(TG) - Các hoạt động của Hội Cựu Chiến binh Ban Tuyên giáo TW diễn ra tại Quảng Trị và Quảng Bình từ ngày 30/4 đến 1/5 thể hiện sự tri ân sâu sắc và tôn vinh những chiến công bất tử, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ và nhân dân hai miền Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn cán bộ Cựu chiến binh (CCB) Ban Tuyên giáo TW do đồng chí Trương Minh Tuấn, Phó trưởng ban, Chủ tịch Hội CCB cơ quan dẫn đầu, đã hành hương về Quảng Trị dự Lễ thượng cờ trên Kỳ đài Hiền Lương, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị và thăm một số di tích lịch sử tại hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình.
Tham gia Đoàn là các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các vụ, đơn vị trong Ban Tuyên giáo TW, nguyên là những cán bộ, chiến sĩ đã từng có những năm tháng chiến đấu và phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng đi với Đoàn còn có đại diện Đoàn Thanh niên và Công đoàn cơ quan.
Sáng ngày 30/4, tại Khu di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, Đoàn CCB Ban Tuyên giáo TW cùng với lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân tỉnh Quảng Trị dự Lễ thượng cờ trên Kỳ đài Hiền Lương. Chương trình do Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị tổ chức nhân Ngày hội thống nhất non sông (30/4) và Kỷ niệm 41 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 - 1/5/2013).
Lễ thượng cờ trên Kỳ đài Hiền lương lịch sử sáng 30/4/2013
|
Tại buổi lễ, trong không khí trang nghiêm, trên nền nhạc Quốc ca hùng tráng cùng với lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên đỉnh Kỳ đài Hiền Lương, các đại biểu và đông đảo nhân dân đã lắng nghe và ôn lại những năm tháng chiến đấu trường kỳ gian khổ nhưng vô cùng hiển hách của quân, dân cả nước, trong đó có những người con của mảnh đất Quảng Trị anh hùng.
Trong suốt chiều dài của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, bên dòng sông Bến Hải - nơi từng chịu đựng nỗi đau chia cắt đất nước 21 năm trời, lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cột cờ Hiền Lương đã tung bay trong lửa bom hủy diệt của kẻ thù, như là niềm kiêu hãnh của một dân tộc “thà hy sinh tất cả quyết không chịu làm nô lệ”. Ngọn cờ là biểu tượng của niềm tin, ý chí và của sức mạnh Việt Nam, biểu trưng cho chân lý sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã thôi thúc cả dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc chiến đấu trường kỳ với tinh thần dù hy sinh xương máu, quyết tâm quét sạch kẻ thù, tiến tới thống nhất giang sơn.
Cũng trong ngày 30/4, tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 và Thành Cổ Quảng Trị, Đoàn CCB Ban Tuyên giáo TW và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập dân tộc, tự do, hoà bình cho nhân dân.
Sau lễ viếng, đồng chí Trương Minh Tuấn và thành viên trong Đoàn đã đi thắp hương các phần mộ liệt sĩ, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đến những người con của Tổ quốc đã nằm xuống vì khát vọng và mục tiêu thống nhất non sông.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, bên quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh - Quảng Trị. Nghĩa trang có tổng diện tích 140.000m2, là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ. Nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh này là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ và quy mô nhất của cả nước, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
Viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn.
|
Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 nằm bên quốc lộ 9, trên một vùng đồi cách trung tâm thị xã Quảng Trị gần 6km. Nghĩa trang có tổng diện tích 13 ha, là nơi yên nghỉ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Thành Cổ Quảng Trị là một di tích nằm bên dòng sông Thạch Hãn chảy qua thị xã Quảng Trị, nơi này được biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt trong lịch sử dân tộc. Trong 81 ngày đêm đó, hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, xương máu của các anh đã hòa quyện vào mỗi tấc đất nơi đây. Ngày nay Thành Cổ là một điểm tham quan gây nhiều xúc động, đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương, vì sự hòa bình thống nhất đất nước.
Chụp ảnh lưu niệm trong khu di tích Thành cổ Quảng Trị
|
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Đây là những địa điểm thiêng liêng để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước, chính quyền các địa phương đến viếng thăm và thực hiện công việc đền ơn đáp nghĩa, đồng thời cũng là những “địa chỉ đỏ” - nơi hành hương của nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc và bạn bè quốc tế theo truyền thống đạo lý cao đẹp - uống nước nhớ nguồn - của dân tộc Việt Nam.
Ngày 1/5, tại tỉnh Quảng Bình, Đoàn CCB Ban Tuyên giáo TW và Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Bình đã đến dâng hoa, thắp hương tại Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường 20 - Quyết Thắng và khu di tích Hang Tám Cô thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch - Quảng Bình.
Trong những năm "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam, mảnh đất cát trắng Quảng Bình là nơi để lại nhiều ký ức bi tráng đối với những người lính, những thanh niên xung phong trên đường ra trận. Mảnh đất này cũng là nơi chứng kiến những sự hy sinh anh dũng, những mất mát đau thương, sự tận cùng của tình yêu thương đồng đội.
Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 - Quyết thắng
|
Hang Tám Cô nằm trên cung đường 20 - một phần của đường Trường Sơn huyền thoại, nơi bom đạn Mỹ đánh phá ngày đêm nhằm chặt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và cũng là nơi lực lượng TNXP hy sinh xương máu để giữ cho tuyến đường thông suốt.
Ngày 14/11/1972, máy bay B52 của địch đã rải thảm trên đường 20 Quyết Thắng, làm một khối đá nặng trên 1.000 tấn rơi xuống bịt kín cửa hang, nơi có 8 chiến sỹ TNXP đang tránh bom ở bên trong.
Sự hy sinh của 8 liệt sĩ thanh niên xung phong ở hang Tám cô có thể nói là một trong những sự kiện bi thương nhất của lực lượng thanh niên xung phong trong những năm đánh Mỹ. Bởi ở đó, trong phút chốc 8 thanh niên xung phong đã bị bom giặc "chôn sống" trong hang đá. Và phải mất gần 30 năm sau các anh, các chị mới được tìm thấy để đưa về đất mẹ...
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, các hoạt động của Hội CCB Ban Tuyên giáo TW diễn ra tại Quảng Trị và Quảng Bình từ ngày 30/4 - 1/5 thể hiện sự tri ân sâu sắc và tôn vinh những chiến công bất tử, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ và nhân dân hai miền Nam - Bắc trong những năm tháng chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Qua đó tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng và phát huy hơn nữa lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào đối với thế hệ cán bộ trẻ đang công tác, học tập tại cơ quan; đồng thời khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng và những thành tựu vĩ đại mà dân tộc ta đã đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc./.
Tin: AT; ảnh: Văn Hùng