Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Hai, 26/4/2010 22:48'(GMT+7)

Dư âm chiến thắng

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Gắn với những kỷ niệm trọng đại của lịch sử, âm nhạc tỏ ra có ưu thế trong việc phản ánh nhanh nhạy và biểu hiện kịp thời mọi trạng thái dào dạt nhất của cảm xúc dân tộc. Những ngày quân ta thực hiện cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, tiến tới giải phóng miền Nam với sự kiện 30/4, âm nhạc - bằng thể loại ca khúc - đã như những trang nhật ký bằng âm thanh bám sát và phản ánh nhanh nhạy sự kiện vĩ đại đó.

Những ngày tháng ấy, trên các đài phát thanh, truyền hình ở khắp mọi nơi, chỉ có một âm điệu hào hùng, sôi động của các bài ca được phát trong chương trình ca nhạc. Hầu hết giới nhạc sĩ đều sáng tác rất kịp thời gắn với các sự kiện giải phóng từng địa phương: Ban mê Thuột, Huế, Quảng nam, Đà Nẵng, Phú Khánh, Thuận Hải, Tây Nguyên... Người ta bắt gặp những tên tuổi nhạc sĩ quen biết đã tạo nên bức tranh hoành tráng bằng âm thanh với những sáng tác ca khúc mới nhất: Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Huy Thục, Văn Kí, Lê Lôi, Hoàng Vân, Hồ Bắc, Văn An , Vũ Thanh, Nguyên An, Vĩnh An, Tân Huyền, Phạm Tuyên, ... Dù viết cho tập thể hay hát đơn ca, âm điệu chung của những sáng tác về các vùng quê hương giải phóng những ngày này đều hào hùng, sôi nổi, phơi phới như thác lũ dâng trào. Chủ thể cảm xúc của tất cả mọi bài là “ta”, thay vì “tôi”, hoặc anh em thường xuất hiện trong các ca khúc trữ tình. Các nhạc sĩ đều ý thức rõ rệt: biểu hiện cảm xúc cá nhân của chủ thể sáng tạo (tác giả) chính là cảm xúc của toàn thể dân tộc giữa những ngày chiến đấu thần tốc và chiến thắng. Việc sử dụng chất liệu dân ca các địa phương cho việc hình thành ca khúc hầu như được tất cả các nhạc sĩ quán triệt trong việc viết về các vùng quê hương giải phóng. Những ca khúc viết về Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, ... giải phóng mang đậm phong vị các làn điệu dân ca xứ sở nên dễ đi vào lòng người và nhanh chóng được quần chúng đón nhận.

Trong loạt bài hát xuất hiện lúc này, đặc biệt có hai bài gây được ấn tượng mạnh mẽ, có sức lay động mãnh liệt trái tim công chúng. Đó là bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” của Phạm Tuyên và bài “Em có nghe âm thanh ngày mới” của Nguyễn An. Bài hát của Phạm Tuyên như một tấm pa-nô, áp phích với kích cỡ cực lớn bằng âm thanh có tác dụng tuyên truyền, cổ động rất hiệu quả cho số đông người. “Bức tranh” cổ động ấy chỉ vẽ bằng những đường nét, màu sắc, mảng miếng hết sức đơn giản nhưng hiệu quả cổ vũ lại rất lớn lao, có lẽ nằm ngoài sự tưởng tượng của chính tác giả (Hiện nay trong cuộc mít tinh hay sinh hoạt tập thể, kết thúc một chương trình biểu diễn, một cuộc vui liên hoan, người ta đều nhất loạt vỗ tay cùng đồng thanh hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đủ cho thấy sức mạnh tự nhiên của ca khúc này như thế nào). Bằng hình thức hai đoạn đơn, trong đó đoạn A gồm 4 câu nhạc ngắn và đoạn B chỉ là sự nhắc lại 4 lần câu hát “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, ca khúc mang tính quần chúng rất rõ, và điển hình cho loạt bài hát giành cho mọi người có thể hát dễ dàng. Tính khái quát, cô đọng, hàm xúc như một tuyên ngôn, như một lời tung hô được truyền tải trong một giai điệu cực kì giản dị, hát gần như nói. Lại được tác giả khống chế trong một âm vực rất hẹp (quãng 9 là quãng đối với sáng tác dành cho thiếu nhi cũng là lí tưởng) đã khiến ca khúc rất dễ thuộc, dễ hát và điều quan trọng là người ta có thể cùng nhau đồng thanh hát ngay được. Tuy nhiên sự ra đời và sức phổ biến rộng rãi, nhanh chóng của bài hát này cũng có “số phận” may mắn. Ở thời điểm sắp giải phóng Sài Gòn, tác giả Phạm Tuyên đang là Trưởng Ban Biên tập âm nhạc ở Đài tiếng nói Việt Nam. Biết chắc phút chiến thắng đã đến gần, nhận chỉ thị của Bộ Biên tập, vốn rất nhanh nhạy và sở trường với những vấn đề thời sự chính trị, Phạm Tuyên đã gấp rút hoàn thành ca khúc chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Với “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, một lần nữa Phạm Tuyên lại tỏ rõ một nhà chính trị hoạt động sáng tác âm nhạc hơn là tư chất một nghệ sĩ thuần tuý tư duy nghệ thuật.

Nếu “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên là một ca khúc quần chúng, có tác dụng như thể loại tranh cổ động thì “Em có nghe âm thanh ngày mới” của Nguyễn An lại là ở dạng ca khúc nghệ thuật, chủ yếu tác giả sáng tác dành cho hát dân ca, tuy nhiên nếu dàn dựng cho hình thức hợp xướng lại càng có hiệu quả. Cảm hứng chủ đạo của Nguyễn An trong bài hát này là cảm xúc dâng trào, là tiếng reo vui trước sự kiện nước nhà đổi tên thành nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam: “Âm thanh mới ngân vang trong dòng tên tổ quốc đang chuyển rung tiếng vàng. Non sông yêu dấu của ta tươi đẹp bao la. Nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam...” Ca khúc này ra đời sau loạt bài hát phản ánh chiến thắng, giải phóng miền Nam nhưng nằm trong âm hưởng của giai đoạn này nên được coi là một trong những “cái đinh” đáng kể, không thể bỏ qua. Ngay từ tiếng mở đầu, Nguyễn An đã cất lên ở âm khu cao của bài hát - Một xử lí không thấy có nhiều ở các ca khúc khác - và cứ thế, tác giả cho mạch giai điệu chạy ở “vùng cao” ấy gây cho người nghe cảm giác đó là những xúc cảm của người đang đứng ở một tầm cao chiến thắng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của những từ này. Cả bài hát toát ra một phong vị hào sảng, tươi rói, đĩnh đạc, oai phong nhưng rất thoải mái, đúng như những cảm xúc, tâm trạng của cả một dân tộc vừa dành chiến thắng sau nhiền năm tháng chịu đựng gian khổ chiến đấu hy sinh. Bài hát của Nguyễn An là sự kết hợp hài hoà giữa chất dân tộc và hiện đại, trong đó dáng vẻ hiện đại nổi rõ hơn, sự hoà quện nhuần nhuyễn giữa tính trữ tình và anh hùng ca. Ca khúc mang hơi hướng tráng ca nhưng vẫn ngắn gọn càng nghe càng thấy sâu sắc, thú vị, gây ấn tượng mạnh mẽ. Ca khúc ngắn, cô đọng, phát triển giai điệu rất hợp lí, nhiều quãng “rất đắt” thể hiện rõ một bút pháp cao tay của tác giả trong lĩnh vực sáng tác ca khúc. Quả vậy, với “Em có nghe âm thanh ngày mới”, Nguyễn An đã nâng mình lên một tầm giá trị đáng kể trong giới nhạc sĩ Việt Nam.

Đã qua đi nhiều năm. Nhưng nay nghe lại những bài hát ra đời trong những ngày tháng hào hùng mùa xuân năm 1975 và liền sau đó, chúng ta như sống lại cả một thời sôi động, nóng bỏng mà nức lòng tràn đầy hứng khởi và lạc quan. Quanh ta hôm nay đã là một không khí âm nhạc khác, trong đó không ít những “nỉ non sướt mướt” gặm nhấm mọi trạng thái tâm tư vụn vặn. Thời gian như lửa thử vàng, mỗi khi nghe lại những ca khúc “mang dấu ấn lịch sử”, ta càng thấy yêu quý, trân trọng hơn những âm hưởng “khải hoàn ca” của một thời kỳ cả dân tộc hân hoan trong niềm vui chiến thắng./.

Nguyễn Đình San

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất