Ðầu năm học mới, một câu hỏi quen thuộc và cấp thiết lại đặt ra: Làm sao để có được một môi sinh - tức là môi trường xã hội thuận chiều cao độ cho yêu cầu phát triển giáo dục? Ðây chính là một trong những vấn đề mấu chốt nhất để thực hiện mục tiêu "đổi mới căn bản và toàn diện" nền giáo dục nước nhà.
Hẳn không ai không biết rằng, quan hệ giữa sự nghiệp giáo dục và hoàn cảnh đất nước, thời đại là quan hệ giữa thuyền và nước. Nước lên thuyền lên. Nước xuống thuyền xuống. Nhưng trong thực tế lại có điều chưa ổn. Các nhà hoạch định chính sách giáo dục tuy cũng nói đến hoàn cảnh xã hội thế này thế nọ nhưng cũng chỉ nói vậy thôi. Còn một số tờ báo thì ít nhiều lại có khuynh hướng coi giáo dục như một ốc đảo để rồi phê phán, thậm chí không ít trường hợp là chì chiết, rất bất lợi cho tâm lý tuổi thơ học đường. Ðó đây, cũng đã có ý kiến đề nghị xem xét giáo dục không chỉ ở môi trường hẹp mà còn là môi trường rộng, không chỉ là "vòng tròn nhỏ" mà còn là "vòng tròn lớn", tức là hoàn cảnh đất nước và thời đại. Ðó là điều vô cùng cần thiết nhưng xem ra lại chưa được nhiều người, kể cả lãnh đạo giáo dục quan tâm sâu sắc để có hành động đích đáng.
Môi trường giáo dục phải gắn liền môi trường xã hội. Cho nên, một trong những vấn đề cốt lõi ở đây là phải làm sao tạo được môi trường rộng thuận chiều cho môi trường hẹp, "vòng tròn lớn" thuận chiều cho "vòng tròn nhỏ"; rộng hẹp hài hòa, lớn nhỏ hài hòa nhất thiết phải có, dù nhiều dù ít mới mong đạt mục tiêu "đổi mới căn bản và toàn diện" nền giáo dục nước nhà. Cụ thể, theo tôi cần phải triển khai thực hiện ngay từ năm học mới này một số vấn đề sau:
Một là, những nhà lãnh đạo công cuộc "đổi mới căn bản và toàn diện" nền giáo dục hãy chính thức đặt vấn đề nghiên cứu một cách thật sự công phu, khoa học về mối quan hệ giữa sự nghiệp giáo dục với hoàn cảnh đất nước trong thời hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường bằng một chương trình khoa học cấp quốc gia.
Hai là, các trường học khắp cả nước hãy thay khái niệm "trường học thân thiện" (nghe thì hay nhưng xem ra lại mơ hồ), để trở lại với khẩu hiệu vô cùng đích đáng và cụ thể mà một thời đã có là: "Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò". Từ đó, lãnh đạo ngành giáo dục phải chỉ đạo toàn ngành, theo tinh thần của Nghị quyết 4 của Trung ương Ðảng, tiến hành việc kiểm điểm nghiêm túc và có kế hoạch phấn đấu theo khẩu hiệu đích đáng và cụ thể đó. Dĩ nhiên, đây không chỉ là chuyện riêng của ngành giáo dục mà còn là chuyện của toàn Ðảng, toàn dân.
Ba là, riêng đối với học sinh, sinh viên (trừ mẫu giáo và tiểu học) từ bậc trung học cơ sở trở lên, ngay từ năm học này, trong nội dung giáo dục công dân, ngành giáo dục phải có chủ trương và kế hoạch từng bước theo trình độ từng cấp học mà tạo cho học sinh dám và biết nhận thức về cuộc sống đất nước ở cả hai mặt phải trái để từ đó hình thành thái độ ứng xử một cách lành mạnh, có bản lĩnh. Cần hạn chế tình trạng dạy học sinh như nuôi trẻ trong lồng kính.
GS. Nguyễn Đình Chú/ Nhân Dân