Sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động
Qua 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, toàn thể các bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học viên, sinh viên trong Học viện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức. Các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức luôn có ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức với lối sống giản dị, tinh thần trách nhiệm cao với công việc.
Học viện đã tổ chức được nhiều cuộc Hội thảo khoa học Quốc gia như “40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào Thi đua yêu nước, tư tưởng về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Qua đó, đã khẳng định được sức sống và giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam, với thời đại, là niềm tự hào của mỗi cán bộ, công chức, học viên, sinh viên của Học viện được mang tên Bác, là cơ sở để mỗi người có ý thức hơn về nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong học tập và rèn luyện. Những biểu hiện như quan liêu, hách dịch, vô trách nhiệm trong việc làm, phát ngôn, lãng phí trong sử dụng tài sản công của số ít cán bộ, đảng viên đã từng bước được khắc phục. Môi trường sư phạm của Học viện được giữ gìn, bảo vệ, nâng cao.
Đảng uỷ các Học viện đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của quần chúng và ý kiến nhận xét của các cấp uỷ, Ban công tác Mặt trận nơi cư trú đối với tổ chức đảng và cán bộ đảng viên trong Đảng bộ. Ban chỉ đạo Cuộc vận động của Học viện đã tổng hợp các ý kiến góp ý, báo cáo Đảng uỷ và chỉ đạo các đơn vị góp ý trực tiếp để từng cá nhân liên hệ, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm, tạo được bầu không khí dân chủ, đoàn kết.
Xác định trọng tâm là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Từ năm thứ ba thực hiện Cuộc vận động, Ban chỉ đạo đã xác định trọng tâm chuyển từ học tập sang làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm có ý nghĩa thiết thực mang lại hiệu quả cao, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan và từng đơn vị, cá nhân.
Trong công tác chuyên môn, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Giảng viên đảm bảo đúng thời gian lên lớp. Các nguyên tắc, phương pháp giảng dạy được quán triệt và vận dụng linh hoạt, phù hợp với nội dung bài giảng. Nhiều giảng viên đã đầu tư thời gian, tâm trí cho việc xây dựng giáo án điện tử, có phương pháp sưu tầm, giới thiệu tài liệu tham khảo cho học viên, sinh viên chấp nhận và ủng hộ.
Thực hiện di huấn của Bác Hồ đối với cán bộ, đảng viên phải “Học tập suốt đời, học để làm cán bộ, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, trong 4 năm qua, việc học tập lý luận chính trị, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, học tập ngoại ngữ, học cao học và nghiên cứu sinh đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn Học viện. Học viện đã có thêm nhiều đồng chí được Nhà nước xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư và tặng thưởng các danh hiệu vinh dự của Nhà nước.
Nhiều học viện trực thuộc đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, ra sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Học viện Chính trị - Hành chính khu vực II, khu vực III đã triển khai phong trào thi đua 5 tốt (dạy tốt, học tốt, nghiên cứu tốt, quản lý tốt và phục vụ tốt), 5 tăng (đoàn kết, trách nhiệm, hợp tác, đổi mới, đầu tư), 3 giảm (giảm hội họp, giảm chi phí không cần thiết, giảm căng thẳng trong các mối quan hệ). Tại trung tâm học viện đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: thi đua thực hiện nghiêm nề nếp công tác, kỷ luật lao động,…
Học viện đã xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, viên chức, học viên, sinh viên theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Học viện Hành chính, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã gắn triển khai thực hiện Cuộc vận động với phong trào thi đua thực hiện: quy chế văn hóa công sở, Quy chế văn hoá học đường, xây dựng và quy định tác phong làm việc văn minh lịch sự, thái độ phục vụ tận tuỵ…
Trong sửa đổi lề lối làm việc, cải cách hành chính, Học viện đã ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản như quy chế đào tạo, quy chế kiểm tra, quy chế học viên, quy chế tổ chức hội thảo khoa học, quy chế xử lý với cá nhân, tập thể vi phạm… Trước khi ban hành các văn bản, quy định, quy chế nêu trên, Học viện đều lấy ý kiến góp ý của các đơn vị, sau đó hoàn thiện và phổ biến công khai.
Một số đơn vị trong Học viện đã gắn kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiết kiệm, chống lãng phí vào các hoạt động của đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, có tác động tích cực, sâu sắc đến từng đơn vị. Ở Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III, bằng việc thực hiện phong trào “tiết kiệm vì cộng đồng”.
Về mặt công tác xã hội, Học viện đã nhận phụng dưỡng suốt đời các bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa ở tỉnh Tiền Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng…
Đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo cấp trên
Trên cơ sở thực tiễn triển khai Cuộc vận động tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo của Học viện đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp trên: Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp trên cần có chủ đề hàng năm và sâu sát hơn đối với việc triển khai ở cơ sở. Cần có hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên việc triển khai và tổ chức thực hiện Cuộc vận động ở cơ sở; Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của Học viện sẽ tiếp tục tuyên truyền và tổ chức tốt Cuộc vận động theo hướng dẫn của cấp trên. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong nhận thức và hành động, đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu, nội dung cụ thể, thiết thực, tiếp tục chuyển trọng tâm sang việc thực hiện, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Tổng kết nêu gương tốt của cá nhân và đơn vị, biểu dương khen thưởng và tuyên truyền những tập thể và cá nhân tiên tiến; Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức để cuộc vận động đạt hiệu quả cao.
Sau 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, đã có 7 đơn vị và 8 cá nhân của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh được khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương của Bác.
Bảo Quốc