Khép lại sau ba ngày làm việc, Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 55 đã phản ánh một cách khá rõ nét sự suy yếu của trật tự toàn cầu hiện hành, đẩy thế giới vào một thời kỳ bất ổn mới.
Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị ngày 17/2, Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger nhấn mạnh, hầu hết các đại biểu tham gia đều có chung quan điểm trật tự quốc tế đang trong “hình thái tồi tệ.”
Nếu như ở MSC lần thứ 54 vào năm 2018, các quan điểm cho rằng thế giới đang đứng ở bờ vực xung đột lớn và dự đoán về một kỷ nguyên bất ổn mới vẫn còn bị hoài nghi, thì đến MSC lần thứ 55, điều này dần trở nên rõ ràng hơn.
Những mâu thuẫn lớn cùng sự chia rẽ, thậm chí là đối đầu giữa các cường quốc, đã được bộc lộ ở MSC lần này. Thực tế này cũng phản ánh thực trạng thế giới đang bên bờ vực "khủng hoảng lòng tin."
Một trong những yếu tố quan trọng giúp châu Âu nói riêng, và thế giới nói chung, đạt được sự ổn định và thịnh vượng trong suốt hơn 70 qua kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai là sự hợp tác chặt chẽ và toàn diện giữa châu Âu và Mỹ.
Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu đã có nhiều rạn nứt, và đây cũng là một điểm nhấn của MSC lần thứ 55.
Trong bài phát biểu được dư luận quốc tế đánh giá cao, Thủ tướng nước chủ nhà, bà Angela Merkel lên tiếng kêu gọi sự hợp tác giữa các bên dựa trên chủ nghĩa đa phương.
Theo bà Merkel, trật tự thế giới với dạng cấu trúc hiện tại đang có nguy cơ không thể tồn tại lâu.
Bài phát biểu dài nửa tiếng của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence lại thể hiện quan điểm trái ngược khi ông một lần nữa bảo vệ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Tổng thống Donald Trump với những lý lẽ bị đánh giá là khô cứng.
Tất cả những chủ đề gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ và châu Âu thời gian gần đây được Phó Tổng thống Mỹ Pence nhắc lại như một hình thức công khai tiếp tục gây áp lực đối với Liên minh châu Âu (EU), gồm vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng tại châu Âu trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đòi EU phải rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, cũng như ngừng dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) với Nga.
Việc Mỹ úp mở coi các nhà sản xuất ôtô của châu Âu, đặc biệt là hãng chế tạo ôtô hàng đầu BMW của Đức, là “mối đe dọa an ninh quốc gia,” càng khiến quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương trở nên căng thẳng.
Nếu Mỹ áp đặt mức thuế quan mới lên các sản phẩm ô tô của châu Âu, chủ yếu là Đức, đó sẽ là “phát súng” mở màn cho một cuộc chiến tranh thương mại mới, như đang xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Diễn biến của MSC lần này đã khoét sâu thêm mâu thuẫn và tình trạng nghi kỵ lẫn nhau giữa Mỹ và các đồng minh chủ chốt bên kia bờ Đại Tây Dương.
Từ vấn đề Iran tới Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), quan điểm của Mỹ và EU đang có khoảng cách khá xa và cách tiếp cận của Washington trong những vấn đề này đang bị đánh giá có thể gây tổn hại tới an ninh châu Âu.
Mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc cũng được phơi bày phần nào tại Hội nghị An ninh Munich, khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi tẩy chay tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei, nhấn mạnh rằng Mỹ đã nêu rõ với các đối tác an ninh về những mối đe dọa từ công ty này cũng như các công ty viễn thông khác của Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bảo hộ và “sự thống trị về công nghệ” của Mỹ, đồng thời nêu rõ quan điểm “hợp tác cùng có lợi."
Trong bối cảnh các vòng đàm phán thương mại giữa hai nước đang diễn ra gấp rút trước thời điểm giai đoạn hòa hoãn ba tháng trong cuộc chiến thuế quan sẽ kết thúc vào ngày 1/3 tới, tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc tại hội nghị Munich có thể coi là "chỉ dấu" cho thấy bất đồng chủ chốt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn lâu mới hóa giải được.
Chủ đề Mỹ rút khỏi INF với Nga cũng khiến bầu không khí ở MSC năm nay trở nên “nóng” hơn. Đức đã đề xuất một phiên bản đa phương của INF, song lại nhận được những ý kiến trái chiều.
Về phần mình, Nga cho rằng MSC từ một ý tưởng tốt nhưng nay đã bị phương Tây biến thành một công cụ tuyên truyền, phát đi những thông tin không trung thực về nước Nga.
Trong khi đó, Trung Quốc lại phản đối ý tưởng kêu gọi nước này tham gia phiên bản đa phương của INF, với lý do “không đặt ra mối đe dọa với ai."
Với việc Nga và Mỹ luôn cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF, có thể thấy thỏa thuận được coi là "hòn đá tảng" để bảo đảm an ninh châu Âu như INF đã mất tác dụng khi lòng tin chiến lược giữa các bên bị suy giảm.
Và cũng như thường lệ, an ninh khu vực Trung Đông là một phần không thể bỏ qua của MSC, trong đó chính sách của Mỹ tại "điểm nóng" này được đặc biệt quan tâm.
Năm nay, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cảnh báo các hành động của Mỹ và đồng minh Israel sẽ làm gia tăng nguy cơ xung đột trong khu vực.
Mối quan tâm đặc biệt của Iran vào lúc này là thỏa thuận hạt nhân đạt được vào năm 2015 với nhóm P5+1, nhưng đến năm 2018 đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi với lý do "nghi ngờ Tehran không thực thi thỏa thuận."
Bất chấp một loạt hành động của EU nhằm cứu vãn thỏa thuận này, số phận của Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), vẫn đang treo lơ lửng khi Mỹ và Iran luôn chỉ trích và nghi ngờ lẫn nhau.
Theo thông lệ, Hội nghị An ninh Munich được coi là diễn đàn để thảo luận về những vấn đề an ninh lớn mà thế giới đang phải đối mặt và đề xuất các sáng kiến nhằm đối phó, với mục tiêu thúc đẩy việc giải quyết xung đột một cách hòa bình cùng hợp tác và đối thoại quốc tế.
Tuy nhiên, diễn biến của MSC lần thứ 55 cho thấy quan điểm của các nước trong việc ứng phó với các thách thức an ninh toàn cầu đang rất khác biệt, đồng thời khả năng hợp tác và đối thoại trong những vấn đề này cũng bị hạn chế đáng kể, một phần vì các nước không thể chia sẻ lợi ích mà đang có xu hướng thiên về các hành động đơn phương.
Không chỉ trật tự toàn cầu bị lung lay, lòng tin giữa các nước đang bị suy giảm nghiêm trọng và đây sẽ là thách thức lớn nhất, có nguy cơ tạo ra những cuộc khủng hoảng mới gây tình trạng bất ổn sâu rộng./.
Theo TTXVN