Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 3/9/2012 11:56'(GMT+7)

Học trước chương trình lớp 1, có thật cần thiết?

Có yếu tố tâm lý lo lắng, theo phong trào của các bậc phụ huynh nên cho trẻ học trước chương trình lớp 1. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Có yếu tố tâm lý lo lắng, theo phong trào của các bậc phụ huynh nên cho trẻ học trước chương trình lớp 1. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Tâm lý phụ huynh

Con trai chị Bùi Thị Tuyết Nhung (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) vừa trải qua kỳ thi đầu vào lớp 1 của trường Tiểu học Nguyễn Siêu với các bài thi liên quan đến nhận biết về ngôn ngữ (tiếng Việt), tư duy toán học, tiếng Anh, kiểm tra năng lực quan sát, ghi nhớ, diễn đạt… Mặc dù là kiểm tra đầu vào lớp 1 nhưng tất cả các bé tham gia đều đã biết đọc, biết viết. Do vậy, để con vượt qua được cuộc sát hạch, cả gia đình chị Nhung đã phải dành thời gian kèm viết chữ, ôn luyện và đưa con đến các lớp luyện kỹ năng.

“Cũng biết là việc học sớm chương trình lớp 1 thì con phải giảm bớt thời gian vui chơi nhưng thà vậy còn hơn con đến lớp phải hoang mang, lo lắng khi thấy các bạn đọc ào ào từ những ngày đầu tiên đi học”, chị Nhung chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc (TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) có con vừa vào lớp 1 cho biết, khi học xong chương trình mầm non con đã nhận dạng được bảng chữ cái và 10 con số. Tuy bản thân chị Ngọc không ủng hộ chuyện học trước chương trình vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của con, nhưng chị nghe nói bây giờ không cho con đi học biết chữ, biết tính trước thì khi vào lớp 1 con sẽ bị lạc lõng, không theo kịp chương trình. “Nghĩ tới nghĩ lui mãi cuối cùng tôi cũng phải quyết định cho con đi học trước cho giống các phụ huynh khác”, chị Ngọc nói.

Cũng như bao bậc phụ huynh khác có con ở độ tuổi chuẩn bị vào lớp 1, gia đình chị Trần Thị Chúc Linh (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) rất lo lắng trước bước ngoặt quan trọng này của con.

Chị Linh chia sẻ: “Mặc dù vẫn biết đài báo và nhà trường khuyên không nên cho con học trước nhưng trong thực tế, gia đình tôi vẫn không thể không dạy con học trước bởi hầu như những người có con trong độ tuổi này mà tôi biết đều đã cho con đi học chương trình lớp 1. Đến thời điểm này, cháu đã đọc tốt, bắt đầu học cách cầm bút, viết chính tả đơn giản, biết làm phép cộng trừ trong phạm vi 10. Từ tháng 6 được nghỉ hè tại trường mầm non, cháu bắt đầu theo học thêm lớp toán nhẩm 1 buổi/tuần”.

Con gái chị Nguyễn Ánh Nguyệt (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) đang học lớp mẫu giáo lớn của trường Vietkid. Ngay từ đầu năm học, chị Nguyệt đã nhận được thông báo chuẩn bị dụng cụ học tập (tẩy, bút chì, gọt bút…) và vở cho con để các cô giáo hướng dẫn con làm quen với chương trình lớp 1. Khá bất ngờ nhưng chị Nguyệt vẫn phải chuẩn bị đầy đủ cho con.

Quan điểm của chị Nguyệt là không ủng hộ việc cho trẻ mầm non lớp lớn (5 tuổi-PV) học sớm trước chương trình lớp 1. Theo chị, nhận thức của các cháu vẫn chưa đủ để phải gieo vào đầu các chữ cái và toán. Thậm chí tay của các cháu cầm đồ vật còn dễ rơi vỡ nhưng đã phải bắt đầu cặm cụi rèn chữ viết theo ô ly bé tí.

Tuổi thơ non nớt đã bắt đầu bị lo lắng bởi việc rèn sớm nét chữ và làm toán. Tuy nhiên, khi con đã đi học, nếu không thực hiện theo chương trình học của nhà trường, chị Nguyệt sợ con sẽ lạc lõng với các bạn.

Học trước, hiện tượng quá phổ biến

Theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, TP. Hà Nội, hiện tượng trẻ đi học trước chương trình lớp 1 khá nhiều, điều này vừa không có tác dụng tốt với trẻ như các bậc phụ huynh vẫn nghĩ, lại vừa gây khó khăn cho giáo viên lớp 1. Các giáo viên dạy lớp 1 chẳng khác nào dạy lớp ghép, với nhiều trình độ khác nhau.

Bà Phương phân tích, khi vào lớp 1, những trẻ đi học trước có thể sẽ thấy mình "giỏi" hơn các bạn, thấy tự hào và hứng khởi khi mình biết trước, tâm lý ban đầu của trẻ sẽ thoải mải, không bỡ ngỡ nhiều.

Tuy nhiên, việc cho trẻ học trước khi vào lớp 1 là không đúng về yếu tố thể chất, tinh thần cũng như giáo dục. Về thể chất, trẻ 5 tuổi chưa đủ sức khỏe, độ tập trung để hoàn thành một bài viết cũng như một bài đọc.

Nên để trẻ sống đúng với lứa tuổi của mình

Về mặt tâm lý, các lớp học thêm phần lớn tổ chức ngoài giờ ở trường mầm non. Như vậy, sau giờ học, hoặc ngày nghỉ, các em phải "làm việc". Song song với đó, bố mẹ ở nhà kèm thêm con đọc, viết vào buổi tối, khiến các em không còn thời gian vui chơi, sinh ra tâm lý căng thẳng và sợ học.


Về mặt kiến thức, giáo viên đón nhận học sinh ở nhiều trình độ khác nhau sẽ hoặc lựa chọn bồi dưỡng các em chưa biết chữ trước, các em biết chữ rồi sẽ thấy nhàm chán hoặc lựa chọn cách dạy nhanh hơn so với tốc độ thực...


Kết quả có thể là mặt bằng học sinh nắm chưa hết kiến thức. Mặt khác việc học viết trước nếu thiếu quy chuẩn, việc điều chỉnh lại là rất khó.


Điều cần thiết là cả sức khỏe, tâm lý


Rất nhiều các thầy cô giáo đã trao đổi rằng, điều cần thiết nhất khi chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 là chuẩn bị về mặt sức khỏe và tâm lý cho trẻ để trẻ đón nhận cấp học mới như một niềm vui, một niềm tự hào rằng mình đã lớn, để mỗi ngày tới trường, các con có "thành tích" về khoe với ông bà cha mẹ: hôm nay con biết thêm chữ này, học được điều kia. Vì vậy, h
ãy tạo niềm vui thực sự, niềm vui khám phá khi các con bước vào lớp 1.


Là một giáo viên đứng lớp đã nhiều năm, bà Bùi Thị Hoa, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội cho biết, do sốt ruột nên các phụ huynh thường cho con học trước chương trình tại nhà các giáo viên đã về hưu, nhưng các giáo viên này dạy theo chương trình và phương pháp dạy đã cũ nên các bé có thể biết đọc nhưng viết và làm toán thì không đạt quy chuẩn.


“Tôi không muốn cho các con học trước nhiều. Trước khi vào lớp 1 các con chỉ cần biết mặt chữ và các con số đã là đủ”, bà Hoa nói.


Bà Hoa cho biết thêm, đối với các bé đã học trước chương trình khi đi học thời gian đầu do đã biết rồi nên các bé thường không chú ý bằng các bạn chưa biết. Hơn nữa việc học trước không mang lại hiệu quả lâu dài, thực tế mặc dù cho trẻ học trước nhưng chỉ hết học kỳ 1 trẻ sẽ về đúng năng lực, tư duy mà không phân biệt trẻ đã được học trước hay không.


Học hành là cả quá trình và khoa học thực sự


Bà Nguyễn Thị Hiếu, nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Thị trấn Bần, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên đã từng có nhiều năm gắn bó với công tác giáo dục đưa ra ý kiến: “Nếu ngay khi các cháu 5 tuổi, phụ huynh đã bắt các cháu phải học trước chương trình, như vậy chúng ta đã vô tình để các cháu gánh trên vai 1 cái gánh nặng hơn hẳn so với sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.


"Tôi đã chứng kiến một vài trường hợp phụ huynh do quá ảo tưởng vào sự thông minh của con, ép con phải học lớp 1 sớm và hậu quả là học sinh đó phải xin lưu ban, học lại với các bạn cùng tuổi. Khi đó, thậm chí những học sinh này còn học yếu hơn nhiều bạn khác do các cháu cảm thấy xấu hổ vì bị đúp”, bà Hiếu nói. 


Để tránh hậu quả của việc ép trẻ học trước chương trình, theo bà Hiếu, trước hết cần thay đổi tâm lý lo lắng của phụ huynh. Bản thân trẻ không ý thức được việc mình cần học trước chương trình nên để thay đổi, cần thay đổi từ ý thức chính phụ huynh.


Bà Tạ Thị Thu Trang, giáo viên lớp mẫu giáo lớn, trường Mầm non Chu Văn An, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội cũng cho rằng trẻ mẫu giáo nói chung và trẻ 5 tuổi nói riêng, hoạt động chủ đạo là vui chơi, việc cho trẻ học trước chương trình lớp 1 là chưa cần thiết, vì như vậy trẻ sẽ có tâm lý chán học khi mọi điều mình đã biết. Có những trường hợp trẻ không thích ứng được thì không chỉ việc học tập không đạt kết quả mà cuộc sống của trẻ cũng trở nên nặng nề.


Kết lại bài viết này, chúng tôi xin được chia sẻ quan điểm của bà Nguyễn Thị Phương, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm: “Khi các bé 3 tuổi học cầm đũa, các bé phải tự tích luỹ kinh nghiệm cho mình để làm thế nào có thể lấy được thức ăn. Trong quá trình tích luỹ kinh nghiệm ấy, cổ tay bé xinh kia cũng đã tạo cho mình một kinh nghiệm để hỗ trợ việc cầm bút sau này. Chẳng phải ngẫu nhiên mà chương trình mẫu giáo có phần hướng dẫn các em xâu vòng, đó không chỉ là trò chơi mà đó chính là bước đầu của quá trình dạy bé viết. Vậy các ông bố bà mẹ, trước khi dạy con cầm bút, hãy dạy con cầm đũa...”./.

(Theo: Nga An Hoa/VGP News) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất