(TCTG)- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân là một trong những nội dung được các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề cập một cách cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng công tác của Mặt trận và các đoàn thể phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Quán triệt quan điểm của Đại hội XI về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nhằm xây dựng tổ chức Hội thực sự vững mạnh, giữ vững vai trò nòng cốt trong công tác, từng bước đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vào cuộc sống. Trong thời gian qua, LHPN tỉnh đã tích cực triển khai đổi mới trên một số lĩnh vực của Hội với những nội dung thiết thực.
1.Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Hội, trước hết, nâng cao nhận thức trách nhiệm xã hội về công tác phụ nữ và bình đẳng giới bằng công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ; luật pháp, chính sách; trách nhiệm từ gia đình đến cộng đồng. Đồng thời, lên án, đấu tranh với các biểu hiện coi thường phụ nữ, phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ; đẩy mạnh các hoạt động hướng về cơ sở; phát huy chủ động, sáng tạo trong vận động Phụ nữ ở các cấp hội. Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Hội thông qua xây dựng và thực hiện các đề án của Chính phủ, của UBND phê duyệt. Nâng cao chủ động, hiệu quả thực hiện các chương trình phối hợp với các ngành chức năng. Qua các hoạt động này các cấp Hội chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội; lựa chọn ưu tiên, xác định trọng tâm, trọng điểm; chủ động về nguồn lực, tham gia có trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng và phát huy tốt nội lực của Hội phụ nữ các cấp. Khắc phục cung cách hoạt động hành chính hoá, phô trương hình thức; phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; mở rộng xã hội hoá công tác Hội.
Có phương thức hoạt động linh hoạt, đa dạng, rộng rãi để tập hợp các tầng lớp phụ nữ, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo, vùng miền, độ tuổi khác nhau vào tổ chức Hội; phát triển cơ sở Hội trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; trong các khu công nghiệp…; đề xuất chủ trương thành lập Hội trong các doanh nghiệp nhà nước một cách phù hợp. Thúc đẩy thành lập và phát triển câu lạc bộ nữ doanh nhân của tỉnh. Liên kết, phát triển hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội có cùng mục đích hoạt động vì sự nghiệp bình đẳng giới và phát triển của phụ nữ Việt Nam.
2. Đẩy mạnh nội dung giáo dục về giới, Luật bình đẳng giới, giáo dục gia đình phù hợp, hài hoà với văn hoá Việt Nam vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các trường chính trị, các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của tỉnh.
3. Nâng cao nhận thức của cấp uỷ đảng và hệ thống chính trị về nhiệm vụ lãnh đạo, xây dựng tổ chức Hội LHPN, tiếp tục nghiên cứu lý luận về tổ chức hoạt động của Hội, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và vai trò làm chủ của nhân dân thông qua Hội LHPN.
4. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm Hội LHPN các cấp tham gia quản lý Nhà nước, thực hiện đầy đủ vai trò đại diện quyền dân chủ của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Đặc biệt, tạo điều kiện để hội viên Phụ nữ trực tiếp thực hiện quyền của mình như bảo vệ lợi ích, tham gia xây dựng chính sách pháp luật; giám sát, phản biện xã hội…; đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, hiệu lực và hiệu quả; tham gia đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
5. Thực hiện có hiệu quả đề án: “Tuyên truyền giáo dục pháp luật cho phụ nữ nông thôn và phụ nữ dân tộc thiểu số”; giám sát chính sách an sinh xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em; hình thành các điểm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phụ nữ trong tình hình mới.
6. Khắc phục khó khăn do đặc điểm giới và định kiến giới mang lại; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, MTTQ, các ban, ngành và đoàn thể xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục, chăm lo và tạo điều kiện cho phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững. Nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng, gia đình về xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững. Đề xuất chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế phù hợp với kinh tế xã hội của đất nước; chủ động, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đồng thời chú trọng hướng dẫn Phụ nữ bảo vệ, cải thiện môi trường sống, ứng phó với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; tạo điều kiện để Phụ nữ làm tốt vai trò nòng cốt xây dựng gia đình, góp phần làm chuyển biến tích cực và rõ nét trên 8 mục tiêu: không nghèo đói, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không để trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch thông qua cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”. Nâng cao trình độ cho các bà mẹ về kiến thức nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình “no ấm ,bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”; kỹ năng cho hội viên phụ nữ về nội dung hôn nhân gia đình, hôn nhân có yếu tố nước ngoài và phòng chống buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Xây dựng các giá trị văn hoá đạo đức phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hoá- hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, trên cơ sở kế thừa, phát huy các giá trị văn hoá đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam, bổ sung những giá trị văn hoá đạo đức phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, có sức khoẻ, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá và lòng nhân hậu.
7. Tiếp tục đổi mới chất lượng và hiệu quả công tác vận động phụ nữ, nâng cao chất lượng tuyên truyền giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng- an ninh; nắm bắt tình hình tư tưởng, phát hiện và phản hồi những bất cập, có biện pháp giải quyết kịp thời. Thực hiện có hiệu quả vai trò đại diện tổ chức Hội; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện vi phạm; vận động, tạo điều kiện để Phụ nữ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Từng bước nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật để Phụ nữ chấp hành và tự bảo vệ khi bị vi phạm. 8. Chủ động, sáng tạo trong vận động, đa dạng hoá các hình thức tập hợp, đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, thực hiện các phương thức vận động, tập hợp phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, cơ sở. Phát huy nội lực, kết hợp có hiệu quả vận động các nguồn lực trong nước và quốc tế, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các tổ chức phi chính phủ vay các nguồn vốn với lãi suất thấp hỗ trợ tạo điều kiện cho Phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình.
9. Từng bước kiện toàn bộ máy của Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới: xây dựng và thực hiện chiến lược cán bộ theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu đối với cấp tỉnh, cấp huyện. Đặc biệt, thực hiện đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Khối vận toàn tỉnh giai đoạn 2010-2015”; có cơ chế mở, phát huy vai trò và sự tham gia có hiệu quả cán bộ không chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên tư vấn trên các lĩnh vực công tác Hội; chăm lo vật chất và tinh thần, tạo môi trường làm việc lành mạnh trong các cơ quan chuyên trách Hội. Thực hiện dân chủ, xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước.
10. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, nội dung thi đua phù hợp, phương thức hoạt động linh hoạt để thi đua khen thưởng thực sự trở thành động lực nâng cao chất lượng hoạt động của Hội.
Để làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội LHPN trong đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, các cấp uỷ Đảng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác Phụ nữ, coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Đảng các cấp. Các cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan quan tâm tiếp xúc đối thoại với hội viên, lắng nghe ý kiến đóng góp của hội viên; xây dựng quy chế phối hợp làm cho tổ chức Hội không ngừng phát triển.
Lê Thế Sơn