệm, sự lúng túng và rối trong thực hiện trách nhiệm quản trị quốc gia thường xuất phát từ việc giải quyết quan hệ lợi ích thiếu rõ ràng. Cho nên, trong thời gian tới, vấn đề quan hệ lợi ích giữa các chủ thể trong bộ máy quản trị quốc gia cũng cần phải được xem xét nghiêm túc để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo một cách tự giác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam./.
Theo TCCS