Thứ Bảy, 23/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Sáu, 7/5/2010 11:21'(GMT+7)

Hoàng Vân và Hò kéo pháo

Kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu).

Kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu).

Những ai đã từng có những năm tháng chiến đấu ở Điện Biên Phủ hẳn sẽ không quên một công việc rất đỗi nặng nhọc nhưng sôi nổi hào hứng, đó là kéo pháo vào trận địa. Lúc ấy, để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, chúng ta chủ trương dùng sức người để kéo pháo. Hơn bất cứ công việc nào, công việc này đòi hỏi sự hợp đồng chặt chẽ, sự đồng tâm nhất trí cao độ.

“Hai, ba nào! Hai, ba nào!” - những tiếng hô vang - tín hiệu của sức mạnh và niềm tin được cất lên. Khi ấy, nhạc sĩ Hoàng Vân có mặt ở Điện Biên Phủ với tư cách một chiến sĩ thực thụ như bao người lính cụ Hồ khác, và tham gia kéo pháo cùng các chiến sĩ. Ông đã tận mắt chứng kiến hành động hy sinh quả cảm của Tô Vĩnh Diện: lấy thân mình làm chèn để cứu pháo cho khỏi lăn xuống vực thẳm. Vô cùng cảm kích, khâm phục, lại muốn cổ vũ tinh thần hiệp đồng kéo pháo của đồng đội, Hoàng Vân nảy ra ý tưởng sáng tác một bài hát mang tính tập thể, có xướng, có xô. Ông nhớ đến câu xướng: “Tình bằng ai ơi! Đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần đánh giặc còn cao hơn đèo...”. Nhưng bài hò dân gian này có âm điệu rất cổ, gợi lên dáng dấp sinh hoạt của một thời xa xưa. Hoàng Vân thấy cần tạo nên một bài hò mới, trên chất liệu dân tộc nhưng phải mang rõ nhịp điệu lao động mới mẻ, khẩn trương của một số đông người.

Sau một thời gian, bài hát “Hò kéo pháo” ra đời, mang âm hưởng một bài hò hiện đại, vừa có xướng, vừa có xô, rất phù hợp với không khí kéo pháo khẩn trương, sôi động, gian khổ, vất vả nhưng thoải mái, hân hoan: “Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù...”

Hoàng Vân đã viết “Hò kéo pháo” bằng một bút pháp khá phóng túng. Đây là một trong những bài hát đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc khá đồ sộ của ông về cả số lượng lẫn chủng loại, chất lượng các tác phẩm. Về lĩnh vực ca khúc, ông cũng là nhạc sĩ có bản sắc riêng với cá tính sáng tạo khá độc đáo, đặc sắc. Một trong những điểm tạo nên cái duyên của ông là sự kể - nhiều khi khá dài dòng, tỉ mỉ - vốn dĩ không thích hợp trong thể loại ca khúc. Vậy mà ở ông, người ta vẫn bị thuyết phục. Ngay ở “Hò kéo pháo” - một ca khúc ra đời năm ông mới 23 tuổi đã báo hiệu cái đặc điểm “kể lể” ấy.

Có thể coi bài hát ở thể 2 đoạn, nhưng mỗi đoạn đều có sự mở rộng khá thoải mái, không bó hẹp, nệ vào khuôn mẫu cố định nào. Chính sự “phá phách” về hình thức kết cấu, bố cục này cộng với việc tránh những quãng 3, dùng nhiều quãng 4 đi lên và đi xuống đã góp phần tạo nên tính chất hào sảng của bài hát - một đặc điểm rất cần có ở một ca khúc quần chúng nhằm vào mục đích cổ vũ, động viên tinh thần số đông người.

Một đặc điểm dễ nhận thấy ở nghệ thuật sáng tác của bài hát này là tuy tác giả không quên nhắc đến sự vất vả cực nhọc của một hoạt động rất nặng, đòi hỏi sự cố gắng nỗ lực đến mức phải gồng mình lên, cắn răng, đem hết sự bình sinh mới có thể hoàn thành công việc nhưng lại luôn toát lên vẻ vui tươi, lạc quan của người trong cuộc. Những “vai ướt đẫm, sương đêm cùng mồ hôi”“lửa nóng trong bom đạn bốc cháy chung quang ta rồi”, rồi “vực sâu thăm thẳm” v.v… vẫn phải lùi bước trước những chiến sĩ luôn phơi phới, nức lòng “tin chắc thắng, ta tin tưởng ở trên” và hò reo thắng lợi: “Tới đích rồi! Đống chí pháo binh ơi. Vinh quang thay sức người lao động. Hò dô ta kéo pháo ta vượt qua đèo, thề quyết tâm bắn tan đồn thù...”. Lâu nay chúng ta vẫn theo đuổi một lý luận trong phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa: Hiện thực phải hòa quyện với lãng mạn. Cả hai yếu tố này đã thấm đượm trong “Hò kéo pháo”, tạo nên một giá trị vĩnh hằng - điều mà khi cầm bút sáng tác cách đây 50 năm, chưa hẳn tác giả đã chủ tâm.

Pháo binh Việt Nam đã không ngừng phát triển và phát huy tác dụng lớn lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Sau “Hò kéo pháo” từng ra đời nhiều bài hát về binh chủng pháo kể cả Hoàng Vân sau này cũng có bài “Bài ca pháo kích” viết về pháo cao xạ, nhưng vẫn không thể vượt qua được “Hò kéo pháo”. Đó là một vinh quang không dễ gặt hái được đối với bất kỳ người sáng tác nào./.

Thôn Ca

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất