(TG) - Từ năm 2002 đến năm 2011, cả nước đã xuất bản được hơn 1.000 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các ban, ngành ở cấp tỉnh, thành phố; hơn 1.000 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các đảng bộ, các ban, ngành, quận, huyện, thị xã và hơn 2.000 cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các xã, phường, thị trấn.
Nhằm đánh giá và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xuất bản sách lịch sử đảng bộ, vừa qua tại Hà Nội, Ban Tuyên Giáo TW phối hợp với Học viện CT-HC quốc gia Hồ Chí Minh và NXB Chính trị quốc gia - Sự Thật tổ chức Hội nghị "Nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành - các tỉnh, thành phố phía Bắc".
Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW; Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia - Sự thật...
Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, ngành trong 10 năm qua có bước phát triển rõ rệt. Số lượng các ấn phẩm được xuất bản ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học, tính thống nhất với lịch sử toàn Đảng, song cũng thể hiện được những nét đặc thù riêng của từng địa phương. Các ấn phẩm đã tái hiện một cách đầy đủ, toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử chung của toàn Đảng và lịch sử dân tộc, góp phần quan trọng trong việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của từng đảng bộ nói riêng và của toàn Đảng nói chung trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đến nay đã có 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xuất bản Lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930 - 1975; 29 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử đảng bộ giai đoạn 1975 - 2000; 28 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử đảng bộ giai đoạn 1975 - 2005; đặc biệt có 10 tỉnh, thành phố xuất bản Lịch sử đảng bộ giai đoạn 1975 - 2010. Nhiều tỉnh, thành phố biên soạn, xuất bản được Lịch sử đảng bộ ở hầu hết các quận, huyện, thị xã. Nhiều cơ sở xã, phường, thị trấn cũng tích cực nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng.
Từ năm 2002 đến năm 2011, cả nước đã xuất bản được hơn 1.000 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các ban, ngành ở cấp tỉnh, thành phố; hơn 1.000 công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các đảng bộ, các ban, ngành, quận, huyện, thị xã và hơn 2.000 cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các xã, phường, thị trấn. Các công trình lịch sử đảng bộ tỉnh, thành phố được nghiên cứu, biên soạn, xuất bản đã tập trung vào tổng kết những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo của Đảng ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành thời gian qua cũng còn những hạn chế, như: Một số cấp ủy đảng địa phương, nhất là cấp xã, phường, thị trấn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác lịch sử đảng ở các quận, huyện, thị xã một số nơi còn thiếu về số lượng và yếu về kinh nghiệm. Phương pháp nghiên cứu, biên soạn và tổ chức chỉ đạo thực hiện có nơi còn lúng túng. Chất lượng biên tập, xuất bản của không ít sách lịch sử đảng bộ địa phương chưa bảo đảm…
Tại Hội nghị, ý kiến phát biểu, tham luận của đại diện lãnh đạo các Ban Tuyên giáo, trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và một số Nhà xuất bản đã tập trung thảo luận những nội dung, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng đảng bộ trong thời gian tới.
Theo đó, Hội nghị thống nhất nêu lên một số kiến nghị quan trọng đối với Ban Bí thư Trung ương, Ban Tuyên giáo TW, Ban Tổ chức TW, Học viện CT-HC quốc gia Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật và cấp uỷ các tỉnh, thành. Đó là: Tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo tuyên truyền nhằm phát huy tác dụng của các công trình lịch sử đảng bộ các địa phương, các ngành, các cấp; có kế hoạch tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng; hướng dẫn quy trình tổ chức nghiên cứu, biên soạn, thẩm định lịch sử đảng bộ; có văn bản hướng dẫn cụ thể về tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác lịch sử Đảng ở các cấp; có chế độ, chính sách động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử; tăng cường phối hợp trong việc tổ chức biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ; có cơ chế hỗ trợ kinh phí xuất bản sách lịch sử đảng bộ các cấp; rút ngắn thời gian ra sách nhưng vẫn bảo đảm chất lượng biên tập....
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đề xuất Ban Tuyên giáo TW cùng với Học viện CT-HC quốc gia Hồ Chí Minh sớm có hướng dẫn các địa phương, ngành tổ chức công tác tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư; đề xuất Ban Bí thư Trung ương nghiên cứu, giao cho Ban Tuyên giáo TW phối hợp với Học viện CT-HC quốc gia Hồ Chí Minh và NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật tổ chức, hướng dẫn công tác nghiên cứu, biên soạn, thẩm định và biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ các cấp, các ngành. Ở địa phương nên giao cho Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy là cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định các công trình lịch sử đảng bộ địa phương...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: Kết quả Hội nghị sẽ cung cấp những cơ sở quan trọng từ góc độ công tác biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, ngành cho việc tổng kết Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản ViệtNam./.
Bích Hương