Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 26/4/2010 22:48'(GMT+7)

Tái hiện hình ảnh thầy giáo Thành với nhiều sắc độ cảm xúc

Cảnh trong phim “Nhìn ra biển cả”

Cảnh trong phim “Nhìn ra biển cả”

Lần đầu tiên những hình ảnh của Bác Hồ giai đoạn dạy học ở trường Dục Thanh  cách nay 100 năm được các nhà làm phim tái hiện sinh động với nhiều sắc độ gợi cảm xúc.

Trước Nhìn ra biển cả, chưa có bộ phim nào đề cập đến giai đoạn Bác Hồ dạy học ở trường Dục Thanh. Tư liệu không nhiều nên quá trình viết kịch bản cũng là quá trình mà tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát phải vượt qua những thách thức về sáng tạo để chọn một hướng đi phù hợp. Một mặt tôn trọng lịch sử và các sự kiện có thật.

Mặt khác, vận dụng chừng mực thủ pháp hư cấu của thể loại để sáng tạo các tình tiết mới, các nhân vật mới nhằm làm sáng rõ phẩm chất đạo đức và chí hướng cao cả của con người vĩ đại Hồ Chí Minh.

Ở góc độ kịch bản, bà Ngát kể: “Tôi đã đọc tất cả những tư liệu liên quan đến giai đoạn Bác Hồ dạy học ở trường Dục Thanh mà Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ, trong đó có những bức thư của các học sinh trường Dục Thanh gửi cho  thày Nguyễn Tất Thành và thư của thày Thành gửi học sinh trường Dục Thanh... Mặc dù có những sáng tạo mới về chi tiết, lời thoại, nhưng cơ bản bộ phim tôn trọng lịch sử”.

Chuyện phim bắt đầu với cuộc biểu tình chống sưu cao thuế nặng  của bà con nông dân, tiểu thương ở Huế năm 1908. Lúc đó, hai người con trai của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đang học tại trường Quốc học Huế. Do tham gia làm thông dịch cho đoàn biểu tình, Nguyễn Tất Thành bị đuổi học.

Nhìn thấy chí hướng của con, cụ Phó Bảng đã gửi Nguyễn Tất Thành vào Phan Thiết dạy học trong trường Dục Thanh.

Những nhà chí sĩ, nhân sĩ yêu nước sáng lập ra ngôi trường này như: cụ Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi đã ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng của chàng thanh niên vốn có sẵn lòng nhiệt huyết. Hai năm làm thầy tại trường Dục Thanh, Nguyễn Tất Thành đã đem đến cho ngôi trường một bầu sinh khí mới.

Đó là sự đam mê học hỏi; sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy, nghiên cứu để đạt hiệu quả cao hơn; sự nhiệt huyết, hết mình với văn hóa Việt, truyền thống Việt... Và bao trùm lên tất cả là tình yêu nước, thương dân của một trái tim vĩ đại.

Không có những bối cảnh hoành tráng, Nhìn ra biển cả gây ấn tượng với  người xem ở chính sự công phu về bối cảnh, phục trang, đạo cụ...Gần 700 bộ trang phục cổ, kèm theo đó là các phụ kiện như nón, guốc... được thiết kế mới bởi cô gái 24 tuổi Đỗ Thu Hiền. Mà không chỉ có trang phục, các đạo cụ như xe kéo, xe ngựa, đồ dùng trong gia đình, trường học (nồi nấu cơm, mâm bát...) đều được làm theo đúng các tư liệu ảnh  đang lưu giữ tại các bảo tàng, thư viện. Các bối cảnh phim cũng được tái hiện công phu.

Riêng bối cảnh trường Dục Thanh, đoàn phim đã phục dựng ngay tại Huế với tỉ lệ 1:1. Còn để có cảnh hổ vồ ngựa  trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành từ Huế vào Bình Khê thăm cha, đoàn phim đã mất  gần 10 ngày quay hình ảnh chú hổ Đông Dương ở vườn thú Hà Nội...

Diễn ra từ ngày 29.4 - 20.6 trong phạm vi cả nước, đợt Phim kỷ niệm các ngày lễ lớn được bắt đầu với bộ phim Nhìn ra biển cả (đạo diễn Vũ Châu). Bên cạnh đó là các phim truyện nhựa, như: Đừng đốt, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hà Nội mùa đông năm 1946, Giải phóng Sài Gòn; các phim tài liệu: Hồ Chí Minh  với Trung Quốc, Thời cơ thần tốc, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai...

Nhân dịp 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cục Điện ảnh tổ chức  đoàn cán bộ, nghệ sĩ làm phim dự khai mạc đợt phim trong chương trình  Lễ hội làng Sen; tổ chức 2 cuộc giao lưu giữa đoàn phim Nhìn ra biển cả với sinh viên các trường đại học  ở Vinh và với khán giả ở làng Sen.

Làm về giai đoạn Bác Hồ mười tám, đôi mươi và bên cạnh Người là các em nhỏ- lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma...”  nên các nhà làm phim đặt cái đích cảm xúc là sự trong sáng, tươi mới làm điểm tựa cho những khát vọng và chí hướng của tuổi trẻ trong bối cảnh đất nước đang lầm than. Vì thế, hình ảnh Nguyễn Tất Thành trong Nhìn ra biển cả... có vẻ lạ hơn so với Nguyễn Tất Thành ở  bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn làm về tuổi trẻ của Bác trước đây. Lần đầu vào một vai nặng ký, Nguyễn Minh Đức (sinh viên năm thứ 3 trường SK&ĐA Hà Nội) có chút “hụt hơi”  ở một vài cảnh đầu phim. Cũng có thể do dựng chưa nhuyễn nên những cảnh đầu gợi cảm giác chưa mạch lạc về logíc chuyện; mạch cảm xúc và đường dây phát triển tâm lý. Phim trở nên sinh động và diễn xuất của diễn viên trong vai Nguyễn Tất Thành ấn tượng hơn rất nhiều từ bối cảnh trường Dục Thanh. Với một bộ phim không có nhiều xung đột để bộc lộ tính cách cũng như thúc đẩy sự phát triển của tâm lý... thì  gương mặt sáng, đôi mắt sáng, nụ cười khiến khuôn hình bừng sáng bởi cảm giác thân thương; lối diễn  trẻ trung, biết tiết chế cảm xúc của Nguyễn Minh Đức là một ghi nhận đáng khuyến khích. Bởi ở chừng mực nào đó, anh đã  tạo cho nhân vật của mình một sức ám ảnh - sức ám ảnh về lòng nhiệt huyết, khát vọng, chí hướng của một phẩm cách lớn, trái tim lớn -  người mà 34 năm sau đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Điều duy nhất còn "băn khoăn" ở bộ phim này là vấn đề lồng tiếng Bắc cho tất cả các nhân vật, trong khi câu chuyện diễn ra hoàn toàn ở miền Trung. Đạo diễn Vũ Châu lý giải đó là “sáng tạo” của đoàn phim vì muốn bộ phim được chiếu rộng rãi, khán giả cả nước có thể tiếp nhận nội dung phim một cách dễ dàng. Còn nếu để các nhân vật phim nói tiếng địa phương, bộ phim sẽ có nhiều chất giọng như: Huế, Bình Định, Nghệ An, Phan Thiết... sẽ là một trở ngại cho người tiếp nhận ở nhiều vùng miền trên cả nước. Liệu người xem có chấp nhận sáng tạo này? Tất cả phải chờ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là với kinh phí 7,2 tỉ đồng cùng  thời  gian thực hiện không nhiều (riêng thời gian làm phục trang chỉ có 1 tháng) nhưng các nhà làm phim Nhìn ra biển cả đã tạo được một bộ phim có nhiều cái đáng xem, đáng suy ngẫm và cũng đáng khuyến khích. Không ít cảnh khiến người xem rưng rưng xúc động. Và trên hết vẫn là cảm xúc mới mẻ, trẻ trung toát ra từ nội dung phim.

Nguyệt Nhi-SGGP0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất