Thứ Năm, 21/11/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Ba, 29/3/2022 13:48'(GMT+7)

Thầy cô nên xưng hô đúng mực

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

(Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Nhưng điều đó không có nghĩa là người nói cứ hạ mình xuống để biểu hiện sự nền nã, lịch sự trong giao tiếp mà tùy vào môi trường, hoàn cảnh, đối tượng giao tiếp để xưng ngôi cho phù hợp, đúng mực. Mặt khác, cũng không nên tận dụng vị trí xã hội, chức vụ công tác để xưng ngôi một cách thiếu tương xứng với phẩm chất, tư cách nghề nghiệp của mình.

Từ lâu, xã hội ta luôn đề cao đạo học, coi trọng chữ nghĩa, tri thức, vì thế những người làm nghề dạy học được nhân dân gọi chung là “thầy giáo”. Cùng với thầy thuốc, thầy giáo là danh xưng cao cả, được xã hội trọng vọng. Tuy vậy, danh xưng này chỉ thật sự mang lại tình cảm, niềm tin chân thành của người dân đối với những người cả đời gắn bó với nghiệp phấn trắng bảng đen. Trong thực tế, đa số thầy giáo, cô giáo luôn giữ gìn lời ăn tiếng nói mô phạm, chuẩn mực của nghề giáo, được cả học sinh và phụ huynh trân quý, thì vẫn có một số giáo viên nói năng, xưng hô, không hẳn lúc nào cũng chuẩn mực, phù hợp với môi trường, hoàn cảnh giao tiếp.

Có cô giáo chủ nhiệm một lớp ở bậc trung học cơ sở, tuy tuổi đời mới ngoài ba mươi nhưng khi chủ trì buổi họp phụ huynh, cô luôn xưng “mình” trong quá trình trao đổi với hơn bốn chục cha mẹ, ông bà của học sinh có mặt trong buổi họp. Chẳng hạn, cô hồn nhiên nói: “Mình mong các bác phụ huynh luôn giữ mối liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để cùng động viên, quản lý việc học tập, rèn luyện của các con”; “Mình đề nghị các bác phụ huynh không lơ là đối với việc tự ôn luyện, tự học tập ở nhà buổi tối”; “Mình yêu cầu các bác phải thường xuyên nhắc nhở, giám sát, kiểm tra việc làm bài tập về nhà thầy cô giao cho”,...

Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ngót tuổi ngũ tuần mà khi trao đổi, nói chuyện với các phụ huynh luôn xưng là “thầy”, cho dù đối tượng giao tiếp nhiều tuổi hơn. Chẳng hạn, hiệu trưởng từng nói: “Thầy nói thật với anh việc chấp hành kỷ luật học tập, rèn luyện của con anh là thiếu nghiêm túc”; “Thầy muốn trao đổi với bác rằng, việc bác cho con học tăng cường ở trường hay không là tùy bác, chứ nhà trường không ép buộc”; “Bố mẹ học sinh đâu mà không đến báo cáo trực tiếp với thầy mà sao ông nội cháu phải đến tận trường nói chuyện với thầy?”...

Cả hai tình huống xưng hô nêu trên đều không phù hợp. Việc cô giáo xưng “mình” thoạt nghe có vẻ gần gũi, thân mật nhưng lại không thích hợp với ngữ cảnh, môi trường, đối tượng giao tiếp. Vì chủ thể xưng ngôi là “mình” chỉ tương thích với tình huống có đối tượng giao tiếp bằng vai phải lứa, hoặc ít tuổi hơn, chứ không thể xưng “mình” với nhiều phụ huynh có tuổi đời cao hơn (nhất là các bậc cao niên). Thế nên, nếu xuê xoa một chút tình cảm thì có thể tạm chấp nhận với lời cô giáo khi nói “mình mong, mình đề nghị...”, còn khi nói “mình yêu cầu...” thì nghe vừa thiếu lịch sự, vừa không hợp với ngữ cảnh giao tiếp.

Còn hiệu trưởng luôn để ngôi xưng “thầy” đối với các bậc phụ huynh học sinh trong bất cứ hoàn cảnh giao tiếp nào cũng là không nên. Ở nhà trường, hiệu trưởng có thể xưng hô “thầy” đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc quyền và các em học sinh trong trường, chứ không thể xưng “thầy” với cả bố mẹ, ông bà của học sinh được. Bởi vì, thực tế có nhiều bố mẹ, ông bà học sinh có tuổi đời cao hơn hiệu trưởng, có vị trí xã hội, chức vụ công tác và trình độ học vấn, tư cách nghề nghiệp có thể ngang bằng, thậm chí cao hơn hiệu trưởng, nên việc xưng ngôi “thầy” trong những trường hợp như vậy là thiếu nhã nhặn.

Nói năng, xưng hô chuẩn mực là một phần làm nên văn hóa sư phạm của nhà giáo. Vì vậy, hiểu đúng vị thế, chức danh nhà giáo để ứng xử, xưng hô với các thành phần trong xã hội sao cho văn minh, lịch sự và phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh giao tiếp chính là thể hiện tư cách đạo đức, nét đẹp văn hóa sư phạm của nhà giáo./.

Phúc Nội (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất