Thứ Ba, 8/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 29/9/2009 21:1'(GMT+7)

Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2009

Một cảnh trong Vở "Mỹ nhân và anh hùng" của Nhà hát kịch Việt Nam.

Một cảnh trong Vở "Mỹ nhân và anh hùng" của Nhà hát kịch Việt Nam.



"Bản hùng ca linh thiêng" khai màn

Sau 5 năm, hội diễn lại được tổ chức theo định kỳ. Lần này có 26 vở diễn của 18 đơn vị nghệ thuật tham gia tranh tài từ ngày 26-9 đến 7-10-2009. Đáng lẽ có 27 vở và 19 đơn vị tham dự hội diễn nhưng đến phút chót Hội nghệ thuật nhân đạo TP Hà Nội chính thức xin rút khỏi danh sách tranh tài với vở "Người đàn bà ngẩn ngơ". Hầu hết các đơn vị đều đăng ký tham dự tới 2 vở diễn (trừ hai đơn vị sân khấu xã hội hóa tham dự 1 vở là Sân khấu Nụ cười mới và kịch Đại Đồng).

Chủ đề của hội diễn lần này là hướng tới kỷ niệm dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng ngoài "Mỹ nhân và anh hùng" của Nhà hát kịch Việt Nam (tác giả Chu Thơm, đạo diễn NSND Lê Hùng), "Ngàn năm tình sử" của sân khấu kịch Idecaf (tác giả Nguyễn Quang Lập, đạo diễn NSƯT Thành Lộc), "Kiều Loan" của Nhà hát Tuổi trẻ (tác giả Hoàng Cầm, đạo diễn NSƯT Anh Tú) và "Nỏ thần" của sân khấu kịch Phú Nhuận thì các vở diễn còn lại đều mang đề tài đương đại chứ không theo dòng kịch lịch sử.

Khác với dự kiến ban đầu, Nhà hát Tuổi trẻ tham gia với hai vở cũ là "Kiều Loan" và "Ai sợ ai" (đạo diễn NSƯT Chí Trung). Ngoài "Mỹ nhân và anh hùng", Nhà hát kịch Việt Nam còn tham gia với "Trên cả trời xanh" (đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu). Nhà hát kịch Hà Nội tranh tài với "Điện thoại di động" (đạo diễn NSƯT Hoàng Dũng) và "Mắt phố" (đạo diễn NSND Phạm Thị Thành). Không kém cạnh so với các sân khấu phía Bắc, phía Nam cũng có sự góp mặt hùng hậu của sân khấu kịch Phú Nhuận, sân khấu kịch Sài Gòn, Idecaf, 5B Võ Văn Tần...

Hội diễn năm nay đã bắt đầu xuất hiện nhiều vở của đạo diễn trẻ, những tên tuổi "lão làng" của sân khấu kịch nói đã bắt đầu nhường sân cho lớp trẻ. Sân chơi này đã được mở với các đạo diễn trẻ như: NSƯT Anh Tú, Đức Thịnh, NSƯT Chí Trung, Đào Quang, Giang Châu, Hạnh Thúy...

Ban giám khảo của Hội diễn sẽ hội ý và chấm điểm độc lập theo "chu kỳ" 5 vở diễn xong - chấm 1 lần. Việc chấm điểm sẽ được thực hiện theo phương thức bỏ phiếu kín. Thành phần Ban giám khảo đều là những người "không liên quan" với các đơn vị dự thi hay vở diễn dự thi. Ngoài giải thưởng Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trên cơ sở từng thang điểm cho vở diễn và diễn viên thì Hội đồng Giám khảo sẽ bình chọn để tặng các giải thưởng riêng cho tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa, thiết kế ánh sáng có nhiều tìm tòi, sáng tạo xuất sắc mang lại hiệu quả cao cho vở diễn. Ban tổ chức hội diễn lần này chủ trương: số lượng giải thưởng cho vở diễn sẽ không vượt quá 30% tổng số vở diễn tham gia Hội diễn. Số lượng giải thưởng cho diễn viên cũng không vượt quá 30% tổng số diễn viên có tên trong bảng phân vai của các vở diễn tham gia Hội diễn./.
 

(Theo: Báo Công thương)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất